tle=”Để ngư dân bám biển, vươn khơi”> Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Những làng chài ven biển Thừa Thiên – Huế, trước đây, ngư dân sống nhờ vào những chiếc thuyền nhỏ, đánh bắt cá ven bờ. Nhưng nay, nhờ đầu tư tàu lớn, làm chủ công nghệ, đoàn kết làm ăn, nhiều người trở nên giàu có, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Xây dựng các tổ đoàn kết
Từ khi có chủ trương phát triển kinh tế biển, ngư dân Thừa Thiên – Huế đã mạnh dạn vay vốn đầu tư tàu, thuyền đánh bắt và tổ chức làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Những con thuyền nhỏ có công suất chừng vài chục CV trước đây nay được thay bằng những con tàu với công suất hàng trăm CV, để ngư dân vươn ra khơi xa, bám biển. Ngư dân Nguyễn Văn Ánh, ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang) cho biết: “Ngày trước, gia đình tui có tàu nhưng công suất mới 35 CV nên chỉ đánh bắt thủy sản quanh quẩn cách bờ biển khoảng 10 hải lý. Kể từ khi được vay vốn ưu đãi, tui đầu tư đóng tàu với công suất 250 CV, từ đó chúng tôi được đổi đời từ những chuyến xa khơi dài ngày và đánh bắt được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao”.
Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm kết hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia, bà con ngư dân đánh bắt thủy sản đã thành lập 57 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Nếu như ở Lộc Trì, các tổ đoàn kết hỗ trợ nhau trong đánh bắt ở ngư trường thì ở Phong Hải (huyện Phong Điền) đã thành lập được Đội ứng cứu thiên tai trên biển. Sự cần thiết của đội này khi người dân trong làng sống chủ yếu nhờ vào biển. Đội ứng cứu thiên tai có 20 thành viên, có kinh nghiệm trong nghề đi biển, có thuyền đủ sức cứu hộ, cứu nạn. Họ đã đưa được rất nhiều thuyền vào bờ an toàn khi chẳng may gặp sóng lớn, gió mạnh, đánh gãy cả mạn thuyền và nguy cơ chìm thuyền là rất cao. Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải Nguyễn Văn Nuôi cho biết: Đội ứng cứu này được trang bị áo phao, xe đẩy thuyền, dây neo, phao tròn và điện thoại di động để phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển. Dù khó khăn đến mấy, nhưng các thành viên của đội luôn sát cánh bên ngư dân ở vùng biển quê mình để vừa bám biển, khai thác thủy hải sản, vừa làm công tác cứu hộ, cứu nạn và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Theo Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên – Huế, hai năm trở lại đây, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ đoàn kết trên biển” và thực hiện “ba cùng”, tức cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú, cùng họ hàng thân thích, nhằm để tạo sự liên kết và tăng thêm sức mạnh trong khai thác, đánh bắt hải sản trên các ngư trường xa bờ, giảm thiệt hại khi có thiên tai. Mọi tàu cá, nhất là các chủng loại tàu cá cỡ lớn đều mong muốn tham gia. Các tổ đội này đều có tư cách pháp nhân, có con dấu và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các ngành liên quan trong việc cung cấp các trang thiết bị an toàn, thông tin khi tham gia đánh bắt thủy sản trên Biển Đông.
