Ðể nông dân đồng bằng sông Cửu Long thoát nghèo
Năm 2012, với sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 7,7 triệu tấn, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Có được thành tích đó là nhờ phần lớn vào mồ hôi, công sức của hàng chục triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Vậy nhưng, cho đến nay, khi vụ lúa hè thu 2013 đã khép lại, những người trực tiếp làm ra hạt gạo vẫn loay hoay với việc giải bài toán thoát nghèo.
Bài 1: Nghèo ngay trên vựa lúa
Năm 2012, với sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước đạt 7,7 triệu tấn, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Có được thành tích đó là nhờ phần lớn vào mồ hôi, công sức của hàng chục triệu nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Vậy nhưng, cho đến nay, khi vụ lúa hè thu 2013 đã khép lại, những người trực tiếp làm ra hạt gạo vẫn loay hoay với việc giải bài toán thoát nghèo.
Theo quyết định ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo mới, áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015 của Thủ tướng Chính phủ thì hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400 nghìn đồng/người/tháng (từ 4,8 triệu đồng/người/năm) trở xuống. Như vậy, trong năm 2013 này, tất cả nông dân có diện tích 4 ha trở xuống ở ÐBSCL đều là hộ nghèo. Thực tế này đang diễn ra ngay trên vựa lúa lớn nhất nước như một nghịch lý.
Lấy công làm lãi
Ði xe ôm từ huyện An Phú (An Giang) sang huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp), tôi hỏi chuyện anh Ba Văn: – Ðang vụ thu hoạch lúa hè thu, anh vẫn có thời gian chạy xe ôm sao?
– Thu hoạch lâu rồi cô ơi, cả nhà tôi có tám công ruộng, bán hết lúa từ lúc giá còn 3.800 đồng – 3.900 đồng/kg. Vụ này lỗ quá trời, tôi chạy xe ôm kiếm thêm, sắp tới đang tính bán ruộng cho vợ lên thành phố.
– Chị lên thành phố làm gì anh?
– Thì chỉ giúp việc cho người ta thôi, chứ làm gì được. Giá lúa thế này mà cứ bám ruộng thì khó sống nổi rồi.
Tâm sự của anh Ba Văn khiến những câu chuyện được nghe, được thấy về đời sống của những người nông dân trồng lúa vùng châu thổ càng thêm trĩu nặng và day dứt…
Chúng tôi ghé nhà anh Lê Hồng Phúc ở thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) đúng lúc anh đang xoay trần phơi lúa giống vụ 3. Cả hai vợ chồng cùng nai lưng ra làm, không thuê mướn vì anh muốn tiết kiệm chi phí trong từng công đoạn. “Tiết kiệm vậy để lấy công làm lãi mà cũng không xong. Vụ hè thu vừa rồi, với giá bán 4.250 đồng/kg lúa tươi, mỗi công (1.000 m2) lời chưa được 200 nghìn đồng so với giá thành sản xuất. Ðấy là tính theo giá mình làm, còn theo giá lúa kế hoạch của Bộ Tài chính công bố tại tỉnh là 4.218 đồng/kg thì đâu có được lời như thế. Ba héc-ta lúa làm trong bốn tháng mới thu được chưa đầy sáu triệu đồng lợi nhuận thì tính riêng công sức mình bỏ ra cũng chưa đủ đâu” – anh Phúc thở dài. Cạnh nhà anh Phúc là hộ gia đình chú Nguyễn Hòa Nam. Chú Nam cũng có hơn 20 công ruộng, vụ hè thu này cũng chỉ thu được mức lời chừng năm triệu đồng. Nhà bốn người, hai đứa con đang học đại học trên thành phố, chú bảo “Cực lắm cô ơi, làm ruộng nghèo khó cho nên ráng cho con đi học kiếm nghề khác mưu sinh. Nhưng giá lúa mấy năm nay thấp quá, lo cho con không đủ, vợ chồng tôi phải sống tiết kiệm hết mức. Ðiện không dám thắp. Ði lại xa mới dùng Honda còn không đi xe đạp thôi”.
