tle=”Để nhiều doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay lãi suất thấp”> Công nhân Công ty TNHH Phát Triển (Bình Dương) chế biến gỗ thành phẩm. Hạ lãi suất cho vay xuống mức cao nhất là 13%/năm cho doanh nghiệp (DN) thuộc bốn lĩnh vực ưu tiên đã được ngành ngân hàng triển khai quyết liệt trong hơn một tháng qua. Tuy nhiên, làm thế nào để dòng vốn tín dụng lãi suất thấp này đến được với nhiều DN, hỗ trợ kịp thời những DN đang gặp khó khăn thật sự là một vấn đề lớn mà cả ngành ngân hàng và DN đang phải đối mặt giải quyết.
Doanh nghiệp “khỏe” mới được lãi suất thấp
Theo khảo sát thực tế tại một số DN phía nam, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm xuống mức cao nhất 13%/năm (đối với lĩnh vực ưu tiên) và từ 14% đến 17%/năm tùy từng lĩnh vực). Là một trong những DN tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng, Trưởng Phòng Kế toán Công ty cổ phần Dệt vải Phong Phú (TP Hồ Chí Minh) Chiêm Yến Nhi cho biết: Có lẽ do thấy công ty làm ăn tốt, tình hình tài chính minh bạch, nên thời gian gần đây khá nhiều ngân hàng gọi điện chào mời vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Hiện công ty chỉ vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn (BIDV, VCB) với lãi suất 12%/năm.
Cũng không gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, do đã giao dịch lâu năm nên Công ty cổ phần Đồng Nai (CODONA) trở thành khách hàng thân quen của ba NHTM: BIDV, VCB và VietinBank. Với tổng số vốn vay ngân hàng khoảng 400 tỷ đồng, từ giữa tháng 6 đến nay công ty được áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 13,8% đến 14%/năm (trước đó là từ 16,5% đến 18%/năm). Mỗi tháng công ty phải trả lãi vay ngân hàng sáu tỷ đồng nên việc tiếp cận được vốn lãi suất thấp là cơ hội để DN tiếp tục thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Sáu tháng qua, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dăm gỗ của CODONA đạt 300 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so cùng kỳ năm trước.
Còn theo Kế toán trưởng Công ty CP Sơn Đồng Nai (DONASA) Đỗ Thị Thu Hà, mức lãi suất mà hai NHTM: VietinBank và BIDV áp dụng cho công ty cũng được thực hiện giảm dần theo lộ trình cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Cụ thể, nếu thời điểm tháng 1-2012, DN phải trả ngân hàng với lãi suất 18%/năm, thì sau đó đã được hạ từ từ, đến tháng 4 là 15,5%/năm, rồi xuống 15%/năm và hiện nay công ty đang được áp dụng mức lãi suất thấp nhất là 13%/năm. Với tổng vốn vay ngân hàng hơn năm tỷ đồng, việc giảm lãi suất cho vay như thời gian vừa qua đã góp phần giúp công ty giảm áp lực trả nợ ngân hàng để tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng vay được vốn ngân hàng với lãi suất thấp, cho dù đó là DN thuộc một trong bốn lĩnh vực ưu tiên. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gỗ nhân tạo Tiến Phát (Bình Dương) Nguyễn Văn Hoan chia sẻ, DN thuộc nhóm đối tượng DN vừa và nhỏ, làm ăn tốt, có tình hình tài chính minh bạch. Đối chiếu với các điều kiện vay vốn của các ngân hàng, Tổng Giám đốc Hoan tự nhận thấy DN mình không thiếu một điều kiện gì, tuy nhiên, hiện công ty vẫn phải vay với lãi suất 16%/năm.
Có thể thấy, những DN tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất thấp chủ yếu vẫn là những DN “sống khỏe” (làm ăn kinh doanh tốt, triển vọng kinh doanh sáng sủa), có quan hệ uy tín lâu năm với các ngân hàng và hiện nay, số các DN loại này không nhiều. Ngược lại, phần lớn các DN đang gặp khó khăn vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn này. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Tiến Nghi cho biết, một số DN thép có uy tín với ngân hàng, làm ăn tốt đã được vay với lãi suất chỉ 12%/năm, còn lại các DN trong ngành đang gặp khó khăn do lượng hàng tồn kho lớn vẫn chưa thể vay được lãi suất thấp. Theo NHNN, tính đến ngày 31-5, trong khi tín dụng xuất khẩu tăng 12,63%, nông nghiệp nông thôn tăng 3%, công nghiệp hỗ trợ ước tăng 7,13% thì tín dụng đối với DN vừa và nhỏ lại giảm 13,69%. Đây lại chính là những đối tượng đang gặp vô vàn khó khăn, cần sự hỗ trợ nhiều nhất.
