tle=”Để phát huy hiệu quả các công trình ngăn lũ”> Cống đập ngăn lũ theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng gần 10 năm nhưng tác dụng ngăn lũ vẫn bảo đảm. – Xây dựng hệ thống cống đập bán kiên cố theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm có thể xem là một đột phá của Tiền Giang. Các công trình này rất hiệu quả trong việc bảo vệ an toàn cho hàng nghìn ha hoa màu, ruộng lúa, vườn cây ăn trái ở các huyện vùng lũ. Thế nhưng, phương thức này hiện nay không được phát huy, nguyên nhân do cơ chế vốn còn cứng nhắc.
Các huyện phía tây tỉnh Tiền Giang (Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Tân Phước) với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, phù sa màu mỡ, nước ngọt quanh năm, rất thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cứ đến mùa lũ là người dân nơi đây không khỏi lo lắng vì ruộng lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái bị đe dọa nghiệm trọng. Do vậy, hàng năm khi có lũ là chính quyền sở tại cùng người dân phải xây dựng những cống đập tạm để ngăn lũ bảo vệ ruộng lúa, vườn cây rất tốn kém và không hiệu quả cao, vì khi lũ rút thì các cống, đập này cũng bị phá dỡ để thoát lũ nhanh và phục vụ giao thông thủy.
Trước tình hình trên, một mặt do thiếu kinh phí để xây dựng đồng bộ các cống đập kiên cố, kết hợp với giao thông nông thôn trên địa bàn vùng lũ, mặt khác là tính cấp bách của lũ hàng năm ảnh hưởng và gây thiệt hại nghiêm trọng nên tỉnh đã có chủ trương tiến hành xây dựng các cống đập bán kiên cố theo phương thức: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, giao trực tiếp cho địa phương làm chủ đầu tư và chịu trách nhiệm, trong đó sự đóng góp kinh phí và kiểm tra của người dân là rất lớn, đáng trân trọng.
Qua khảo sát của cơ quan chức năng, việc xây dựng các cống đập ngăn lũ bán kiên cố theo phương thức trên mang lại hiệu quả rất cao về chất lượng và mỹ quan, bảo vệ an toàn cho hàng nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là làm lợi cho ngân sách nhà nước mỗi năm vài trăm tỷ đồng.
Một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình này có thể kể đến là xã Tân Thanh (Cái Bè). Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Bùi Văn Tính cho biết: Năm 2012, ngân sách nhà nước cấp hai tỷ đồng, giao cho huyện làm chủ đầu tư thực hiện ba cống đập trên địa bàn xã. Thế nhưng, với số vốn này, nếu giao cho xã làm chủ đầu tư theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” như trước đây thì con số không phải là ba mà là sáu cống đập.
Chủ tịch Tính bộc bạch, trước đây khi tiến hành bán kiên cố cống đập, vốn góp từ nhân dân là chủ yếu, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn nên thủ tục rất đơn giản, triển khai rất nhanh. Đơn cử như năm 2007, xã thực hiện 17 cống đập với kinh phí 2,3 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách hỗ trợ chưa đến một tỷ đồng. Việc vận đông người dân tham gia cùng nhà nước trong việc bán kiên cố cống đập, đắp đê ngăn lũ lâu nay đã trở thành thông lệ, nền nếp và các công trình ấy đến giờ vẫn còn phát huy hiệu quả rất tốt. Nhờ thực hiện bằng phương thức trên, nên từ năm 2003 đến nay, xã đã bán kiên cố được 50 cống đập.
