Buổi Tọa đàm đã thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, các học giả, các nhà quản lý, các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu của Chương trình Tự hào thương hiệu Việt, các cơ quan thông tấn báo chí… Các ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm nhằm đóng góp cho cuộc vận động thực hiện tốt hơn. Dưới đây là nội dung cuộc Tọa đàm.
Những kết quả bước đầu
Phát biểu ý kiến đề dẫn buổi Tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập nhận định: Sau hai năm Bộ Chính trị phát động Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', Cuộc vận động đã từng bước đi vào thực tiễn cuộc sống, chứng tỏ sự đúng đắn của chủ trương. Cuộc tọa đàm lần thứ ba với chủ đề 'Để người Việt gần hơn với hàng Việt' nhằm tìm giải pháp thực hiện Cuộc vận động, tạo cơ hội để tập hợp, chia sẻ thông tin, kiên trì truyền thông vì thành công Cuộc vận động.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội) mở đầu buổi Tọa đàm khẳng định: Cuộc vận động từng bước trở thành hiện thực sinh động, phát huy hiệu quả. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Hàng Việt Nam đã đến được các vùng sâu, vùng xa, xuất hiện hệ thống bán lẻ tại một số địa phương. Việc sản xuất hàng Việt Nam đã được ưu tiên hơn, nhiều mẫu mã, công nghệ mới được áp dụng vào hàng Việt. Nhiều chính sách của Nhà nước đã được định hình. Tất cả những điều đó giúp người Việt Nam gần hơn với hàng Việt Nam.
Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, TS Đinh Thị Mỹ Loan nhận xét, sau hai năm, cuộc vận động đã ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn về cả chiều rộng và chiều sâu. Từ hơn 70% số người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng 'ngoại', đến nay gần 60% số người tiêu dùng đã 'tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam'. Ngoài tâm lý đã ưa chuộng hơn trong tiêu dùng hàng Việt Nam, dịch vụ Việt cũng được chú trọng hơn rất nhiều. Những thay đổi trong chất lượng khám, chữa bệnh, giáo dục… cho thấy rõ điều đó.
Về thái độ tiếp nhận hàng Việt Nam của người dân sau khi thực hiện những chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh, đã ghi lại lời nhận xét của người nông dân: 'Có nhiều nhãn hàng Việt Nam siêng năng đến chào hàng, tận tụy bán hàng, thường xuyên tặng quà khuyến mãi… Đó là dấu hiệu của việc tăng chất lượng dịch vụ bán hàng.' Bà Hạnh cho biết, từ 65 phiên chợ hàng Việt Nam về nông thôn, nhiều DN đã thu hoạch được những gì họ cần. Theo bà, hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hàng Việt Nam tại thị trường nông thôn.
Bên cạnh các kết quả bước đầu đã đạt được, các ý kiến tại cuộc Tọa đàm cũng cho thấy, vẫn còn nhiều trở ngại để người tiêu dùng đến với hàng Việt Nam. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Quang A dẫn chứng một thí dụ của bản thân khi đi mua điện thoại di động tại siêu thị Nguyễn Kim phải đi lại lòng vòng mất nhiều giờ mà lẽ ra chỉ cần 10 đến 15 phút. Theo TS Nguyễn Quang A, các nhà bán lẻ cần tự nhìn lại và thay đổi chính mình, chứ không thể chờ đợi vào sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nếu quy trình phân phối của các nhà bán lẻ được cải thiện thì năng suất phân phối tăng lên, người tiêu dùng vì thế sẽ được giảm bớt các chi phí. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng cho rằng, truyền thông để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam cũng còn vấn đề khi một số tờ báo vẫn 'cổ súy' cho việc dùng hàng hiệu nhập ngoại của một số người.
Giám đốc điều hành Tổng Công ty thương mại Hà Nội (Hapro) Mai Khuê Anh phân tích, về phía DN, rất cần thiết và nghiêm túc lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Thực tế qua các phiên chợ Việt, người nông dân từng bước có nhận thức đúng đắn hơn về hàng Việt Nam, kể cả khả năng sản xuất, cung ứng và chất lượng, giá cả của hàng hóa. Điều gây trở ngại lớn nhất là bà con vẫn có tâm lý nghi ngại rằng, hàng đưa về nông thôn là hàng thứ phẩm. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân hiểu.
Để người Việt gần hơn với hàng Việt
Để người tiêu dùng trong nước gần hơn với hàng Việt, nhiều ý kiến tại Tọa đàm nhận định, cần nỗ lực từ cả người dân, DN và cơ quan quản lý nhà nước.