Cho những vụ cá bội thu
Chi cục Trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thừa Thiên – Huế, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết, sau năm năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) và chương trình hành động của Tỉnh ủy về chiến lược biển đến năm 2020, tại Thừa Thiên – Huế hiện đã phát triển gần 12 nghìn chiếc tàu đánh bắt thủy hải sản trên biển; trong đó có 226 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90 CV trở lên. Tổng sản lượng khai thác biển trên địa bàn tỉnh được nâng lên rõ rệt, từ 22 nghìn tấn vào năm 2006 tăng lên gần 27 nghìn tấn năm 2011. Chất lượng tàu cá được cải thiện đáng kể, nhiều tàu cá có chiều rộng đến sáu mét, dài 20 mét, công suất đến 340 sức ngựa, được trang bị định vị vệ tinh, vô tuyến tầm xa, đo sâu dò cá…
Bên cạnh cải hoán tàu, thuyền, ngư dân còn biết kết hợp để nâng chiều cao và chiều dài lưới vây rút chì, kết hợp với việc sử dụng ánh sáng, cho nên hiệu quả đánh bắt cao hơn. Nhiều ngư dân còn chú trọng đầu tư trang thiết bị dò tìm và xác định luồng cá để thuận lợi trong việc đánh bắt. Mỗi tàu đánh bắt xa bờ hiện tại được ngư dân đầu tư trung bình khoảng một tỷ đồng, hằng năm có sản lượng từ 80 đến 100 tấn thủy sản các loại, doanh thu đạt hơn một tỷ đồng.
Thời tiết biển những tháng đầu năm 2012 thuận lợi, cho nên ngư dân trong tỉnh đã huy động 100% số tàu, thuyền ra khơi khai thác. Công tác dự báo ngư trường tốt nên giảm được chi phí hoạt động khai thác, tăng chất lượng sản phẩm và lãi suất trong từng chuyến đi biển, tăng thu nhập cho người lao động. Sản lượng khai thác từ đầu năm đến nay trong toàn tỉnh đạt gần 15 nghìn tấn, tăng gần 20% so cùng kỳ. Hiện, toàn tỉnh có 330 cơ sở chế biến nước mắm, mắm tôm, mắm cá rò… và thủy sản khô. Sản lượng hằng năm đạt khoảng 1,5 triệu lít nước mắm; 1,5 tấn mắm; 100 tấn thủy sản khô, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho hơn 10 nghìn hộ gia đình.
Bước đột phá về tàu cá xa bờ trong vài năm trở lại đây phải kể đến các đội tàu khai thác cá lạt xuất khẩu Vinh Thanh (huyện Phú Vang), đội tàu khai thác kết hợp dịch vụ thủy sản của Lộc Trì và thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc). Từ chỗ các đội chỉ khai thác và sống thủy cư lênh đênh trên đầm phá thì giờ đây đã xây dựng được đội tàu khai thác biển xa bờ. Bộ mặt nông thôn khu vực này được cải thiện nhanh chóng nhờ phát triển các đội tàu để vươn ra biển. Điểm chung của tàu xa bờ phát triển trong thời gian qua là nhờ có bước đột phá về công nghệ – kỹ thuật và tư duy giá trị – thương mại. Nhiều chủ tàu hiện không nặng về tư duy sản lượng trước đây (thường là cá nục giá trị thấp) mà quan tâm hơn các đối tượng giá trị cao (cá lạt, mực ống, tôm hùm…). Nhiều tàu xa bờ, có đêm chỉ cần đánh bắt 50 – 70 con tôm hùm giống cỡ que tăm đã có lãi khá.
Giúp ngư dân bám biển
Để tiếp tục triển khai các chủ trương, giải pháp gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế biển với quốc phòng – an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo đáp ứng yêu cầu phát triển và tình hình trên biển hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp các ngành và các địa phương tập trung xây dựng các mô hình “Điểm sáng văn hóa trên biên giới, bờ biển và hải đảo”, “Xây dựng khu dân cư văn hóa biển”… Thời gian qua, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã hỗ trợ nhiều phương tiện máy ICom, phao cứu sinh, máy trực canh, áo phao cho ngư dân để khi có sự cố các lực lượng có mặt kịp thời cứu hộ, cứu nạn, hạn chế những thiệt hại về người và tài sản. Bộ đội Biên phòng luôn chú trọng việc tuyên truyền cho ngư dân nắm vững về kiến thức pháp luật biển đảo; nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân, từ đó phát huy sự chủ động tích cực của họ trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền của vùng biển đảo Tổ quốc.