Tìm tiếng nói chung giữa ngân hàng và DN
Quyết tâm hạ lãi suất cho vay đã được nhiều ngân hàng đồng thuận thực hiện thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hạ lãi suất là một chuyện nhưng ngân hàng có bơm được vốn cho DN, nhất là những DN thuộc lĩnh vực ưu tiên gặp khó khăn lại là chuyện hoàn toàn khác. Chủ tịch HĐQT VietinBank Phạm Huy Hùng thừa nhận: “Những DN nào cần vay với lãi suất thấp mà đáp ứng được đủ điều kiện vay thì VietinBank sẵn sàng cho vay ở mức 12%/năm. Nhưng cái khó hiện nay không phải ở vấn đề lãi suất mà là ở sức khỏe của DN có đáp ứng được điều kiện vay hay không”. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì “sức khỏe” của hầu hết các DN khó có thể đáp ứng được các điều kiện vay vốn mà các ngân hàng đặt ra. Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, rất nhiều những gói tín dụng này không tìm được địa chỉ cho vay vì những DN muốn vay phải đáp ứng được các điều kiện vay hết sức ngặt nghèo của ngân hàng. Quan điểm của các ngân hàng là nếu lãi suất thấp thì rủi ro cũng phải thấp, do đó theo ông Hiếu, để được vay, các DN phải chứng minh được tình hình tài chính tốt, có những phương án kinh doanh hợp lý và nhất là tài sản thế chấp có giá trị. Thực tế thì nhiều DN không đáp ứng được các điều kiện trên và vì thế không thể vay được. Hiện tại, các ngân hàng đang cố gắng giúp các DN vay vốn, nhưng họ không thể hạ chuẩn tín dụng. Đây là khúc mắc lớn nhất hiện nay mà NHNN và Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ.
Một nghịch lý khác đang diễn ra trên thị trường là các NHTM lớn “dồi dào” vốn giá rẻ thì không dám cho vay, trong khi các NHTM nhỏ có muốn cho vay cũng chẳng có vì riêng chuyện lo thanh khoản, các ngân hàng này cũng “mướt mồ hôi”, buộc phải huy động với lãi suất cao thì lấy đâu ra vốn vay lãi suất thấp. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất gỗ nhân tạo Tiến Phát (Bình Dương) Nguyễn Văn Hoan nhận định: Có ngân hàng vẫn tìm cách lách luật, huy động tiền gửi với lãi suất lên đến 11%/năm thì không thể hạ lãi suất cho vay như chỉ đạo của NHNN được.
Nghịch lý này khiến không ít DN vốn là khách hàng lâu năm của các NHTM nhỏ đã không thể vay được vốn giá rẻ cho dù đáp ứng được các điều kiện vay của ngân hàng. Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh thương mại và vận tải Hà Đông (Hà Nội) Nguyễn Đình Tuấn cho biết, DN khó có thể chuyển ngay sang vay tiền các NHTM lớn. Quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN là quan hệ được xây dựng trong suốt một quá trình lâu dài dựa trên sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau cũng như uy tín, tài sản thế chấp, dòng tiền các hợp đồng lớn của DN… nên DN không thể một sớm một chiều tiếp cận được với những ngân hàng khác. Bản thân ngân hàng lớn cũng khó có thể tin tưởng ngay DN, cho DN vay vốn vì sợ “dính” nợ xấu.
Nợ xấu tăng cao được xác định là một trong những nguyên nhân cản dòng chảy tín dụng từ ngân hàng đến DN. Để xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ cho các DN. Song, theo ý kiến của một số lãnh đạo ngân hàng, quy định về tiêu chí khách hàng được cơ cấu lại nợ cũng như phân loại nợ của NHNN còn khá chung chung, tùy thuộc vào cách hiểu và sự đánh giá của từng ngân hàng. Do đó, có trường hợp cùng một đối tượng nhưng ngân hàng này cho phép cơ cấu lại nợ, còn ngân hàng khác thì không, cũng như không có một căn cứ nào để xác định ngân hàng nào làm đúng, ngân hàng nào làm sai. Vì thế, NHNN cần kịp thời có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng các NHTM trong việc cơ cấu lại nợ, nhanh chóng có biện pháp xử lý nợ xấu để tạo điều kiện cho các NHTM mạnh dạn tiếp vốn cho nhiều DN hơn. Bên cạnh đó, cần có chính sách giám sát rõ ràng, chặt chẽ, có thể giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng lĩnh vực ưu tiên bởi nếu để các NHTM tự giác thực hiện thì rất khó. Trong thời điểm này, đây chính là sự chia sẻ rất cần thiết từ phía ngân hàng, là trách nhiệm với thị trường, với cả nền kinh tế, nhất là các NHTM lớn được coi là hưởng lợi không nhỏ trong giai đoạn vừa qua khi huy động với lãi suất thấp trong khi lãi suất cho vay vẫn luôn ở mức cao, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay có lúc lên đến 7% – 8%. “Ngân hàng thà chấp nhận thu lãi thấp để nền kinh tế khởi sắc trở lại còn hơn để lãi suất cao mà không ai vay thì ngân hàng cũng chết”, Chủ tịch HĐQT Eximbank Lê Hùng Dũng nhìn nhận.
Về phía các NHTM nhỏ, để có nguồn vốn giá rẻ cho DN vay thì NHNN cần đẩy mạnh thực hiện tái cấp vốn qua hợp đồng tín dụng hoặc có thể cho các NHTM nhỏ vay để cho vay lại DN (ủy thác qua tổ chức tín dụng)… Tuy nhiên, trong trường hợp này, cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ để vốn vay đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả.
Bản thân các DN cũng cần tập trung nâng cao năng lực quản trị DN, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thu hồi công nợ, tập trung các nguồn lực (vốn, nhân lực,…) vào các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của DN. Sử dụng vốn đúng mục đích, cân đối vốn để trả nợ đúng hạn, giữ tín nhiệm trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()