Đề phòng tiền mất tật mang
LSO-Thời gian gần đây cư dân biên giới trên địa bàn huyện Lộc Bình, Cao Lộc sính ra nước ngoài mua phân bón hóa học, giống, dùng trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng đã không ít trường hợp mua phải phân bón giả, hàm lượng thấp. Không đọc được hướng dẫn trên bao bì dẫn đến sai quy trình, nhiều hộ đã tiền mất tật mang.
Cư dân biên giới sử dụng giống nhập ngoại không có hướng dẫn sử dụng |
Chỉ bao phân đạm mới nguyên đặt ở góc nhà, anh Trần Văn Hà thôn Long Đầu xã Yên Khoái huyện Lộc Bình hồ hởi nói bằng tiếng Tày, đạm anh mới mua bên chợ Ái Điểm, so với giá ở đại lý vật tư nông nghiệp nó rẻ hơn được 100 nghìn. Mua về người ta nói loại này hàm lượng đạm thiếu nên cứ lo lo. Thế nhưng đã trót mua rồi đành phải dùng. Rồi anh thở dài nói: “Đành phải đợi thu hoạch lúa mới biết”! Câu chuyện dùng vật tư nông nghiệp ngoại bắt đầu rộ lên vào vụ sản xuất xuân hè năm nay. Do cư dân biên giới thường xuyên thăm thân, trao đổi hàng hóa nên họ biết giá vật tư nông nghiệp bán tại các chợ nông thôn Trung Quốc khá rẻ. Một phần do chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện trợ giá cho nông dân vùng biên. Thứ nữa công vận chuyển tấn/km của họ thấp hơn. Mỗi một bao phân bón hóa học loại 50kg mua tại các chợ biên giới tiết kiệm được cả trăm ngàn đồng. Nếu bà con mua tự trộn phân tổng hợp giá thành còn hạ hơn.
Theo anh Trần Văn Hà, họ hàng, hàng xóm nhà anh phần lớn qua chợ biên giới mua phân bón. Mặc dù Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Lạng Sơn thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nông dân, bán đồng giá trên toàn địa bàn nhưng ở khu vực biên giới tiêu thụ vật tư nông nghiệp bị giảm đi ít nhiều. Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty, phân bón mua từ Trung Quốc qua biên giới là hàng lậu. Mà đã lậu là không có thuế nên giá cả thấp hơn là chuyện có thật. Thế nhưng phía nước bạn là “vương quốc” của hàng giả hàng nhái, không biết cư dân biên giới có nhận ra được đâu là thật đâu là giả không? Nhớ lại cách đây chưa lâu, Đội Quản lý thị trường số 3 Lộc Bình bắt được một lô phân bón giả nhập lậu. Qua giám định rất nhiều bao phân trên bao bì có chữ phân đạm Hà Bắc. Nhưng Nhà máy phân đạm Hà Bắc không thừa nhận có sản phẩm như vậy. Khi kiểm tra chất lượng thì toàn bộ các chỉ số thành phần đều thấp hơn mức cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam rất nhiều.
Như vậy dù có mua giá rẻ thì chất lượng cũng không đạt chuẩn, nếu sử dụng vào bón ruộng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Ở các thôn bản biên giới đất canh tác ít, trình độ thâm canh chưa cao, chỉ cần một vụ thất bát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Có lần công tác tại bản Mới xã Thanh Lòa, chúng tôi chứng kiến gia đình ông Lộc Văn Mít sang tận chợ nước bạn mua giống, phân bón về dùng. Thế nhưng không đọc được tiếng Trung Quốc ghi trên bao bì ông cứ áp dụng ngâm thóc giống theo công thức cũ 3 sôi 2 lạnh. Trong khi đó hướng dẫn trên bao bì lại không phải vậy, thế nên đám thóc giống khi đã gieo mãi vẫn không thấy nẩy mầm. Khi lên mầm thì đã quá khung thời vụ. Để gỡ gạc ông lại qua chợ biên giới mua phân bón thúc, nhưng do hàm lượng phân chưa đạt chuẩn bón mãi mà cây lúa vẫn trơ trơ. Cả vụ đầu tư gần triệu tiền phân bón, giống bỗng chốc trở thành công cốc, chưa kể phân không đảm bảo làm trơ đất rất khó canh tác cho vụ sau.
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Công ty Vật tư nông nghiệp, bà con mua phân bón đủ hàm lượng thì không sao, nhưng ở chợ biên giới khi mua phải phân giả, kém thì biết kêu ai? Ngay ở trong nước rất nhiều hộ ham phân rẻ, không mua phân từ các cửa hàng thuộc hệ thống đại lý vật tư nông nghiệp tỉnh, khi bón không tan, không có tác dụng, làm mất mùa họ khiếu nại cũng rất khó giải quyết. Theo ông Vân, tốt nhất bà con nên mua ở các đại lý có uy tín, chất lượng kém khiếu nại được ngay.
Cán bộ QLTT thu giữ phân bón giả |
Trong nông nghiệp, có lẽ câu: “Nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống” lúc nào cũng còn nguyên giá trị. Vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho người dân nên có sự kiểm soát vật tư nông nghiệp, chất lượng phân bón chặt chẽ. Khuyến cáo người dân biết chọn phân bón phù hợp, cẩn thận khi dùng phân bón mua tại các chợ biên giới nước bạn để đảm bảo canh tác, tránh tiền mất tật mang.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()