Đề tài khoa học “Xây dựng chỉ dẫn địa lý”: Nâng tầm cho thạch đen Tràng Định
Người dân xuất bán thạch đen
Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Tràng Định, ở Việt Nam, thạch đen được trồng ở một số tỉnh như Thạch An (Cao Bằng), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Sa Đéc (Đồng Tháp), Châu Đốc (An Giang) và Tràng Định (Lạng Sơn). Qua số liệu so sánh hằng năm, diện tích trồng thạch đen ở Tràng Định vẫn lớn nhất và sản lượng cũng đạt cao nhất (vụ đông xuân 2013 – 2014, diện tích trồng thạch đen trên 1.500 ha, năng suất bình quân là 5,8 – 6 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt từ 8 – 9.000 tấn/năm, giá trị khoảng 240 – 270 tỷ đồng, hiệu quả cao gấp 10 lần trồng lúa).
Bà Nông Thị Kim Oanh, chủ nhiệm dự án cho biết: Đứng trước những ảnh hưởng do sản phẩm thạch đen kém chất lượng của một số địa phương khác giả thạch đen Tràng Định, UBND huyện Tràng Định và bà con nhân dân 23 xã trong huyện sản xuất kinh doanh thạch đen đều có chung một mong muốn là xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen nhằm tăng cường năng lực cạch tranh trong hội nhập kinh tế cũng như nhằm chống và ngăn chặn các hành vi sử dụng thương hiệu gây tổn hại đến danh tiếng, uy tín vốn có của sản phẩm. Đề tài khoa học này đã được UBND tỉnh phê duyệt là một tín hiệu mừng đối với bà con trồng thạch đen của huyện Tràng Định. Vì khi nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen được bảo hộ sẽ giúp xác định được tên tuổi và chỗ đứng của thạch đen Tràng Định trên thị trường, tăng cường lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và góp phần tăng thu nhập cho người dân Tràng Định.
Với việc được phê duyệt, trong thời gian tới, phòng NN&PTNT huyện Tràng Định sẽ triển khai thực hiện thí điểm hoạt động quản lý và khai thác nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho cây thạch đen. Trước tiên sẽ tổ chức tập huấn cho các hộ gia đình trồng thạch đen trong vùng thí điểm (các xã Đội Cấn, Tri Phương, Chí Minh, Chi Lăng, Đề Thám, Hùng Việt, Hùng Sơn, Kim Đồng, Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Vĩnh Tiến, Bắc Ái) về cách trồng, chăm sóc, sản xuất sao cho thạch đen đạt chất lượng cao nhất. Đồng thời phổ biến cho bà con biết vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng, quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể cũng như lợi ích và trách nhiệm của các hội viên khi tham gia Hội Sản xuất và kinh doanh thạch đen huyện Tràng Định. Tiếp đến, sẽ tổ chức thành lập Hội Sản xuất và kinh doanh thạch đen nhằm tạo sự liên kết bền vững giữa người nông dân, doanh nghiệp thu mua và chính quyền địa phương. Tiếp nữa, sẽ tổ chức các đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh ngay tại vùng sản xuất thạch đen vào thời điểm thu hoạch rộ và tại các hội chợ, triển lãm trong nước. Đặc biệt, thời gian tới, chính quyền huyện Tràng Định sẽ nỗ lực tìm, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp tiêu thụ thạch đen vào công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm thạch đen Tràng Định.
Ở Lạng Sơn, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm như: hoa hồi Lạng Sơn, hồng không hạt Bảo Lâm… Những sản phẩm này đều có tính chất, chất lượng đặc thù dựa trên các đặc điểm địa lý độc đáo, ưu việt của địa phương. Một khi được xây dựng và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL), các đặc sản này sẽ được nâng cao giá trị thương mại, cùng với đó, các quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm sẽ được chuẩn hóa; người nông dân được hưởng lợi về tập huấn khoa học kỹ thuật, nhận thức về sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân cũng từng bước được nâng lên…
Tuy nhiên, việc xây dựng và đăng ký bảo hộ CDĐL cho đặc sản địa phương không hề đơn giản mà là cả một quá trình đỏi hỏi phải có thời gian, kinh phí và được tiến hành từng bước. Ví như việc xây dựng và bảo hộ CDĐL cho sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn, cần tới 2 năm và dựa vào kinh phí Chương trình 68. Hay việc xây dựng “nhãn hiệu tập thể” cho sản phẩm quýt vàng Bắc Sơn (đang tiến hành) thì dựa vào vốn sự nghiệp khoa học và một phần ngân sách của huyện. Khó khăn là vậy song với nhận thức đúng về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ đối với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường, chính quyền huyện Tràng Định đã, đang và sẽ nỗ lực bằng nội lực, bằng công tác xã hội hóa… để xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho thạch đen Tràng Định.
Ý kiến ()