Xét nghiệm mẫu táo tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành liên quan để hướng tới kiểm soát chất lượng thực phẩm theo chuỗi "từ trang trại tới bàn ăn". Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được giao trách nhiệm chính về quản lý nhà nước về ATTP từ "nông trại đến chợ" đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu.Rau, củ, quả được kiểm soát thế nào?Trong lĩnh vực BVTV, hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP được tổ chức theo hai hệ thống: Một là, Hệ thống kiểm tra ATTP xuất - nhập khẩu, gồm Cục BVTV và 15 đơn vị trực thuộc là chín Chi cục kiểm dịch thực vật (KDTV), hai Trung tâm Kiểm định và kiểm nghiệm, cùng hơn 60 trạm KDTV thuộc Cục hoặc ủy quyền trên các cửa khẩu biên giới; Hai là, Hệ thống kiểm tra giám sát ATTP trong sản xuất gồm Cục BVTV và sáu đơn vị trực thuộc là bốn Trung tâm BVTV vùng; hai...
Xét nghiệm mẫu táo tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). |
Luật An toàn thực phẩm (ATTP) có hiệu lực từ ngày 1-7-2011, đã phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng ngành liên quan để hướng tới kiểm soát chất lượng thực phẩm theo chuỗi “từ trang trại tới bàn ăn”. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) được giao trách nhiệm chính về quản lý nhà nước về ATTP từ “nông trại đến chợ” đối với các sản phẩm có nguồn gốc thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Rau, củ, quả được kiểm soát thế nào?
Trong lĩnh vực BVTV, hệ thống kiểm tra, giám sát ATTP được tổ chức theo hai hệ thống: Một là, Hệ thống kiểm tra ATTP xuất – nhập khẩu, gồm Cục BVTV và 15 đơn vị trực thuộc là chín Chi cục kiểm dịch thực vật (KDTV), hai Trung tâm Kiểm định và kiểm nghiệm, cùng hơn 60 trạm KDTV thuộc Cục hoặc ủy quyền trên các cửa khẩu biên giới; Hai là, Hệ thống kiểm tra giám sát ATTP trong sản xuất gồm Cục BVTV và sáu đơn vị trực thuộc là bốn Trung tâm BVTV vùng; hai Trung tâm KĐ&KN thuốc BVTV, cùng 63 Chi cục BVTV tỉnh, thành phố và các đơn vị kiểm nghiệm được Cục chỉ định. Với hai hệ thống này, công tác KDTV và kiểm tra ATTP đã được thực hiện khá tốt.
Đối với rau quả trong nước, công tác thanh tra hoạt động kinh doanh thuốc BVTV được tiến hành hằng năm. Năm 2011, ngành đã thanh tra hơn 10 nghìn cơ sở buôn bán thuốc BVTV, với 869 đợt thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện hơn 890 trường hợp vi phạm. Trong đó chủ yếu là không đủ điều kiện kinh doanh, vi phạm nhãn mác, thuốc ngoài danh mục và các hình thức vi phạm khác, các hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo, phạt hành chính, tịch thu thuốc và đình chỉ kinh doanh.
Ngành cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc nông dân sử dụng thuốc với 127 đợt phát hiện và xử lý hơn 1.700 trường hợp vi phạm. Các vi phạm chủ yếu là sử dụng thuốc không bảo đảm thời gian cách ly, sử dụng không đúng thuốc, sử dụng không đúng liều lượng, sử dụng thuốc ngoài danh mục.
Kết quả phân tích về chỉ số ATTP cũng cho biết: Tỷ lệ mẫu rau quả chứa tồn dư thuốc BVTV vượt quá giới hạn cho phép là 4,43% , giảm so với 8,6% trong năm 2010.
Đối với rau, quả nhập khẩu, kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ khi Luật ATTP có hiệu lực vào tháng 7-2011 đến tháng 9-2012, cho biết: Hơn 52,5 nghìn lô với tổng trọng lượng hơn 2,8 triệu tấn, với hơn 170 loại rau, củ, quả nhập khẩu từ hơn 60 quốc gia đã trải qua tổng số 1.545 mẫu kiểm nghiệm, trong đó: 848 mẫu chưa phát hiện dư lượng thuốc BVTV; 675 mẫu phát hiện dưới ngưỡng MRL theo quy định; Số mẫu bảo đảm ATTP là: 1.523 (chiếm 98,56%) và chỉ có 12 mẫu vi phạm về mức dư lượng tối đa cho phép, chiếm 0,8%.