Chẳng khác hoàn cảnh của anh Phúc và chú Nam, anh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp) có tới 80 công ruộng nhưng cuộc sống cũng hết sức bấp bênh. Anh nhẩm tính: Vụ hè thu này tôi làm giống lúa OM 6976 bán với giá 4.250 đồng/kg. Do năng suất lúa vụ hè thu thấp cho nên giá thành tăng lên khá cao. Theo Bộ Tài chính, giá lúa bình quân ở tỉnh Ðồng Tháp là 4.619 đồng/kg, mức giá lúa bình quân của cả ÐBSCL là 4.142 đồng/kg. Như vậy, vụ hè thu này tôi làm lúa hòa vốn đã là may chứ chẳng lời được đồng nào. Trước đó, vụ đông xuân 2012 – 2013, giá lúa OM 4900 bằng với lúa IR 50404 là 4.500 đồng/kg. Với giá thành sản xuất là 3.800 đồng/kg, nông dân chúng tôi chỉ thu lợi nhuận 700 đồng/kg. Năng suất bình quân vụ đông xuân là 6,8 đến 7 tấn/ha, mức lời chỉ vào khoảng 4,7 triệu đồng/ha. Chưa kể lỗ, nếu vụ hè thu hòa vốn thì cả năm 2013 nông dân chúng tôi chỉ đạt lợi nhuận 4,7 triệu đồng/ha. Từ cách tính chi tiết của anh Hải, nhìn vào quy định của Nhà nước, trung bình mỗi hộ bốn người nông dân ở ÐBSCL được cấp ba ha ruộng thì bình quân thu nhập từ trồng lúa năm 2013 là 14 triệu 100 nghìn đồng/hộ, mỗi người thu nhập năm 2013 là 3 triệu 525 nghìn đồng. Vậy thu nhập bình quân mỗi nông dân một tháng chỉ được 293 nghìn 750 đồng.
Nhưng dẫu sao, với những hộ như anh Phúc, anh Hải, diện tích canh tác lớn thì còn có khả năng bám trụ với nghề trồng lúa. Còn những hộ có diện tích manh mún, nhỏ lẻ hơn thì với giá lúa như hiện nay, tất cả đều cầm chắc một vụ mùa thua lỗ. Anh Ðỗ Văn Nhánh ở ấp Hà Bao 1, xã Ða Phước, huyện An Phú chỉ có năm công ruộng, qua mấy vụ thất thu đành phải bán ruộng, vợ chồng lên thành phố làm thuê kiếm sống, nuôi con ăn học. Hộ gia đình anh Ðỗ Văn Dũng cùng ở ấp Hà Bao 1 cũng đã bán lại tám công ruộng do thu không đủ chi, nợ nần do trồng lúa thua lỗ. Tới nhà anh nhưng không gặp vì vợ chồng đều lên thành phố làm thuê, mẹ anh sụt sùi: “Vợ chồng nó cũng không muốn bán ruộng đâu nhưng cực quá mà làm cứ thua hoài, nợ ngân hàng rồi nợ cả bà con hàng xóm không trả được cho nên bán ruộng trả nợ trước rồi ra thành phố kiếm sống. Tội lắm, muốn giữ đất mưu sinh mà đâu có được”.
Khó tiếp cận cơ chế, chính sách mới
Một điều dễ nhận thấy là người nông dân ÐBSCL đang nghèo đi trên chính mảnh đất màu mỡ của mình. Vì năng suất lúa ngày một tăng nhưng giá lúa giảm liên tiếp trong những năm gần đây. Trong khi đó, giá phân bón, vật tư nông nghiệp không ngừng tăng, so với năm 2012, giá các mặt hàng này tăng tới 30%. Thêm vào đó, giá các mặt hàng sinh hoạt thiết yếu cũng tăng chóng mặt càng đẩy nông dân vào cảnh nghèo khó. Nhiều hộ dân rơi vào vòng xoáy nợ nần với “bẫy” tín dụng đen dưới nhiều hình thức. Từ vay tiền vật tư nông nghiệp đến chi tiêu sinh hoạt hằng ngày, với mức lãi suất cao từ 10 đến 20%/tháng. Cứ như thế, lãi mẹ đẻ lãi con làm nông dân kiệt sức. Anh Phúc nói như than: Chừng 10 năm về trước, mỗi năm làm lúa tôi cũng dành dụm được chừng hai cây vàng. Khi ấy, 220 kg lúa đủ mua một chỉ vàng. Còn giờ đây, giá lúa so với hồi đó tăng cao hơn mà không sắm được gì, vì tính ra một tấn lúa mới mua nổi một chỉ vàng.
Nhà nước đã đề ra nhiều chính sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó các chính sách cho sản xuất lúa gạo cũng không ít, nhưng vì sao người nông dân chưa được hưởng lợi là bao?
