Để người Lạng Sơn dùng hàng Việt: Cần nhiều giải pháp thực tiễn hơn
LSO-Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai hơn 4 năm qua đã phát huy tác dụng thiết thực. Phần lớn người dân Lạng Sơn đã ý thức hơn trong việc mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để hàng Việt đến với người Lạng Sơn ngày một sâu rộng, bền vững hơn thì ngoài vận động, tuyên truyền, chính quyền các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phải có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa.
LSO-Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai hơn 4 năm qua đã phát huy tác dụng thiết thực. Phần lớn người dân Lạng Sơn đã ý thức hơn trong việc mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để hàng Việt đến với người Lạng Sơn ngày một sâu rộng, bền vững hơn thì ngoài vận động, tuyên truyền, chính quyền các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phải có nhiều chính sách phù hợp hơn nữa.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Latvila |
Ông Nông Dương Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cấp tỉnh cho biết: sau hơn 4 năm triển khai, nét nổi bật là cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất theo xu hướng ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Có thể nói rằng, thông qua các hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, người tiêu dùng ở các nơi trong tỉnh ngày càng tiếp cận nhiều hơn với nhiều loại hàng hóa đảm bảo chất lượng do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với giá cả phù hợp. Hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, việc mua sắm công từ nguồn ngân sách Nhà nước và sử dụng vật tư, nguyên liệu cũng được các cấp, các ngành, cơ quan gương mẫu thực hiện. Chỉ tính riêng năm 2013, việc mua sắm, sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước đã góp phần thực hiện tiết kiệm trong khối này được 2,7 tỷ đồng.
Nổi bật nhất trong việc hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua là Sở Công thương Lạng Sơn đã chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt với các doanh nghiệp phân phối hàng hóa bán lẻ, trong đó nổi lên có doanh nghiệp Trần Lệnh Thương và Siêu thị Thành Đô. Hai doanh nghiệp này đã tổ chức phát động từng đợt chương trình quảng bá, tuyên truyền người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt Nam. Đồng thời tổ chức tốt nguồn hàng chất lượng do trong nước sản xuất, có giá cả hợp lý về cung ứng tại địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, trong thời gian qua, Siêu thị Thành Đô (Công ty CP Thành Đô) đã có nhiều giải pháp đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng Lạng Sơn. Hiện tại, doanh nghiệp đã tổ chức hệ thống kho đến 7/11 huyện, thành phố và hơn 1.500 cửa hàng, đại lý tại các huyện, thành phố. Đối với doanh nghiệp Trần Lệnh Thương (là doanh nghiệp cung cấp 100% mặt hàng tiêu dùng được sản xuất tại Việt Nam), hiện tại, doanh nghiệp đã tổ chức mạng lưới phân phối với 25 đại lý và 612 điểm bán lẻ tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Người tiêu dùng Lạng Sơn mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước tại Hội chợ TM quốc tế Việt – Trung |
Tuy nhiên, trên thực tế, để cuộc vận động được triển khai một cách sâu, rộng và để người tiêu dùng Lạng Sơn thực sự tin dùng hàng hóa sản xuất trong nước thì các ngành chức năng, chính quyền các cấp, đặc biệt là các doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp, chính sách thiết thực hơn nữa. Thống kê thực tế cho thấy, trong cả năm 2013, ngành công thương Lạng Sơn mới chỉ tổ chức được 3 hội chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, ngoài ra, đến thời điểm giáp Tết Nguyên đán, một số doanh nghiệp phân phối mới tổ chức đưa nhiều hàng Việt về vùng nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa. Như vậy, tần suất đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng ở các vùng nông thôn của xứ Lạng còn quá ít, chính điều này khiến cuộc vận động chưa thực sự đạt hiệu quả như mong đợi. Thực tiễn, người tiêu dùng Lạng Sơn có quá ít sự lựa chọn khi mua hàng. Với đặc thù của một tỉnh biên giới, có nhiều cửa khẩu, chuyện hàng hóa Trung Quốc xuất hiện nhiều trên thị trường nội tỉnh là một việc hết sức bình thường. Việc khó nhất của các doanh nghiệp trong nước là phải có giải pháp cụ thể để tạo dựng được lòng tin cho người tiêu dùng Lạng Sơn và không có cách làm nào hiệu quả bằng cách đưa hàng Việt đến tận tay người dân, đây là hình thức tiếp thị hiệu quả nhất, tạo cơ hội để người dân tại các vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp cận với hàng hóa sản xuất trong nước, qua đó hình thành thói quen mua và sử dụng hàng Việt. Trước hết, doanh nghiệp phải thực sự khẳng định thương hiệu bằng cách không ngừng nâng cao chất lượng, tiết kiệm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tổ chức tốt hệ thống phân phối và chú trọng tới chất lượng dịch vụ, đồng thời làm tốt công tác quảng bá sản phẩm, tăng cường các hình thức khuyến mại đối với khách hàng. Việc đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ là những chuyến hàng lưu động mà các doanh nghiệp phải xây dựng được các hệ thống phân phối, đại lý bán hàng Việt ngay tại các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Cùng với các doanh nghiệp, các cơ quan, ban, ngành phải thiết lập được môi trường cạnh tranh bình đẳng, xử phạt nghiêm đối với các hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Ngoài ra, UBND tỉnh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà phân phối mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, cạnh tranh với hàng hóa nhập ngoại.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()