Đề phòng ngộ độc thực phẩm trong mùa nắng nóng
LSO-Thời tiết oi bức, nắng nóng trong những ngày này sẽ khiến cho các loại thức ăn bị ôi thiu nhanh hơn, theo đó nguy cơ gây ra ngộ độc thực phẩm cũng tăng lên. Để chủ động tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra do ngộ độc thực phẩm, mỗi người cần phải trang bị cho bản thân những kiến thức cơ bản để đảm bảo an toàn trong từng bữa ăn của gia đình, cũng như sơ cứu kịp thời khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Chế biến thức ăn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh – Ảnh: THANH SƠN |
Ngộ độc thực phẩm là hiện tượng người bị trúng độc, ngộ độc do ăn, do ăn uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc thức ăn có chứa chất gây ngộ độc, thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia… được gọi chung là ăn phải những loại thức ăn, thực phẩm bị ô nhiễm.
Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng…. Ở người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, các triệu chứng này thường nặng hơn. Nếu nôn nhiều lần và đi ngoài nhiều lần, người bệnh sẽ dễ bị mất nước, mất chất điện giải dẫn đến bị trụy tim mạch và sốc, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Chính vì vậy, cần phải hết sức lưu ý đến những dấu hiệu mất nước, nhất là đối với những người nôn nhiều trên 5 lần và đi ngoài phân lỏng trên 5 lần trong ngày kèm theo sốt cao, miệng khô, môi khô, mắt trũng, khát nước thì cần phải thực hiện các biện pháp sơ cứu kịp thời, đúng cách, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Có 3 nguyên nhân chính gây ngộ độc thực phẩm hay gặp, đó là ngộ độc do hóa chất bảo quản thực phẩm, ngộ độc do hóa chất dùng trong trong chế biến thực phẩm và ngộ độc do các vi sinh vật. Ngoài ra còn một nguyên nhân cũng khá phổ biến là do các siêu vi khuẩn, độc tố có trong thực phẩm, các chất độc có tự nhiên trong rau, quả, thịt như: nấm độc, lá ngón, cá độc, cà độc dược, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn… Mỗi nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm đều có phương pháp sơ cứu và điều trị khác nhau. Bác sỹ Phạm Thanh Hồng – Chi cục An toàn thực phẩm Lạng Sơn cho biết: có 2 bước sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà là gây nôn và bù chất điện giải. Trước khi gây nôn, cho bệnh nhân nằm nghiêng, kê cao đầu để tránh chất nôn trào ngược vào phổi. Tiến hành gây nôn cho bệnh nhân bằng cách lấy tay ấn nhẹ vào cuống lưỡi để tạo phản xạ nôn. Lưu ý là bệnh nhân nôn càng nhiều càng tốt và chỉ gây nôn đối với các trường hợp còn tỉnh táo, không có dấu hiệu co giật hay mê sảng.
Sau khi gây nôn cho bệnh nhân cần thực hiện bù nước điện giải bằng oresol pha theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Nếu không có oresol thì có thể cho bệnh nhân uống nước muối và đường theo tỷ lệ ½ thìa cà phên muối, 4 thìa cà phê đường pha đều trong 1 lít nước. Ngoài việc bù nước điện giải, cũng có thể cho bệnh nhân sử dụng than hoạt tính để đẩy nhanh tốc độ hồi phục của bệnh nhân.
Mùa hè đang đến gần, đây là thời điểm để vi rút, vi khuẩn, và vi sinh vật gây hại phát triển nhanh hơn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao hơn. Đề chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, trước hết người tiêu dùng cần sáng suốt chọn mua và sử dụng thực phẩm an toàn, thực hiện an toàn trong chế biến và bảo quản thực phẩm, luôn giữ nhà bếp sạch sẽ và tuyệt đối không ăn những thức ăn bị ôi thiu hay nghi ngờ bị biến chất. Bên cạnh đó, người sản xuất kinh doanh thực phẩm cần nêu cao lương tâm của mình trước sức khỏe của người sử dụng, kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn. Có như vậy mới góp phần đẩy lùi nguy cơ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong mùa nắng nóng.
MINH MẠNH
Ý kiến ()