“Trước khi tiến hành, chúng tôi đã đi học hỏi nhiều nơi, tư vấn từ những người có kinh nghiệm mới thực hiện. Thay vì vốn ngân sách phải bỏ ra vài trăm triệu đồng để bán kiên cố một cống đập, còn chúng tôi làm chỉ vài chục triệu đồng. Không có bản vẽ thiết kế, chỉ làm dựa vào kinh nghiệm nhưng chất lượng công trình cũng khá tốt, công trình cũng rất quy mô. Bằng chứng tuổi thọ công trình rất lâu nhờ vậy đã bảo vệ an toàn diện tích chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn. Rất tiếc là hiện nay chương trình này đã dừng lại, không phát huy nữa, nên điều lo lắng của xã là còn tồn đọng vài mươi cống đập với nguồn vốn nhà nước còn “khiêm tốn” đầu tư cho xã mỗi năm thì không xác định được thời gian hoàn thiện các cống đập ngăn lũ triệt để”- ông Tính cho biết.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cái Bè Trần Văn Định cho biết: Cái Bè có rất nhiều cống đập cần bán kiên cố để kiểm soát lũ. Nguồn vốn nhà nước cấp hàng năm cho huyện để bán kiên cố cống đập chỉ vài tỷ đồng, trong khi để bán kiên cố một cống đập cần khoảng 400 đến 500 triệu đồng. Nếu thực hiện hoàn toàn bằng nguồn vốn ngân sách mỗi năm không thực hiện được bao nhiêu. Còn bán kiến cố bằng phương thức nhà nước chỉ sự hỗ trợ một phần, phần còn lại chủ yếu huy động trong dân đã giúp đẩy nhanh tiến độ bán kiên cố các cống đập, góp phần giải quyết việc ngăn, tiêu thoát lũ trên địa bàn huyện.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, Chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (PCLBTKCN) tỉnh, từ năm 2003 đến 2011, toàn tỉnh đã bán kiên cố được 972 đập với tổng kinh phí trên 36,6 tỷ đồng. Trong đó, Cái Bè là địa phương bán kiên cố đập nhiều nhất với 715 cái, kế đến Cai Lậy 175 cái, Châu Thành 30 cái và Tân Phước 30 cái…
Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh Nguyễn Thiện Pháp cho biết, trước đây mỗi khi mùa lũ đến, tỉnh và huyện phải bỏ ra hàng tỷ đồng làm đập tạm bảo vệ sản xuất, nhất là vườn cây ăn trái trong những tháng mùa lũ nên rất lãng phí. Bên cạnh đắp đập tạm, tỉnh cũng tiến hành bán kiên cố dần các đập này. Song, do số lượng đập quá nhiều, nguồn kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm chỉ bán kiên cố được vài đập. Với tiến độ như thế, không biết bao giờ bán kiến cố hết các đập tạm khu vực này.
Theo đó, để đẩy nhanh tiến độ bán kiên cố các đập tạm, năm 2003, được sự chấp thuận của tỉnh, Ban Chỉ huy PCLBTKCN tỉnh cho triển khai bán kiên cố đập tạm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, xã làm chủ đầu tư công trình, kinh phí thực hiện bằng nguồn đóng góp của nhân dân là chủ yếu, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ với tỷ lệ không quá 50% tổng vốn thực hiện công trình (không quá 20 triệu đồng cho một công trình).
Trong quá trình thực hiện chủ trương này, bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự đồng tình, quan tâm ủng hộ, đóng góp tích cực kinh phí, nhân lực, vật lực tại chỗ để xây dựng của người dân đã góp phần rất lớn đẩy nhanh tiến độ bán kiên cố các đập tạm vùng lũ. Ưu điểm của chương trình, người dân tự thiết kế, thực hiện, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vốn để thực hiện mà không cần thuê thiết kế và thủ tục cũng không phức tạp nên giảm chi phí phát sinh đáng kể. Do đó, chỉ cần chục triệu đồng chúng ta có thể bán kiên cố được một cái đập tạm.
Với số vốn này, không có nhà thầu nào nhận thực hiện. Tuy công trình không thực hiện bày bản như thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước nhưng vẫn đảm bảo sử dụng tốt. “Công trình hoàn thành, lúc đầu chúng tôi hy vọng đảm bảo “đứng vững” được 5 năm là tốt. Vậy mà gần 10 năm, các công trình này vẫn đảm bảo ngăn lũ tốt. Nếu chúng ta cứ cứng nhắc thực hiện từ nguồn vốn nhà nước phân bổ hàng năm cho các huyện vùng lũ một cách có giới hạn sẽ rất chậm, trong khi đó, mỗi năm tỉnh phải bỏ hàng tỷ đồng để đấp đập tạm rất tốn kém. Còn thực hiện theo phương thức này vừa đẩy nhanh tiến độ, tiết kiệm vốn ngân sách, huy động được sức dân, tạo tính cộng đồng, trách nhiệm chung trong bảo vệ sản xuất”- Ông Pháp nói.
Theo sở NN-PTNT Tiền Giang, hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 400 cống đập cần bán kiên cố. Nếu thực hiện bằng nguồn vốn nhà nước mỗi năm chỉ vài mươi cái thì không biết bao lâu mới xong. Nếu bán kiên cố theo phương thức “nhà nước và nhân dân cùng làm” được khởi động trở lại và được người dân hưởng ứng thì chương trình này sẽ hoàn tất trong thời gian không xa.
Chủ trương bán kiến kiên cố cống đập đã áp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân và chính quyền địa phương trong việc bảo vệ sản xuất vùng lũ và dân sinh. Các công trình có vốn đầu tư không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao giúp người dân an tâm sản xuất, không đắp đập tạm hàng năm ngăn lũ tốn kém, lãng phí. Do vậy, bán kiên cố các cống đập theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm cần phải mạnh dạn quyết đoán và phát huy tính hiệu quả, không chỉ đổ lỗi do cơ chế vốn khó quyết toán bày bản mà lãng quên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()