Đề phòng tật khúc xạ ở lứa tuổi học đường
LSO-Tật khúc xạ là một trong những nhóm bệnh thường hay gặp ở lứa tuổi học đường. Tuy không có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi mắc bệnh sẽ khiến bệnh nhân nhìn mờ, mỏi mắt, ảnh hưởng đến học tập, làm việc, chất lượng cuộc sống giảm sút. Đặc biệt, với bệnh cận thị nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, người bệnh dễ gây ra khiếm thị, thậm chí mù lòa và trở thành gánh nặng cho cho gia đình và toàn xã hội.
Khám mắt cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh |
Tật khúc xạ được hiểu là ảnh của vật được hội tụ ở trước hoặc sau võng mạc của mắt. Ở mắt bình thường, ảnh của vật sẽ hội tụ tại võng mạc sẽ cho con người nhận được những hình ảnh sắc nét, rõ ràng, đúng màu sắc. Khi hình ảnh được hội tụ ở trước võng mạc được gọi là cận thị, hình ảnh hội tụ ở sau võng mạc được gọi là viễn thị và hình ảnh hội tụ ở nửa trước và nửa sau được gọi là loạn thị. Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở học sinh năm học 2015 – 2016 là hơn 3.500 trường hợp. Đến năm học 2016 – 2017 đã phát hiện gần 5.000 trường hợp mắc các bệnh về mắt, trong đó, đa số là tật khúc xạ.
Cận thị, viễn thị và loạn thị là 3 dạng tật khúc xạ của mắt, chúng đều là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém thị lực hay mỏi mắt, đau đầu và phải nheo mắt khi nhìn nếu không đeo kính hỗ trợ. Trong 3 dạng này thì cận thị là thường hay gặp nhất ở học sinh, sinh viên, có nơi chiếm từ 30 đến 40% tổng số học sinh và ngày càng có xu hướng tăng cao.
Bác sỹ Nguyễn Nam Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe tỉnh cho biết: Có 3 nguyên nhân gây ra tật cận thị ở trẻ em. Thứ nhất là do di truyền từ bố mẹ sang con cái, mức độ cận thị ở bố mẹ càng cao thì nguy cơ di truyền cho con càng lớn. Thứ hai là trẻ sinh ra thiếu tháng và trẻ sinh ra bị suy dinh dưỡng đều có nguy cơ cao bị cận thị. Thứ ba là do thói quen học tập, sinh hoạt thiếu khoa học hằng ngày của trẻ. Trong đó, nguyên nhân thứ ba là nguyên nhân hàng đầu gây tật cận thị ở trẻ em.
Thông thường khi đến trường trẻ em học với cường độ cao, môi trường không đảm bảo, bàn ghế không phù hợp và đọc sách ở cự li gần trong thời gian dài. Khi về nhà, các em thường xem ti vi, sử dụng máy tính, điện thoại nhiều giờ liên tục hoặc đọc sách trong tư thế nằm khiến cho thị lực của mắt giảm dần, dẫn tới cận thị.
Để chủ động phòng tránh cận thị cũng như các tật khúc xạ của mắt, đối với trẻ em cần ngồi học, đọc, viết đúng tư thế, không cúi quá sát xuống bàn. Đảm bảo khoảng cách khi làm việc với máy tính tổi thiểu là 50 cm, khi đọc sách tối thiểu là 30 cm. Sau mỗi 45 đến 60 phút cần phải cho mắt nghỉ ngơi từ 10 đến 15 phút. Lưu ý là phải đảm bảo nguồn sáng cho trẻ học tập và sinh hoạt, sử dụng càng nhiều ánh sáng càng tốt, miễn là không gây chói hoặc khó chịu cho mắt của trẻ. Tuyệt đối không để trẻ nằm để đọc sách hoặc xem điện thoại vì không những gây giảm thị lực mà còn gia tăng độ lệch thị lực giữa hai mắt.
Sự quan tâm của cha mẹ và nhà trường tạo cho trẻ thói quen học tập, sinh hoạt khoa học cùng môi trường an toàn chính là chìa khóa để cho trẻ có được sức khỏe tốt, phòng tránh tật khúc xạ cho các em trong năm học 2017 – 2018 này.
Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu như: nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt, trẻ kêu nhìn mờ, hay mỏi mắt, đặc biệt là những động tác bất thường như: liên tục dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, vì đây chính là những dấu hiệu trẻ đã bị mắc tật khúc xạ về mắt.
MINH MẠNH
Ý kiến ()