tle=”Để sản xuất cà-phê ở Đác Lắc phát triển bền vững”> Thu hoạch cà-phê ở Đác Lắc. Niên vụ cà-phê 2011-2012, Đác Lắc có 200.193 ha, tăng gần 9.500 ha so với niên vụ trước. Trong đó, diện tích cà-phê cho thu hoạch đạt 190.329 ha, tăng 12.000 ha, năng suất bình quân đạt 25,62 tạ/ha, sản lượng cà-phê nhân xô đạt 487.748 tấn. Đây là niên vụ được mùa, nhưng người trồng và các doanh nghiệp cà-phê vẫn gặp khó khăn do giá cả biến động.
Bất cập trong thu hái, chế biến
Mặc dù sản lượng cà-phê tăng, nhưng nhiều năm nay, các doanh nghiệp chỉ sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện có và chỉ thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ để phục vụ chế biến cà-phê. Do đó, với sản lượng cà-phê 487.748 tấn thì các doanh nghiệp chỉ chế biến được khoảng hơn 20%, số còn lại do nông dân tự chế biến theo phương thức thủ công rồi được doanh nghiệp thu mua, chế biến lại và phân loại, đánh bóng thành phẩm… Mặc dù, chất lượng cà-phê của tỉnh Đác Lắc trong niên vụ qua được đánh giá là đã cải thiện đáng kể, nhưng so với niên vụ trước, sản lượng xuất khẩu chỉ đạt 298.181 tấn, giảm 4,2%, và tổng kim ngạch xuất khẩu là 621,57 triệu USD, giảm 4,4%.
Nguyên nhân của sự sụt giảm cả về số lượng lẫn kim ngạch so với niên vụ trước trong khi sản lượng cà-phê tăng, một phần là do lượng cà-phê dùng cho chế biến sâu đã tăng lên trên địa bàn (khoảng 10% tổng sản lượng cà-phê của tỉnh), mặt khác là một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà-phê lớn của tỉnh trước đây như Công ty cổ phần ĐT&XNK Đác Lắc, Công ty cổ phần ĐT&XNK cà-phê Tây Nguyên… gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, cho nên chỉ hoạt động cầm chừng. Điều đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài tỉnh thu mua nguyên liệu để chuyển sang địa phương khác xuất khẩu. Bên cạnh đó, cũng có hiện tượng một số người dân tự thu mua và chuyên chở đến địa phương khác bán… Đặc biệt là tình trạng thu hái quả xanh còn phổ biến, việc chế biến còn nhiều bất cập dẫn đến chất lượng cà-phê chưa cao. Các doanh nghiệp thu mua chưa áp dụng giá thu mua cho cà-phê nhân xô chất lượng cao, dẫn đến việc nông dân không mặn mà với việc đầu tư và hái cà-phê chín để nâng cao chất lượng cà-phê. Tái canh phần diện tích cà-phê già cỗi là một vấn đề cấp thiết nhưng lại triển khai chậm, người dân thiếu vốn, cho nên việc thay thế các vườn cây già cỗi vẫn chưa được đầu tư thực hiện. Mối liên kết giữa sản xuất và chế biến, tiêu thụ đang được phát triển, tuy nhiên một số đơn vị thực hiện việc liên kết với nông dân thực chất chỉ là giao khoán. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu. Tình trạng cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu, ép cấp, ép giá còn xảy ra. Lãi suất ngân hàng vẫn còn cao hơn so với mức lãi suất cho vay cơ bản, ngân hàng thắt chặt các điều kiện cho vay đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong việc vay vốn, đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất, cải tạo vườn cây…
Thêm vào đó là giá nhân công lại tăng, năm nay, mới đầu vụ giá nhân công đã cao hơn năm trước từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/ngày, hiện đang ở mức trên dưới 150 nghìn đồng/người/ngày, bao ăn. Cùng với đó là nạn trộm cắp cà-phê lộng hành khắp các vùng chuyên canh ở Tây Nguyên, khiến nhiều hộ nông dân phải thu hoạch cà-phê khi quả còn xanh, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng cũng như chất lượng, và giá trị của cà-phê. Ngày 20-10 vừa qua, ông Hồ Tiễn cùng 10 người làm thuê đưa xe cày, bao bạt đến rẫy cà-phê ở buôn Thung (xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar, tỉnh Đác Lắc) để thu hoạch cà-phê… thì đã bị kẻ trộm hái hết cả vườn cây xơ xác, quả bị tuốt sạch, trong đó 27 cây bị chặt cả cành. Ông Y Tự Niê (buôn Ca Na A, xã Cư M'gar) cho biết: Cà-phê của nhà ông còn xanh, nếu thu hoạch thì chất lượng thấp, bán không được giá cao. Do vậy, đêm nào cả nhà cũng đi canh chừng, mỗi đêm vài lượt, nhưng lơ là một chút là bị trộm chặt phá cả vườn cây.
