Ðể người trồng mía ở Cù Lao Dung bám ruộng, bám làng
Là vùng đất có truyền thống trồng mía lâu đời, sản xuất tập trung, có trình độ thâm canh và đạt năng suất cao, Cù Lao Dung được mệnh danh là "đảo ngọt" của tỉnh Sóc Trăng với tám nghìn ha diện tích đất chuyên canh mía nguyên liệu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, năng suất mía thấp, giá đầu ra lại không ổn định, nông dân thua lỗ, nhiều gia đình bỏ ruộng, làm việc khác.
Là vùng đất có truyền thống trồng mía lâu đời, sản xuất tập trung, có trình độ thâm canh và đạt năng suất cao, Cù Lao Dung được mệnh danh là “đảo ngọt” của tỉnh Sóc Trăng với tám nghìn ha diện tích đất chuyên canh mía nguyên liệu. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, năng suất mía thấp, giá đầu ra lại không ổn định, nông dân thua lỗ, nhiều gia đình bỏ ruộng, làm việc khác.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện thì vụ mía đường năm 2012-2013, số ruộng mía bị bỏ hoang chiếm khoảng 30% diện tích. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Cù Lao Dung Hồ Thanh Kiệt cho biết: “Tình hình mía trổ cờ nhiều khiến cho người trồng mía gặp nhiều khó khăn, trữ lượng đường mía giảm và nông dân khó bán được giá. Hiện nhiều nông dân bỏ quê đi làm thuê tỉnh khác vì không có tiền trả nợ Ngân hàng Chính sách”. Ông Lê Thành Phương, ấp Phước Hòa A cho biết: “Tôi vừa thu hoạch xong bảy công mía bán được hơn 50 triệu đồng, vị chi mỗi công hơn bảy triệu đồng tính ra hòa vốn. Nông dân ở đây cả năm chỉ trông vào cây mía. Nhiều hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng mía rồi không có tiền trả, bỏ lên TP Hồ Chí Minh làm thuê mong lấy tiền trả nợ”. Vụ mía năm vừa rồi, gia đình ông Nguyễn Văn Hải (xã An Thạnh Nam) trồng hai công mía bị ngập mặn, bán được 13 triệu đồng, nhưng còn khoản nợ vay Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho hộ nghèo 15 triệu đồng, ông Hải chưa trả nổi, mỗi tháng ông đóng tiền lời gần 100 nghìn đồng. Vợ chồng ông Hải phải gửi đứa con trai lớn cho bà nội nuôi và mang theo đứa con gái nhỏ đi Bình Dương kiếm việc làm để gửi tiền về nuôi con ăn học, trả lãi ngân hàng.
Theo báo cáo của UBND xã Ðại Ân 1, toàn xã có khoảng mười nghìn dân, nhưng đến nay đã có hơn hai nghìn người trong độ tuổi lao động đã đăng ký tạm vắng để đi làm ăn xa. Anh Nguyễn Văn Năm, chuyên viên phòng NN và PTNT huyện Cù Lao Dung cho biết: “Phần lớn dân ly hương tập trung ở các xã Ðại Ân 1, An Thạnh Nam, An Thạnh Tây do địa thế giáp biển, nước ngập mặn dẫn đến trồng mía thua lỗ. Mía năm nay thất mùa, giá cũng thấp, phần đông lao động ở địa phương đã đi nhiều nơi để kiếm việc làm sau khi bán mía xong”. Hiện giá mía tại nhà máy chỉ có 960 đồng/kg, thương lái mua mía tại ruộng chỉ có 600 đồng/kg.
Ðiều đáng nói là, mặc dù giá mía xuống thấp đã nhiều năm nay, song người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì không có nơi tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Ðiều, xã An Thạnh Tây chia sẻ: “Năm vừa rồi tôi mạnh dạn chuyển sang trồng hai công khổ qua siêu sạch, năng suất rất cao nhưng đầu ra sản phẩm rất khó, nhiều thương lái ngại qua phà. Dù giá mía bấp bênh nhưng có nguồn tiêu thụ mình thấy an tâm hơn”. Cũng như ông Ðiều, dù trồng mía không lời nhưng hàng trăm hộ dân trên “đảo ngọc” này chưa dám chuyển đổi cây trồng. Ông Ðiều cho rằng, đất cù lao này trồng cây gì cũng tốt, ngặt nỗi chưa được cơ giới hóa sản xuất. “Tôi nói thật, đất này trồng lúa rất trúng nhưng tới mùa thu hoạch không có lao động vì lớp trẻ đã đi làm ở các công ty, xí nghiệp chỉ còn lại mấy ông già như tôi. Nếu như xứ Cù Lao mà có máy gặt đập liên hợp để thu hoạch mía cũng như lúa thì nông dân sẽ bớt khổ”, ông Ðiều bộc bạch.
Với lợi thế đất phù sa, Cù Lao Dung là vùng chuyên canh mía nguyên liệu cao nhất nước. Một vụ mía kéo dài từ 10 đến 12 tháng, thu hoạch đúng tuổi chữ đường bình quân khoảng 10CCS, người trồng mía luôn có mức thu nhập hơn bảy triệu đồng/công. Tuy nhiên, tại thời điểm này, giá thuê công nhân khá cao (từ 200 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/người), phí vận chuyển cũng tăng trong khi năng suất mía chỉ đạt khoảng 100-120 tấn/ha, giá mía cũng thấp. Nhiều người tự cứu mình bằng cách đi làm ăn xa quê, số còn lại chuyển sang trồng màu như khoai lang, bắp lai nhưng rất ít. “Hiện phà Ðại Ngãi đã hoạt động, nếu phương tiện lưu thông hàng hóa dễ dàng, sản phẩm nông dân làm ra dễ tiêu thụ thì bà con nơi đây sẽ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Ðáng chú ý, một khi cánh đồng mía được cơ giới hóa sản xuất, thì chi phí giảm và lợi nhuận sẽ tăng cao”, ông Phương nhận định.
Ðể cải thiện năng suất mía ở Cù Lao Dung, theo ông Kiệt, ngoài các biện pháp thay đổi giống mía, hỗ trợ cơ giới hóa nhằm giảm giá thành sản xuất, việc cải tạo đất là một yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra, huyện cần khuyến khích nông dân vùng sâu, khó vận chuyển chuyển sang trồng màu hoặc nuôi trồng thủy sản. “Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, cần có giải pháp tổng thể để bảo vệ người trồng mía, cũng như cả ngành mía đường, bằng các biện pháp ổn định giá, chống gian lận thương mại, buôn lậu đường. Ðây là cái khó mà các ngành chức năng đang phải đối mặt”, ông Kiệt chia sẻ.
Nhandan
Ý kiến ()