Ủy viên thường vụ Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Đỗ Gia Phan cho rằng, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước đang được khơi dậy nên Cuộc vận động càng có nhiều thuận lợi. Chúng ta cần vận dụng một cách sáng tạo phương châm mà Bộ Chính trị đã vạch ra cho Cuộc vận động là:
'…Phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam'. Để Cuộc vận động thật sự thành công, tạo bước đột phá mới trong nền kinh tế, không chỉ đòi hỏi người tiêu dùng nâng cao hơn nữa ý thức ưu tiên lựa chọn hàng Việt, mà còn đặt ra với các nhà quản lý phải tăng cường công tác chống hàng giả, hàng lậu, giúp các DN mở kênh phân phối ở nông thôn, các nhà sản xuất, kinh doanh phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh để cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ có thể cạnh tranh về giá cả và chất lượng với hàng ngoại, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, để hàng Việt Nam ngày càng trở thành ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng, các DN cần coi trọng việc bảo vệ thương hiệu, quảng bá sản phẩm, tạo sự tiện lợi trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo đảm chất lượng sản phẩm ổn định và chăm sóc khách hàng tốt. Khâu bảo hành và các chính sách hậu mãi tốt chính là yếu tố quan trọng trong xây dựng uy tín sản phẩm để thuyết phục những đại lý bán hàng quan tâm, ủng hộ và yên tâm giới thiệu đến người tiêu dùng sản phẩm của DN. Theo kinh nghiệm của Công ty TNHH Trung Thành, để DN bán được hàng, phải sản xuất những mặt hàng chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, xây dựng phát triển hệ thống phân phối bán lẻ.
Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan nhìn nhận, từ góc độ cộng đồng DN, trong đó có các nhà bán lẻ, thì chính các DN phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ hàng Việt, phải có các sản phẩm cạnh tranh cả về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng… Bên cạnh đó, cần chú trọng vào thị trường nông thôn. Theo thống kê, hiện nay, vẫn còn tới 80% thị trường nông thôn rộng lớn chưa được khai thác hết. Đây là bài toán không dễ, đòi hỏi nhiều công sức, nỗ lực của toàn xã hội, sự chung tay của DN, các hiệp hội và các nhà quản lý.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, muốn người Việt Nam gần hàng Việt Nam hơn, thì cơ quan quản lý cần phải có cơ chế, chính sách cho sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam. Hiện nay đường sá đã được nâng cấp nhưng việc quy hoạch các khu nguyên liệu lại chưa chuẩn. Do đó, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa vẫn phải nhập ngọai, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao. Ngoài ra, ông Dần kiến nghị, Mặt trận Tổ quốc cần thể hiện vai trò lớn hơn nữa trong Cuộc vận động. Hàng Việt Nam chất lượng cao rất phong phú mà bản thân nhiều người Việt Nam còn chưa biết tới, do vậy cần những chương trình, những buổi tọa đàm, những buổi tôn vinh doanh nghiệp trong nước…
Trưởng ban thị trường trong nước Tập đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Tín đề nghị, Chính phủ và Bộ Công thương có những giải pháp giúp cho DN, nhất là DN dệt may thâm nhập và xây dựng được vị trí trên thị trường trong nước. Theo đó, cần có chính sách ưu đãi cho ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có công nghiệp hỗ trợ dệt may để đầu tư phát triển đúng hướng; hỗ trợ xây dựng mạng lưới phân phối. Có cơ chế cho phép DN có thể sử dụng miễn phí hai đến ba năm các khu vực chợ đầu mối đã được Nhà nước đầu tư tại các địa phương nhưng chưa khai thác hết; hỗ trợ đào tạo nhân lực về khâu thiết kế sản phẩm, đào tạo kỹ năng tiếp thị và bán hàng, đẩy mạnh công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng; có chính sách ưu đãi về vốn, thuế cho những DN có tỷ trọng hàng nội địa cao.
Kết thúc tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hà Văn Núi thay mặt Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cảm ơn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tham dự cuộc tọa đàm đã có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, giúp làm rõ hơn thành công cũng như những việc cần phải làm tiếp theo của cuộc vận động. Cuộc vận động không chỉ vận động chung chung mà phải có mục tiêu, lộ trình, phải tiếp tục tuyên truyền trong toàn xã hội bắt đầu từ các cơ quan Nhà nước. Việc quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao cần được làm tốt hơn, phải có mối quan hệ gắn bó giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, truyền thông và người tiêu dùng thì Cuộc vận động mới đạt kết quả tốt.
Ý kiến ()