Ðể người Việt thêm tin yêu hàng Việt
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVÐ) thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị đã đạt kết quả tốt đẹp, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, để CVÐ đạt hiệu quả thiết thực hơn, tạo chuyển biến về chất, cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN. Trong đó, việc nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt Nam là yếu tố quyết định.
Tăng cả lượng và chất
CVÐ đã giúp người dân nhận thức rõ hơn ưu điểm của hàng nội; tạo việc làm và tăng thu nhập cho người Việt Nam; tăng cường cả về lượng và chất cho hàng Việt; tạo quan hệ liên kết phát triển sản xuất và mạng lưới tiêu thụ từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng; tạo cơ chế triển khai dự án ở cấp quốc gia và địa phương. Theo kết quả điều tra dư luận do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) tiến hành tháng 7 vừa qua, 92% số người tiêu dùng bày tỏ quan tâm CVÐ; 63% sẽ ưu tiên mua hàng Việt (tăng 4% so năm 2010); 54% khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen nên mua hàng Việt (tăng 16% so năm 2010). Trong một hội nghị bàn nội dung tổng kết 5 năm CVÐ vừa được tổ chức, MTTQ thành phố Hà Nội kiến nghị, các DN cần chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý và thực hiện tốt chiến lược tiếp thị sản phẩm để đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng với mẫu mã, tiện ích, giá cả và chất lượng có sức cạnh tranh, đáp ứng ngày càng tốt những yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn thực phẩm và các yêu cầu bảo vệ môi trường, dịch vụ hậu mãi, vì ích lợi người tiêu dùng và cộng đồng. Bên cạnh đó, các DN cũng cần chủ động tham mưu, đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng để có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các DN sản xuất, phân phối lưu thông đối với người tiêu dùng, đó là cách thiết thực hưởng ứng CVÐ. Ðối với việc mua sắm công, Ban Dân vận T.Ư kiến nghị, các đơn vị, cơ quan nhà nước cần nêu gương đi đầu trong việc ưu tiên dùng sản phẩm trong nước, tất nhiên với giá cả cạnh tranh, chất lượng bảo đảm. Ðể làm tốt việc này, Bộ Tài chính cần có những quy định chặt chẽ.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc khẳng định, để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt là yếu tố quyết định. Các DN phải sản xuất hàng Việt Nam chất lượng tốt, kết tinh tinh thần yêu nước vào hàng hóa để không chỉ người Việt Nam mà thế giới cũng dùng hàng Việt. Các DN cần nhận thức được rằng, đây là giai đoạn khó khăn nhưng lại có thuận lợi lớn là tinh thần dân tộc trong nhân dân đang lên cao, là thời cơ để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt. Bên cạnh đó, cần phải làm tốt công tác quản lý thị trường, đẩy lùi hàng kém chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn, không bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Một điều quan trọng khác là cộng đồng DN mong muốn các bộ, ngành cũng phải nghiên cứu, áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật trên cơ sở tôn trọng các cam kết hội nhập quốc tế nhằm bảo vệ thị trường trong nước bởi nước nào trên thế giới cũng thực hiện điều này.
Nhiều mô hình sáng tạo
Bộ Ngoại giao khẳng định, CVÐ đã có tác dụng tích cực đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Hiện có khoảng bốn triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài, do đó, thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người Việt Nam ở nước ngoài sử dụng nhiều hàng Việt Nam hơn nữa. Bộ Công thương cũng có kế hoạch lồng ghép các nội dung CVÐ vào các hoạt động như xúc tiến thương mại; bình ổn thị trường; khuyến công; cải tiến, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt; đơn giản hóa thủ tục hành chính; quản lý thị trường; bảo vệ người tiêu dùng. Một trong những tác động tích cực của CVÐ là chuyển biến rõ nét từ các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước cũng như DN thuộc các thành phần kinh tế đã triển khai các giải pháp, hoạt động mua sắm, tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; đổi mới công tác quản lý điều hành; phát triển hệ thống phân phối,… Nhờ vậy, thị phần của các DN trong nước tăng lên đáng kể, thông thường chiếm từ 60 đến hơn 90%. CVÐ cũng xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, triển khai hiệu quả, điển hình như: mô hình liên kết tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh, thành phố; các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công thương đã tiêu thụ sản phẩm của nhau với tổng giá trị gần 71 nghìn tỷ đồng. Nhờ việc thực hiện thỏa thuận này, tỷ lệ hàng hóa trong nước được sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước của nhiều đơn vị ngày càng tăng cao.
Ðể CVÐ thời gian tới đi vào chiều sâu, hiệu quả, thiết thực, Ban Chỉ đạo T.Ư CVÐ cho rằng, cần có sự đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp, sự tham gia tích cực của DN và các tầng lớp nhân dân, tạo phong trào thi đua sâu rộng trong toàn xã hội hưởng ứng CVÐ. Nội dung CVÐ phải được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là phải gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế ở các bộ, ngành, địa phương và là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, DN. Mặt trận, các đoàn thể phải làm tốt việc giám sát tổ chức thực hiện Ðề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVÐ (Ðề án 634). Các DN, người sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ; phát triển và mở rộng thị trường nội địa; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Một trong những mục tiêu quan trọng đến năm 2020 của CVÐ là: hàng Việt Nam có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai chương trình xây dựng điểm bán hàng Việt Nam cố định, bền vững…
Kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, phong trào khuyến khích người dân dùng hàng nội sẽ chỉ có ảnh hưởng một thời gian nhất định. Nếu sau đó không có sự thay đổi tích cực về chất lượng sản phẩm thì người tiêu dùng sẽ vẫn quay lưng lại với hàng hóa trong nước. Vì vậy, cốt lõi của vấn đề là các DN trong nước phải tự ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, qua đó tạo được niềm tin của người tiêu dùng. PHẠM ÐÌNH ÐOÀN Chủ tịch HÐQT, TGÐ Tập đoàn Phú Thái |
Người dân sẽ ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm, nhất là các vấn đề liên quan đến bảo vệ sức khỏe. Việc chi tiêu sẽ ngày càng hợp lý và tiết kiệm hơn, thói quen “săn” hàng tốt khuyến mãi sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng của nhiều người. Vì vậy, các DN Việt Nam muốn có được thị trường, ngoài việc bảo đảm chất lượng hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm, cũng cần không ngừng tự đổi mới và sáng tạo, để thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng. NGUYỄN TIẾN DŨNG Trưởng đại diện miền bắc thương hiệu Sài Gòn Co.opmart |
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()