Ðể người dân miền trung yên tâm trong mùa bão, lũ
Cán bộ, chiến sĩ tỉnh Quảng Ngãi cùng nhân dân thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn làm kè phòng, chống bão, lũ. Ảnh: HỮU TRÍ Hằng năm, cứ vào mùa bão, lũ, các tỉnh miền trung lại phải hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ và áp thấp nhiệt đới, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân. Giải pháp để người dân nơi đây an tâm sống, sản xuất là củng cố, quy hoạch hệ thống đê điều, nâng cao ý thức phòng tránh trong cộng đồng, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra.Chủ động phòng, chống thiên taiTheo thống kê của Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mùa bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) năm 2011 kết thúc muộn hơn so bình thường. Trong năm có bốn cơn bão, ba đợt ATNĐ và sáu đợt gió mùa đông bắc mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây mưa to, lũ lụt kéo dài tại miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Thiên tai đã làm 295 người chết, 274 người bị thương, nhiều nhà cửa, hoa...
Cán bộ, chiến sĩ tỉnh Quảng Ngãi cùng nhân dân thôn An Cường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn làm kè phòng, chống bão, lũ. Ảnh: HỮU TRÍ |
Chủ động phòng, chống thiên tai
Theo thống kê của Trung tâm dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, mùa bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) năm 2011 kết thúc muộn hơn so bình thường. Trong năm có bốn cơn bão, ba đợt ATNĐ và sáu đợt gió mùa đông bắc mạnh ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây mưa to, lũ lụt kéo dài tại miền trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Thiên tai đã làm 295 người chết, 274 người bị thương, nhiều nhà cửa, hoa màu… bị hư hỏng, ước tính thiệt hại hơn 12.700 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát cho biết, trong năm 2011, các ban, ngành T.Ư và địa phương đã phối hợp đồng bộ, đối phó các tình huống do thiên tai gây ra, cho nên đã hạn chế thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần được khắc phục như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các chủ hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện còn bất cập trong việc xả lũ, ảnh hưởng người dân vùng hạ lưu; hệ thống thông tin liên lạc ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa còn thiếu, gặp nhiều khó khăn trong công tác chỉ đạo, cứu hộ; phương tiện phục vụ tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế, đặc biệt thiếu phương tiện chuyên dùng… Mỗi khi mùa mưa bão chuẩn bị bắt đầu, người dân tại dải đất miền trung lại gồng mình lên chống đỡ. Thế nhưng thiệt hại về người, về của năm nào cũng có. Và cứ sau một năm khi bão, lũ qua đi, các cấp chính quyền, người dân nơi đây lại bàn bạc, tìm kiếm những giải pháp để làm sao giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Tuy nhiên, một thực tế là thiên tai năm sau lại lớn hơn năm trước cả về quy mô lẫn cường độ. Thiệt hại vì thế vẫn tiếp tục tăng, bất chấp cố gắng hết sức của con người.
Để chủ động phòng, chống thiên tai, các tỉnh miền trung đã và đang có nhiều hoạt động nhằm ứng phó, khắc phục hiệu quả. Chi Cục trưởng Chi cục đê điều PCLB Hà Tĩnh Bùi Lê Bắc cho biết, công tác PCLB trong mùa mưa bão năm nay đã được tỉnh chuẩn bị và triển khai tốt, như UBND tỉnh ban hành Quyết định về một số nội dung PCLB, giảm nhẹ thiên tai và triển khai công tác cứu nạn trên địa bàn; trong đó có việc chỉ đạo phân cấp công tác quản lý, điều hành, nhất là phân cấp cho cấp huyện, xã các sở, ngành về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai… Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đầu tư một trạm ra-đa cảnh giới bão ở xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân để cảnh báo bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh bão kịp thời. Bên cạnh đó, tỉnh đã huy động các nguồn quỹ của T.Ư và địa phương giúp các địa phương ở vùng trọng điểm lũ, lụt, bão; mua sắm thuyền cấp cho các địa phương thường xuyên bị ngập lụt… Đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo lực lượng thanh niên xung kích PCLB cấp xã ở những nơi trọng điểm của lũ lụt như Đức Hương (Vũ Quang), Sơn Thịnh (Hương Sơn), Phúc Đồng (Hương Khê)… sau đó sẽ tiến hành nhân rộng ra các địa bàn trọng điểm lũ lụt. Là một trong những địa phương hứng chịu nhiều thiệt hại do bão lũ gây ra, tỉnh Bình Định cũng nhận định, năm nay bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông có khả năng nhiều hơn trung bình nhiều năm và xuất hiện sớm so quy luật (trung bình xuất hiện vào giữa tháng 5); Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đê điều và PCLB Bình Định Phan Xuân Hải cho biết: Để phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, công tác PCLB năm 2012 phải thực hiện theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính”. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương bảo đảm an toàn tuyệt đối 159 hồ chứa nước, với tổng dung tích 547 triệu m3. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức cảnh báo ở những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường ngập lụt sâu, nước chảy xiết để toàn dân biết, chủ động phòng, tránh.
