Ðề phòng lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía bắc
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia, ngày 17-4, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 16 đến 13 giờ ngày 17-4 phổ biến từ 40 đến 70 mm, có nơi mưa rất to như Thân Thuộc (Lai Châu) 118,8 mm, Việt Tiến (Lào Cai) 106,6 mm, Tân Ðồng (Yên Bái) 152,6 mm, Quý Hòa (Hòa Bình) 108,2 mm, Quốc Oai (Hà Nội) 214 mm, Thanh Thủy (Nghệ An) 126,8 mm…
Sáng nay 18-4, ở Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60 mm/24 giờ, riêng các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang có nơi hơn 80 mm/24 giờ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi phía bắc.
* Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai, đêm 16 rạng sáng ngày 17-4, mưa lớn kéo dài gây thiệt hại ở nhiều địa phương của tỉnh Lào Cai. Vào lúc 2 giờ 20 phút sáng 17-4, lũ ống quét qua thôn Minh Hạ 1, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn (Lào Cai) làm chết ba người, gồm: anh Ma A Lơ, sinh năm 1985, trú thôn Xì Phài (xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu); và hai người khác chưa xác định được danh tính. Lũ ống kéo theo rất nhiều bùn đất và cây gỗ lớn, tràn qua khu dân cư thôn Minh Hạ 1, làm hỏng 25 nhà dân; trong đó có một cửa hàng tư nhân bán xe máy, cuốn trôi và vùi lấp hàng chục chiếc xe máy tại đây. Lũ ống còn vùi lấp 5 ha lúa và hoa màu, cây ăn quả của người dân địa phương, hơn 200 m đường, làm ách tắc cục bộ quốc lộ 279 nối Lào Cai với Lai Châu.
Lãnh đạo tỉnh Lào Cai và huyện Văn Bàn đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo lực lượng cứu hộ tại chỗ gồm khoảng 200 người để tìm kiếm người bị nạn, tiêu độc khử trùng môi trường, khôi phục hệ thống điện, san gạt bùn đất, sửa chữa nhà cho người dân. Huyện Văn Bàn đã hỗ trợ năm triệu đồng cho gia đình nạn nhân Ma A Lơ. Ðến 13 giờ cùng ngày, quốc lộ 279 đã thông đường, bảo đảm cho xe ô-tô, xe máy đi lại an toàn. Tại các huyện Bảo Yên, Mường Khương, mưa lớn làm nước lũ trên sông, suối dâng cao, làm ngập úng năm nhà dân, cuốn trôi nhiều tài sản bên trong; vỡ ao nuôi cá và vùi lấp hàng chục héc-ta lúa và hoa màu của người dân các xã Tân Tiến, Lùng Vai, Thanh Bình. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống và sản xuất.
* Trận mưa to rạng sáng 17-4 gây ngập cục bộ tại một số nơi ở TP Hà Nội. Tại các tuyến phố Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân), đường quốc lộ 6 (đoạn tổ dân phố 1 4 đường Yên Nghĩa, Hà Ðông), khu TT18 phường Phú La (Hà Ðông)… xuất hiện các điểm ngập úng với độ sâu khoảng 10 đến 20 cm. Ngay sau khi có mưa lớn, lực lượng của Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội ứng trực đã làm vệ sinh cho tới khi rút hết nước.
* Một trận lốc xoáy xảy ra trong khoảng 30 phút làm một người bị thương, hư hại hàng chục ngôi nhà, hàng trăm héc-ta hoa màu gãy đổ tại huyện Anh Sơn (Nghệ An). Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo huyện Anh Sơn đã chỉ đạo các xã bị ảnh hưởng, thành lập đoàn đi kiểm tra thiệt hại, khắc phục bước đầu, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
* Tại tỉnh Gia Lai, ngày 16-4, mưa dông, lốc, sét đã làm tốc mái một căn bếp tại huyện Ðăk Ðoa và 12 nhà tại huyện Chư Sê. Tại TP Hồ Chí Minh, mưa dông trái mùa cũng khiến nhiều tuyến đường bị ngập, gây ách tắc giao thông; tám cây xanh bị gãy đổ, một người bị thương tại quận 12 và quận Tân Phú. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương nêu trên đã huy động lực lượng để giúp người dân khắc phục, sửa chữa nhà bị hư hỏng.
* Tỉnh Trà Vinh vừa ban hành lịch thời vụ sản xuất lúa hè thu và khuyến cáo nông dân tuân thủ để bảo đảm sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đầu vụ. Theo đó, tùy từng điều kiện thực tế, các địa phương chia thành ba đợt xuống giống tập trung đồng loạt trên từng cánh đồng. Ðợt một xuống giống khoảng 13.409 ha, từ ngày 15 đến 30-4; đợt hai, từ ngày 1 đến 30-5 xuống giống gần 51 nghìn héc-ta tại các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang và đợt ba xuống giống từ ngày 1 đến 15-6 các diện tích còn lại trong tỉnh.
* Tại tỉnh Quảng Bình, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đang xuất hiện, bùng phát và diễn biến phức tạp. Ðể kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và người dân đang nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Ðược biết, từ ngày 8-2 đến 15-4, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xuất hiện ở 2.645 hộ tại 422 thôn/96 xã. Toàn tỉnh có 4.215 con trâu, bò mắc bệnh và có 219 con bò bị chết do bệnh, chiếm tỷ lệ 5% số con bị bệnh. Các địa phương đã phun 2.632 lít hóa chất và rải 17.435 kg vôi bột để tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên trâu, bò.
Thiếu hụt nguồn nước các sông, suối khu vực đồng bằng Bắc Bộ
Theo Ðài Khí tượng – Thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ, mực nước trung bình các tháng tại đây thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm (TBNN) và xấp xỉ cùng kỳ năm 2020. Nguồn nước trên các sông, suối khu vực đồng bằng Bắc Bộ và hạ lưu sông Hồng dự kiến thiếu hụt từ 20 đến 40%. Dự báo, cuối tháng 4, mực nước các sông, suối chủ yếu dao động theo điều tiết của các hồ chứa và ảnh hưởng của thủy triều. Hai tháng 5, 6, trên hệ thống các sông Bắc Bộ có khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn, với biên độ lũ từ 1,5 đến 2,5 m. Mực nước cao nhất trên hệ thống sông, suối ở Bắc Bộ sẽ xuất hiện cuối tháng 7 và tháng 8.
H Từ tháng 5 đến tháng 8-2021, tổng lượng mưa trên địa bàn cả nước phổ biến xấp xỉ TBNN, riêng tháng 6, khu vực Tây Bắc tổng lượng mưa thấp hơn từ 10 đến 20% so TBNN. Khu vực Trung Bộ trong tháng 5 và tháng 9-2021, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ TBNN, riêng khu vực Nam Trung Bộ vào tháng 5 cao hơn từ 10 đến 20% TBNN.
Ý kiến ()