Đề phòng rối loạn tâm thần do stress
LSO-Stress là tình trạng mệt mỏi, căng thẳng gây ra áp lực về tâm lý ở người. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong cuộc sống thì khó có thể tránh khỏi những lúc bị Streess. Điều đáng quan tâm là khi stress kéo dài và liên tục chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn tâm thần, một loại bệnh tuy không gây ra tử vong đột ngột cho người mắc song lại trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Khám chẩn đoán rối loạn tâm thần tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh |
Được xác định là bệnh rối loạn tâm thần khi một người mắc bất kỳ bệnh nào tác động lên cảm xúc, tư duy và hành vi, khiến họ lệch khỏi chuẩn mực văn hóa và nhân cách, gây hậu quả tiêu cực đến cuộc sống chính bản thân người mắc và của gia đình. Biểu hiện ban đầu là tình trạng căng thẳng, mệt mỏi do áp lực tâm lý (hay còn gọi là stress) dẫn đến sự thay đổi về giấc ngủ, về ăn uống, hay mệt mỏi, hằn học, thờ ơ với người xung quanh, kèm theo chán nản, lo lắng sợ hãi hoặc có ý nghĩ ám ảnh. Khi nặng lên thì bệnh nhân tách biệt khỏi cuộc sống xung quanh, thậm chí có những hành vi gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện tâm thần Trung ương, trong cả nước có tới 13 triệu người mắc bệnh tâm thần, trong đó hơn 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng, gần 50% bệnh nhân mắc bệnh ở độ tuổi dưới 30. Điều hết sức lo lắng là trong khi bệnh ngày một tăng cao thì chỉ có khoảng 30% số người biết được mình mắc bệnh, còn lại là không biết và không thừa nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trong đó không ít người đang là cán bộ công nhân viên chức nhà nước, học sinh, sinh viên.
Có nhiều nguyên nhân gây ra rối loạn tâm thần, cơ bản được chia ra các nhóm chính, nhóm thứ nhất là do rối loạn stress, nhóm thứ hai là do bẩm sinh di truyền, nhóm thứ ba là do các chấn thương gây tổn thương ở não và nhóm thứ tư là do nội sinh tức là do cơ thể tự chuyển hóa. Trong đó phổ biến nhất là nhóm rối loạn stress, cũng có nghĩa là do sự tác động của yếu tố môi trường trong cuộc sống hằng ngày.
Bất cứ ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, đối với học sinh, sinh viên, có thể do áp lực về điểm số, lo học đến mức không ăn uống được, hay do nghiện game, sau đó rơi vào tình trạng mất ngủ, suy nhược cơ thể, học tập giảm sút, dẫn đến buồn bã, chán nản. Đối với cán bộ công nhân viên chức, người lao động có thể do sang chấn về tinh thần, áp lực công việc, áp lực về kinh tế trong cuộc sống hằng ngày dẫn đến áp lực tâm lý căng thẳng, rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh kéo dài là điều kiện thuận lợi gây ra rối loạn tâm thần.
Theo bác sỹ Nông Mộng Dương, Khoa Tâm thần kinh, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần ở thể nhẹ có thể chỉ cần nghỉ ngơi, giảm sức ép tâm lý, tạo tinh thần thoải mái là có thể dần tự khỏi bệnh. Trường hợp nặng hơn cần phải dùng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý và phục hồi chức năng lao động nghề nghiệp trong cộng đồng. Tuy nhiên, do tình trạng kỳ thị, giấu bệnh, ngại đi khám nên các trường hợp bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa cũng là lúc bệnh đã bắt đầu trở nặng, cần phải áp dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị và thời gian điều trị cũng dài hơn.
Trong điều trị và dự phòng, liệu pháp tâm lý trị liệu bằng nói chuyện, tư vấn luôn có tác dụng và hiệu quả khá cao đối với một số bệnh nhân tâm thần, đặc biệt là các trường hợp rối loạn tâm thần thường gặp, lạm dụng chất kích thích và trường hợp bị kích động. Chính vì vậy, sự hiểu biết của mỗi người về bệnh, sự chấp nhận bệnh nhân, sự cảm thông và quan tâm đến người bệnh, tránh các căng thẳng, mâu thuẫn trong gia đình và cộng đồng, tạo điều kiện để người trong độ tuổi lao động có thu nhập bằng những việc làm vừa với sức của mình là điều hết sức cần thiết để chủ động phòng rối loạn tâm thần và tái phát rối loạn tâm thần. Đồng thời góp phần thực hiện chủ đề ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10/2017 là “Sức khỏe tâm thần cán bộ viên chức’’.
MINH MẠNH
Ý kiến ()