Để sách giáo khoa xứng tầm sự nghiệp đổi mới giáo dục
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành đã hiện thực hóa quan điểm đổi mới giáo dục cho những năm tới. Trong khi đó, sách giáo khoa (SGK) là một phương án dạy học dựa trên chương trình chuẩn quốc gia.
Sách giáo khoa là cụ thể hóa mục tiêu giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và là bước đột phá, đòn bẩy để phát triển giáo dục nước nhà. SGK mới có cấu trúc và nội dung không giống như SGK hiện hành. Đây là SGK dạy học theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh cho nên sách phải viết làm sao cụ thể hóa được mục tiêu của chương trình tổng thể và chương trình môn học một cách khoa học nhất và nghệ thuật sư phạm nhất. Mặt khác, SGK chỉ là một phương án mở giúp giáo viên thuận lợi trong việc hướng dẫn học sinh trải nghiệm từng đơn vị kiến thức trong bài học. Tuy được chọn một bộ SGK, nhưng mỗi giáo viên vẫn có quyền tham khảo và vận dụng các cách tiếp cận, cách giải quyết một vấn đề kiến thức ở các bộ SGK khác nhau. Đối với học sinh, SGK chỉ là một trong những công cụ giúp các em bày tỏ biểu cảm, cách nghĩ, cách thể hiện khác nhau và rồi cùng nhau thảo luận, hợp tác, chủ động tìm cách sở hữu kiến thức cho chính mình.
Thực tế hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa thoát ra quan niệm cũ: SGK là pháp lệnh, cho nên chưa dám mạnh dạn thay đổi hoạt động chuyên môn khi trình độ học sinh và điều kiện hiện có của nhà trường không tương đồng. Có thể nói, để dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả, quyền quyết định chủ yếu là ở giáo viên, ở mỗi nhà trường mà không phải là ở SGK. Nhiều bộ SGK sẽ cho ra cách dạy học khác nhau cũng như phản ánh thực tiễn giáo dục phong phú ở nhiều địa phương, thậm chí mang dấu ấn riêng, đậm chất nghệ thuật sư phạm của nhóm tác giả SGK. Giáo viên sẽ được tự do sáng tạo, trên cơ sở trải nghiệm nhiều bộ SGK khác nhau. Mặt khác, khi có nhiều bộ SGK, sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Điều đó giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) chỉ đạo sát thực hơn, thực tế hơn với sự đa dạng của địa phương, tức là điều chỉnh cách chỉ đạo đổi mới giáo dục ở cấp Trung ương, hay chính là thay đổi từ trên xuống. Quá trình biên soạn SGK theo cơ chế xã hội hóa giúp các tác giả và nhà xuất bản hoàn toàn được chủ động, sáng tạo trong tất cả các khâu như: Tự chủ chọn tác giả và xây dựng bản thảo; tự lo kinh phí và từ đó xác định cho mình trách nhiệm lớn hơn. Ngoài ra, nhiều bộ SGK sẽ chống được độc quyền của các nhà xuất bản trong việc in ấn và phát hành SGK, đã tồn tại suốt nhiều năm qua.
Tuy nhiên, quá trình triển khai biên soạn SGK vừa qua bộc lộ những hạn chế cả về nội dung dạy học lẫn sự chỉn chu về mặt sư phạm. Chưa nên vội đưa quá nhiều văn thơ nước ngoài vào SGK tiểu học, nhất là học sinh các lớp 1, 2, 3 là giai đoạn đầu đời của cả một con người. Mặt khác, cần nhặt hết “sạn” trong SGK. Rõ ràng, SGK tuy là sách xã hội hóa nhưng đã được Nhà nước thẩm định trước khi đưa vào trường học thì phải chuẩn, phải “sạch”. Vì vậy, cần chấm dứt tình trạng còn “sạn” trong SGK. Đáng chú ý, giá SGK quá cao trong khi vẫn có những giải pháp để giá sách giảm xuống như: Đấu thầu rộng rãi công đoạn in sách; giảm đến mức thấp nhất số trang mỗi đầu sách; không cần có SGK ở một số môn học hoặc hoạt động giáo dục (như hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất) mà chỉ giữ lại sách hướng dẫn dạy cho giáo viên. Nếu làm được như nêu trên, chắc chắn cặp sách của các em tới trường sẽ nhẹ hơn, đỡ trĩu nặng trên đôi vai trẻ nhỏ. Cùng với đó, việc bán sách tham khảo kèm SGK, theo “bó”, rồi môi giới tiếp thị sách tham khảo để nhận phí phát hành là những việc làm phản cảm, cần phê phán và giám sát chặt chẽ hơn nữa theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD và ĐT.
Để thực hiện đổi mới giáo dục thành công cần quyết liệt thay đổi cách làm SGK. Nếu cơ quan quản lý giáo dục, các nhà tổ chức, nhà xuất bản không thay đổi tư duy, tiếp tục duy trì và áp dụng cách nghĩ và phương pháp cũ để làm SGK mới trong cơ chế thị trường thì sẽ là sai lầm và để lại bức xúc trong dư luận xã hội là điều tất yếu. Xã hội hóa SGK là tốt, là tiến bộ, nhưng dễ gặp phải cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm tác giả và các nhà xuất bản. Do đó, Bộ GD và ĐT cần quyết liệt với những chế tài chặt chẽ hơn để ngăn chặn lợi ích nhóm hay tình trạng nể nang khi thẩm định SGK. Khi lựa chọn và quyết định từng thành viên trong nhóm tác giả cũng như các ủy viên của hội đồng thẩm định cần sự chuẩn xác ở nhiều khâu và bảo đảm tính khoa học. Cần tránh làm SGK theo nhóm kiểu thân quen hay người nhà mà ít chú ý tới sự đóng góp năng lực từng cá nhân cho toàn nhóm, cho chất lượng cả cuốn SGK. Các thành viên trong nhóm tác giả cũng như hội đồng thẩm định SGK phải là sự kết hợp hài hòa của những cá nhân có năng lực chuyên môn sâu, có hiểu biết và trải nghiệm giáo dục phổ thông với những giáo viên giỏi có tầm nhìn, chuyên gia đầu ngành vững vàng, am hiểu sâu sắc tư tưởng đổi mới giáo dục.
Ý kiến ()