Tiến sĩ Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Ngộ độc thực phẩm (NĐTP) thuộc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế, cho biết nguyên nhân gây ra vụ NĐTP chủ yếu là vi sinh vật chiếm 30,7% số vụ, do độc tố tự nhiên chiếm 25,2% số vụ, hóa chất là 10,4% số vụ, còn lại không xác định được nguyên nhân. Thức ăn gây NĐTP chủ yếu là thực phẩm hỗn hợp (47,4%); thịt và sản phẩm (10,3%); thủy sản và sản phẩm (10,9%); nấm độc (16,0%). Rau, củ quả, bánh kẹo, rượu có thể là thực phẩm nguyên nhân gây ra vụ NĐTP.
Đặc biệt, TS Lâm Quốc Hùng cho biết: “Tỷ lệ mắc trong các vụ NĐTP giai đoạn từ năm 2002 đến 2010, trung bình là 6,87/100 nghìn dân/năm và có xu hướng ngày càng giảm”.
Xã hội hóa để “tăng lực” kiểm soát VSATTP
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Xuân Hồng cũng cho biết: Hiện nay vấn đề mất ATTP quan trọng nhất là câu chuyện sử dụng thuốc BVTV. Đặc thù nền sản xuất và kinh doanh rau quả trong nước của chúng ta còn nhỏ lẻ, manh mún, đường biên giới của nước ta cũng trải dài, trong khi lực lượng làm công tác BVTV và kiểm tra ATTP còn mỏng, trang thiết bị đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của một đất nước nông nghiệp. Chính vì vậy trang thiết bị cũng cần được nâng cấp thêm, đặc biệt trên các cửa khẩu, cùng với đó là bổ sung nhân lực chuyên sâu để làm chủ được các trang thiết bị hiện đại. Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện về hành lang pháp lý cụ thể hơn để tạo điều kiện cho các cán bộ xử lý được những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Thí dụ như phạt như thế nào, bao nhiêu tiền? kinh phí đầu tư cho máy móc thiết bị lấy ở đâu?…
Đặc biệt, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong nước là rất quan trọng. Các nước trên thế giới luôn quan tâm hướng dẫn cho người tiêu dùng về bảo đảm VSATTP. Nên xây dựng đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên (Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, cựu chiến binh) để họ làm tai mắt, tuyên truyền về ATTP cho cộng đồng; Lập đường dây nóng và xuất bản báo chuyên ngành về ATTP để đưa ra những hướng dẫn, lời khuyên cho người tiêu dùng.
Luật ATTP đã phân rõ trách nhiệm giữa các bộ nên các bên đều chủ động phối hợp tốt để hoàn thành trách nhiệm. Việc phân rõ “vai” giúp ngành BVTV thu hút thêm được các nguồn lực khác để cùng nhau giải quyết vấn đề VSATTP cho tốt.
Nước ta là nước xuất khẩu nông sản, trong khi các nước cạnh tranh chính về vấn đề ATTP, nên nếu sản xuất trong nước làm không tốt sẽ làm ngành nông nghiệp của ta mất uy tín và thua thiệt. Các nước đều có hàng rào kỹ thuật nhưng rau quả của chúng ta vẫn đáp ứng được, thậm chí là tốt.
Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa thì cái khó nhất của rau sạch là phải có thị trường. Chúng ta nên tổ chức các tổ làm dịch vụ phun thuốc như ở Thái Bình và một số tỉnh đang làm khá tốt, rồi nhân rộng. Nhưng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các loại hình dịch vụ này phát triển. Chúng ta cần hướng tới xã hội hóa công tác VSATTP để huy động các nguồn lực, như cho tư nhân làm xét nghiệm, vì xét nghiệm cần đầu tư rất lớn trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp. Cần phát huy vai trò của các địa phương để quy hoạch vùng sản xuất, tăng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Tạo thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()