Đề phòng diễn biến phức tạp từ sâu hại, dịch bệnh trên cây trồng
Theo Cục Bảo vệ thực vật, do thời tiết mưa rét thất thường, tình trạng sâu bệnh, dịch bệnh trên các loại cây đang diễn biến phức tạp. Tại các tỉnh phía bắc, đối với cây lúa: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm, sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ mật độ, tỷ lệ hại thấp; chuột, ốc bươu vàng phát sinh gây hại tăng, nặng cục bộ tại các vùng gần gò bãi, mương máng…
Đối với cây ngô: Sâu đục thân, bắp, bệnh khô vằn, bệnh gỉ sắt, bệnh đốm lá, bệnh lùn sọc đen hại nhẹ.
Với rau màu: Bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ, rệp muội, bệnh sương mai tiếp tục hại trên rau họ thập tự; bệnh héo xanh, bệnh mốc sương, bệnh héo vàng tiếp tục gây hại trên cây cà chua, khoai tây. Cây hồ tiêu, bệnh chết nhanh tiếp tục gây hại có xu hướng tăng; bệnh thán thư, bệnh chết chậm tiếp tục phát sinh gây hại, mức độ nhẹ đến trung bình, nặng cục bộ tại các vườn cây già cỗi úng nước…
Tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đen lép hạt, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hại bông bạc hại nhẹ trên lúa đông xuân ở giai đoạn đòng trỗ đến chín; bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, giòi đục lá phát sinh gây hại chủ yếu trên lúa đông xuân ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ ở Khánh Hòa, Bình Thuận.
Ở các tỉnh phía nam, rầy nâu phổ biến từ tuổi 3 đến tuổi 5, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Ở giai đoạn lúa làm đòng có thể nhiễm nặng cục bộ, vì vậy phải quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bệnh đạo ôn lá phát sinh, phát triển mạnh trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ.
Sâu năn (muỗi hành) gia tăng diện tích nhiễm do thời tiết se lạnh, trời âm u, có sương mù thích hợp cho muỗi hành phát sinh, phát triển. Những vùng thường xuất hiện muỗi hành tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang theo dõi chặt chẽ để có biện pháp quản lý hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến ốc bươu vàng gây hại ở giai đoạn mạ; bệnh bạc lá, bệnh lem lép hạt, chuột gây hại ở giai đoạn đòng trổ đến chín.
* Tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), từ ngày 20-2, hàng chục tàu thuyền của ngư dân đã đồng loạt ra khơi. Tại xã Diễn Kim, Diễn Bích (huyện Diễn Châu), nhiều ngư dân chỉ trong một buổi sáng đã thu hoạch được hàng trăm ki-lô-gam cá trích và các loại hải sản khác.
* Ngày 21-2, nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân phường 6 và phường Phú Đông (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) đã cập cảng Đông Tác để bán cá. Trung bình mỗi tàu đánh bắt được khoảng 30 đến 40 con cá ngừ đại dương vây vàng (tương đương 1,5 tấn đến 2,5 tấn), chưa kể các loại hải sản khác. Giá cá ngừ đại dương hiện nay được các doanh nghiệp và thương lái thu mua là 115.000 đồng/kg.
Theo Nhandan
Ý kiến ()