Trong điều kiện giá nhiên liệu, vật tư tăng cao, nhưng nghề khai thác biển trên địa bàn tỉnh vẫn đạt kết quả tương đối tốt. Hiện nay, số lượng tàu đánh bắt thô sơ vẫn còn nhiều. Khuyến khích ngư dân chuyển đổi hoặc nâng công suất tàu từ đánh bắt gần bờ sang xa bờ là hướng đi đúng, tuy nhiên, nhiều ngư dân đang gặp khó khăn về vốn. Theo Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế Ngô Văn Toàn thì: “Ngư dân muốn vay tiền để đóng mới tàu, thuyền hoặc đầu tư mua sắm ngư lưới cụ đều phải thế chấp nhà cửa, tàu, thuyền. Tuy nhiên, khi vay vốn để đầu tư đóng mới chiếc tàu một tỷ đồng thì ngư dân phải có vốn tự có 30%, sau đó cán bộ ngân hàng sẽ thẩm định tài sản để cho vay với số tiền tương ứng trong thời gian ba năm”.
Thiếu nguồn vốn đầu tư, gần như trong những năm qua không có một nguồn đầu tư ưu đãi nào cho khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ nên ngư dân gặp nhiều khó khăn trong việc đóng tàu mới, sắm ngư cụ. Thêm nữa, hầu hết các tàu chưa có điều kiện tự sắm máy Icom cho nên khi có sự cố xảy ra họ gặp nhiều khó khăn trong việc thông tin liên lạc với các cơ quan chức năng. Hiện tại, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có hai tàu với công suất 1.100 CV chỉ sử dụng cứu hộ, cứu nạn khi thời tiết có gió cấp 5 trở xuống, còn gió từ cấp 6 trở lên không thể ra biển được.
Chỉ huy Trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, Đại tá Nguyễn Văn Hiền cho rằng: “Để ngư dân yên tâm bám biển, các cơ quan chức năng cần hướng dẫn hỗ trợ các tổ chức ngư dân xây dựng quỹ tương trợ để chia sẻ khó khăn khi gặp rủi ro, hoạn nạn. Nhà nước cần quy định bắt buộc chủ tàu, thuyền viên trên tàu mua bảo hiểm, nếu không may xảy ra rủi ro, bảo hiểm sẽ chi trả nhằm giảm bớt gánh nặng cho họ và gia đình”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh Bình, sự phát triển mạnh mẽ tàu xa bờ thời gian qua nhờ vào đột phá về công nghệ – kỹ thuật và tư duy giá trị – thương mại đã khai thác tiềm năng và thế mạnh của kinh tế biển. Giá như có “cú hích tài chính” thì thành quả còn lớn hơn rất nhiều. Suất đầu tư vào biển thường lớn, trong khi môi trường biển thì rất khắc nghiệt, không thể ra biển với công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu hụt nguồn nhân lực, thiếu kiến thức, không thể áp dụng tư duy “tiểu nông – đất liền” cho quyết tâm “vươn ra biển lớn” được. Thực tiễn, có nhà quản lý, cơ quan quản lý ra các quyết định liên quan đến “kinh tế biển”, nhưng sự hiểu biết biển còn nhiều hạn chế. Do đó, cả nhà quản lý và người dân buộc phải thay đổi tư duy, không thể ở “bên cạnh biển” mà phải “hiểu biết thật sự và đối mặt với biển”, phải có bản năng chinh phục biển và chế ngự biển khơi.
Thật vui và tự hào khi được tin những đội tàu lớn từ đất liền liên tiếp rẽ sóng vươn ra khơi xa, bám biển dài ngày ở vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, ngoài nguồn lợi kinh tế, hoạt động của tàu và ngư dân còn khẳng định chủ quyền quốc gia trên Biển Đông. Theo Đại tá Nguyễn Văn Hiền, về lâu về dài, cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức, nhận thức và hành động về chủ quyền và quyền chủ quyền biển đảo cho ngư dân. Nhà nước cần có những chính sách đầu tư mạnh hơn nữa như chính sách cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất; tăng cường các lực lượng bảo vệ, hướng dẫn để ngư dân yên tâm vươn khơi xa trong vùng biển, làm giàu cho mình và cho đất nước.
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()