Cần những giải pháp đồng bộ
Để có mùa cà-phê an toàn, trọn vẹn, các địa phương ở tỉnh Đác Lắc đã triển khai nhiều biện pháp quản lý đội ngũ nhân công hái cà-phê thuê và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Huyện Cư M'gar hiện có 40.000 ha cà-phê, trong đó hơn 34.000 ha kinh doanh. Trước mùa thu hoạch, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh – trật tự trên địa bàn, trong đó có biện pháp quản lý chặt chẽ lực lượng nhân công hái cà-phê thuê. Xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột có hơn 1.400 ha cà-phê đang kỳ thu hoạch rộ. Từ đầu tháng 10, UBND xã đã ban hành một số quy định như: các hộ có nhu cầu thuê lao động ở quá 30 ngày thì bắt buộc phải đăng ký tạm trú tại công an xã (dưới 30 ngày thì thông báo lưu trú); nghiêm cấm mọi người không được tự tiện vào rẫy cà-phê của người khác khi chưa được chủ hộ đồng ý; yêu cầu các hộ thu mua cà-phê phải ký cam kết với chính quyền địa phương về việc không mua sản phẩm cà-phê trộm cắp; những người vận chuyển cà-phê sau 21 giờ phải báo cáo với công an hoặc ban tự quản thôn, buôn và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của sản phẩm… Bên cạnh đó, lực lượng công an và xã đội lập hai tổ tuần tra, canh gác thường xuyên trên địa bàn, các tuyến đường quan trọng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về an ninh, trật tự. Trưởng Công an xã Ea Tu Vũ Viết Bằng, cho biết: Những năm trước tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn vào thời điểm thu hoạch cà-phê rất phức tạp, một số đối tượng từ các nơi khác đến trà trộn để trộm cắp và gây rối trật tự. Năm nay, địa phương thực hiện các biện pháp quyết liệt để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, giúp người dân có một mùa thu hoạch cà-phê thắng lợi.
Về lâu dài, Đác Lắc sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp như giao thông, thủy lợi để phục vụ công tác tưới tiêu cà-phê; tăng cường hoạt động của tổ chức khuyến nông, khuyến công; xây dựng hệ thống cung cấp thông tin giá cả thị trường nhanh chóng, kịp thời và chính xác để phục vụ nông dân cũng như doanh nghiệp trong ngành cà-phê. Bên cạnh đó, các địa phương, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất cà-phê bền vững gắn với lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường; vận động nông dân tham gia thành lập nhóm hộ, câu lạc bộ, hợp tác xã… Tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích nông dân tập trung thâm canh cây cà-phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất cà-phê có chứng chỉ, từ đó nâng cao chất lượng cà-phê của tỉnh.
Các doanh nghiệp đề ra giải pháp xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu ổn định thông qua việc liên kết với nông dân, khắc phục tình trạng thiếu thông tin, thiếu liên kết và không đồng thuận giữa các doanh nghiệp xuất khẩu để giảm tình trạng tranh mua, tranh bán gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu cà-phê. Hiệp hội cà-phê Buôn Ma Thuột xây dựng và tổ chức thực hiện việc quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cà-phê Buôn Ma Thuột và đề xuất các chính sách hỗ trợ và xúc tiến ngay việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cà-phê Buôn Ma Thuột trên thị trường thế giới. Các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn ưu tiên nguồn vốn và thời gian vay vốn cho người dân cũng như doanh nghiệp trong ngành cà-phê; tập trung cho công tác dự báo nhu cầu và giá cả trên thị trường thế giới; tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự tại các khu vực trồng cà-phê và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ để chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cà-phê của địa phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()