Ðề nghị rà soát các dự án thủy điện sông Ðồng Nai
Ngày 10-9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho biết: Bộ vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A.
Ngày 10-9, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) cho biết: Bộ vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A.
Theo đó, Bộ TN và MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với hai dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Ðồng Nai nói chung.
Kết quả phân tích của Bộ TN và MT cho thấy: Việc thực hiện các dự án thủy điện Ðồng Nai 6 và 6A trên thượng nguồn sông Ðồng Nai sẽ gây ra những tác động bất lợi đến môi trường sinh thái, nhất là tác động đến sự toàn vẹn của Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu ngập nước Bàu Sấu. Do vậy, việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hòa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản thiên nhiên. Tuy nhiên, nếu xây dựng hai dự án nói trên sẽ tác động đến hàng loạt những vấn đề môi trường và đa dạng sinh học của cả vùng.
* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới với hoạt động của vùng áp thấp nên khu vực bắc và giữa Biển Ðông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có mưa rào và dông mạnh. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Từ Ðà Nẵng đến Bình Thuận, đêm và sáng sớm có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to; sau có mưa rào rải rác và có nơi có dông. Tây Nguyên, nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông. Nam Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông.
* Ngày 10-9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo với chủ đề: Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu – Cơ hội và thách thức. Ðể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2013 – 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/T.Ư về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Ðồng thời, lồng ghép phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng, miền và địa phương cũng như vào nội dung đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
* Ngày 10-9, Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, UBND tỉnh đã đồng ý xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua khu vực xóm Gềnh – Cồn Ðâu, xã Hải Dương, do bị nước biển xâm thực sâu hơn 10 m, kéo dài hơn 150 m, có nguy cơ sạt lở mở cửa biển cần xử lý trước mùa mưa bão năm 2013. Tổng kinh phí dự kiến hơn 400 triệu đồng.
* UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án rà soát quy hoạch dân cư giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 6.250 hộ được bố trí lại chỗ ở; trong đó, tái định cư tập trung: 1.784 hộ và xen ghép vào các điểm dân cư: 4.466 hộ. Tổng kinh phí đầu tư dự án hơn 773 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương chiếm 70%. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013. Mục tiêu dự án nhằm quy hoạch bố trí lại dân cư để ổn định cuộc sống cho nhân dân ở những vùng thiên tai uy hiếp, di dời hộ có nguy cơ sạt lở bờ sông, lở núi, lũ ống, lũ quét, vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt và những hộ phân tán nhỏ lẻ sống trên sông nước…
* Ban Quản lý dự án các công trình trọng điểm tỉnh Phú Yên cho biết, vừa đưa vào sử dụng hai khu neo đậu cho tàu, thuyền tránh trú bão tại thị xã Sông Cầu. Theo đó, khu neo đậu tàu, thuyền vịnh Xuân Ðài có diện tích 60 ha, gồm 90 trụ neo dưới nước, năm trụ neo trên bờ; khu neo đậu tàu, thuyền đầm Cù Mông có diện tích 54 ha, gồm 80 trụ neo dưới nước, năm trụ neo trên bờ. Hai khu neo đậu này có tổng kinh phí hơn 66,5 tỷ đồng, đủ khả năng cung cấp các dịch vụ hậu cần và tiếp nhận từ 1.000 đến 1.800 tàu, thuyền công suất đến 300 CV neo đậu an toàn.
* Hàng trăm ha rừng cộng đồng tại xã Ea Hiao, huyện Ea Hếleo, tỉnh Ðác Lắc bị chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy trái phép; hơn 100 hộ dân ngang nhiên làm chòi, nhà ở trái phép trong diện tích rừng bị xâm hại… Nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhóm hộ nhận khoán quản lý rừng chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác bảo vệ các lâm phần được giao, không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn hành vi chặt phá, xâm chiếm đất rừng. Bên cạnh đó, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát… Các cấp chính quyền tỉnh cần sớm có biện pháp kiên quyết xử lý.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()