Trong năm 2011, tỉnh Quảng Ngãi đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão và ATNĐ, tám đợt lũ, một trận lốc xoáy (Sơn Tây), gây thiệt hại nặng về người, tài sản và các công trình hạ tầng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính: 453,38 tỷ đồng. Đặc biệt, trong bốn tháng đầu năm 2012, đã có một đợt ATNĐ và một cơn bão kèm theo mưa lớn, lốc xoáy xảy ra trên địa bàn huyện Ba Tơ. Ông Nguyễn Thanh Lạc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, đê điều và PCLB tỉnh Quảng Ngãi cho biết, để hạn chế thiệt hại, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo về công tác PCLB tại Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 22-3-2012 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; kiện toàn bộ máy PCLB các cấp.
Cần những giải pháp hữu hiệu
Một trong những nguyên nhân hàng đầu của mưa bão, lũ lụt tại miền trung là do việc phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn. Bên cạnh đó là ý thức chủ động của một bộ phận không nhỏ cộng đồng người dân và lãnh đạo các địa phương chưa cao khiến cho việc hằng năm mặc dù biết trước thiên tai và sự tàn phá ghê gớm của chúng, song hậu quả để lại vẫn hết sức nặng nề. Công tác PCLB tại các địa phương hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều bất cập; chủ yếu là do hạn chế về kinh phí, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ. Một số công trình đê điều, thủy lợi chưa bảo đảm tốt chế độ thoát lũ, vì vậy, không phát huy được tác dụng. Một số cơ sở quan trắc khí tượng thủy văn trên địa bàn đã xuống cấp, công nghệ lạc hậu nên dự báo chưa kịp thời và chưa chính xác… Thêm một nguyên nhân nữa góp phần gia tăng những hiểm họa lũ lụt tại miền trung là sự thiếu khoa học và thực tế trong xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, giao thông, hồ chứa, công trình thoát lũ, tránh lũ. Những gì xảy ra thời gian qua cho thấy, công tác điều hành ứng phó với thiên tai tại một số địa phương tại miền trung còn lúng túng, thậm chí tại một số địa phương, người dân và các cấp lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ về những diễn biến khó lường của thiên nhiên do đó tồn tại tư tưởng chủ quan và ỷ lại ở cấp trên, trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương.
Trong những năm gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã chủ động và có kinh nghiệm hơn trong việc đối phó lụt, bão. Tuy nhiên, qua các đợt thiên tai gần đây, một số địa phương vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại trong việc PCLB. Để thực hiện đồng bộ các giải pháp PCLB trong mùa mưa bão năm nay, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại để người dân an tâm sống, phát triển sản xuất, các địa phương trong cả nước nói chung, các tỉnh miền trung nói riêng cần khẩn trương đúc rút kinh nghiệm và kiện toàn bộ máy Ban Chỉ huy PCLB. Tiếp tục triển khai chương trình hành động phòng, chống thiên tai đến năm 2020. Đồng thời xây dựng phương án phòng, chống lụt bão theo phương châm “bốn tại chỗ” phù hợp đặc điểm, điều kiện của từng địa bàn.
Cùng với việc nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống thiên tai cho người dân, các địa phương miền trung cũng cần phải kiện toàn hệ thống đê điều, trong đó chú trọng công tác quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm an toàn theo tiêu chuẩn thiết kế, quy hoạch đê biển phải bao gồm cả diện tích trồng cây chắn sóng, quy hoạch đê sông, đê cửa sông, đê bối, đê bao và đê chuyên dùng phải có giải pháp để bảo đảm an toàn đê khi xảy ra lũ lịch sử, phải có sự phối hợp giữa các địa phương trong cùng một lưu vực, không ảnh hưởng đến quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê và cả hệ thống sông. Cùng với đó, cần tăng cường cơ sở vật chất và mạng lưới cứu hộ thiên tai bão, lũ, đặc biệt là vùng núi, ven biển, hải đảo và các ngư trường biển. Nhà nước quy hoạch, xây dựng các khu vực tránh bão, tránh lũ, vận động người dân (có điều kiện kinh tế) xây nhà kiên cố, nhà cao tầng nhằm hạn chế tối đa tổn thất về người và của. Từng địa phương, vùng có phương án, tổ chức diễn tập theo phương án và tổ chức tốt cho người dân di chuyển đến nơi cao và an toàn trước các trận bão và lũ lụt, nước dâng có cường độ lớn. Có kế hoạch từng bước nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông, trồng cây chắn sóng, trồng rừng ngập mặn ngoài đê để hạn chế tác động của bão, lũ và nước dâng.
Bão, lũ trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường. Để giảm thiệt hại về người và của, hơn lúc nào hết các giải pháp hữu hiệu cần được đưa ra và thực hiện ngay. Nhất là sớm hoàn thành hệ thống cảnh báo sóng thần để kịp thời phát hiện, cảnh báo cho người dân sơ tán an toàn. Có như vậy, người dân nơi đây mới yên tâm sống chung với thiên tai, bám trụ trên mảnh đất thường xuyên bão, lũ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()