Có thể kể ra như Quyết định 80/2002/QÐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; Nghị định 109/2010/NÐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực; Quyết định 63/QÐ-TTg ngày 15-10-2010 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch; Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo… Anh Phạm Thành Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú (An Giang) cho biết: Các chính sách này đều được triển khai ở địa phương nhưng hiệu quả lại không như mong đợi. Quyết định 80 từ khi ban hành đến nay đã 11 năm nhưng không hề được thực hiện trong thực tế vì chỉ mang tính khuyến khích chứ không bắt buộc việc ký hợp đồng. Quyết định 63 hỗ trợ nông dân mua máy gặt đập liên hợp là một chính sách đúng và trúng, nhưng lại quy định phải mua máy trong nước với 60% thiết bị nội địa mới được hỗ trợ, cho nên chẳng khác nào đánh đố người nông dân. Vì chất lượng máy trong nước rất kém, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lớn, lại nhanh hỏng cho nên không nông dân nào muốn mua, dù với giá máy 180 triệu đồng, người mua được hỗ trợ ngay 20 triệu đồng, số tiền còn lại được vay với lãi suất 0%. Có trường hợp đã mua nhưng dùng được một tuần rồi phải bán với giá 80 triệu đồng, sau đó máy được tận dụng vào việc chuyên chở lúa thay vì cắt lúa. Về chính sách tạm trữ lúa gạo, anh Tâm cho hay: Tôi cũng không biết sao nhưng nhiều năm nay, chương trình tạm trữ lúa gạo của Chính phủ bao giờ cũng đi sau thời điểm thu hoạch lúa ở An Phú. Thường cứ khi dân thu hoạch được 70 đến 80% thì Nhà nước mới bắt đầu có chính sách thu mua. Vụ hè thu này cũng thế, phần lớn nông dân bán lúa với giá 3.800 đến 3.900 đồng/kg từ đầu vụ, đến khi tạm trữ giá lúa nhích lên thì nông dân không còn mà bán.
Quả như vậy! Có mặt tại ÐBSCL đúng vào thời điểm kéo dài của đợt thu mua tạm trữ lúa hè thu, nhưng các cánh đồng gần như đã thu hoạch xong. Vào thời điểm đó, giá lúa hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, người nông dân không quyết định được cả giá đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất. Thương lái thì thu mua trên cơ sở lợi ích cao nhất của họ cho nên việc ép giá thường xuyên diễn ra. Anh Kim Hải ở thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng (Ðồng Tháp) cho hay: Khi lúa trên đồng đã chín rục, thương lái đến xem nhưng lại phán: chưa cắt được, để vài ngày nữa. Ðó chính là cách ép giá tinh vi của họ, vì lúa đã chín, để vài ngày sẽ khô thêm, khi ấy số kg sẽ giảm đi, thương lái được lợi. Chưa kể, nếu vài ngày mà gặp trận mưa, lúa gãy đổ thì giá xuống cỡ nào là do thương lái quyết. Nông dân đều biết “mánh lới” đó nhưng biết cũng chẳng để làm gì vì không bán cho họ thì chúng tôi biết bán cho ai? Còn chính sách tạm trữ thì thường cũng đến thời điểm cuối vụ các doanh nghiệp của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới “nhảy vào” thu mua, khi giá lúa đã gần như chạm đáy, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Lúc đó, giá tăng lên chừng 200 đến 300 đồng/kg sẽ được cho là nhờ chính sách tạm trữ. Nhưng thực ra, so với đầu vụ, giá đã giảm vài lần số tăng này. Ðiển hình của tình trạng này là vụ đông xuân 2013 – vụ lúa chính trong một năm của nông dân ÐBSCL. Khi bắt đầu thu hoạch, giá lúa OM 4900 là 5.400 đồng/kg lúa tươi, thế rồi, giá lúa cứ giảm dần từng ngày, đến ngày 20-2 chỉ còn 4.400 đồng/kg. Sau ngày 20-2, tức là sau thời điểm quyết định thu mua tạm trữ hai tuần, giá lúa lên được 4.500 đến 4.600 đồng/kg. Ðây được coi là thành công của chính sách tạm trữ nhưng thực chất người ta đã lờ đi việc giá lúa đầu vụ ở mức 5.400 đồng/kg, so với giá 4.600 đồng/kg trong thời điểm tạm trữ là đã rớt tới 900 đồng/kg. Rõ ràng, lợi ích của chính sách thu mua tạm trữ đã không thuộc về nông dân.
Công sức bỏ ra quá lớn, nhưng khi bán lúa thì lời lãi chả thấy đâu, khiến người nông dân không khỏi chạnh lòng. Nhớ buổi theo chân anh Võ Hoàng Tú ở huyện An Phú (An Giang) đi thu hoạch nốt diện tích lúa hè thu còn lại. Trong bữa cơm trưa tranh thủ giữa cánh đồng, anh chia sẻ: “Nông dân như chúng tôi cực lắm, nhưng làm miết rồi cũng quen. Vụ này thua thì thôi ráng chịu, mong sao vụ sau giá lúa khá hơn. Thiếu thì phải vay nợ, rồi chạy vạy các việc khác kiếm sống thêm. Bao năm như thế rồi nhưng nếu cứ kéo dài mãi thì không biết ra sao, vì cũng thấy mình đang “ăn” vào đất, vào vốn liếng rồi. Ham làm ruộng lắm nhưng làm cứ lỗ hoài thì chịu sao nổi”. Nói rồi, anh thở dài, đánh ánh mắt buồn bã nhìn đứa con trai cả đang theo máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên thửa ruộng thẳng cánh cò bay.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()