Đề nghị khắc phục hạn chế trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Chiều 23/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc Phiên họp thứ năm, kết quả cho ý kiến về 5 nội dung quan trọng và xem xét thông qua hai dự thảo nghị quyết.
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay đã xem xét, nhất trí bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba.
Xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm
Trong phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề cập công tác giám sát, qua kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của các cơ quan của Quốc hội cho thấy, Chính phủ và các cơ quan rất quyết tâm, nghiêm túc trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản, tỷ lệ văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật tăng lên.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các Bộ trưởng chỉ đạo khắc phục hạn chế, vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm được nêu trong báo cáo này cũng như các kiến nghị của các cơ quan chức năng, báo cáo kết quả kiểm tra, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công bố công khai trước công luận.
Đối với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), căn cứ vào kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu theo quy định, đặc biệt hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động, làm rõ các nội hàm, dự kiến về các chính sách quy định trong dự án luật này, tổng kết sâu sắc thực tiễn, đánh giá qua hai năm phòng, chống dịch Covid-19 để bổ sung cơ chế chính sách, quy định phù hợp điều kiện phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, bảo đảm tương thích với các luật khác mới ban hành và những dự án luật khác mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới.
Sau khi hoàn thiện hồ sơ thì đề nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự để thống nhất việc vận dụng các quy định của Bộ luật Hình sự trong việc xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh theo yêu cầu của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm thực hiện có hiệu quả, đúng lộ trình đã cam kết; bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thực hiện Luật Điều ước quốc tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về hai nội dung chưa được quy định hoặc có quy định khác với quy định hiện hành trong dự thảo Hiệp định Bảo hiểm xã hội giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.
Việc ký kết hiệp định này góp phần bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động hai nước thực hiện bền vững các quyền con người về kinh tế, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và góp phần bảo đảm tốt hơn quyền an sinh xã hội đã được Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa ghi nhận.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến về chủ trương trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận cụ thể để triển khai các thủ tục về ký kết và căn cứ vào quy định của pháp luật để tổ chức phê duyệt theo thẩm quyền.
Đồng thời đề nghị Chính phủ sớm xem xét, chuẩn bị hồ sơ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 trình Quốc hội theo quy định nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và để hiệp định này sớm được thực thi đầy đủ trên thực tế.
Trên cơ sở xem xét báo cáo thực hiện chi phí quản lý, sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019-2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, yêu cầu Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Nâng cao chất lượng của công tác dân nguyện
Trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cơ bản đồng tình, đánh giá cao báo cáo về công tác dân nguyện do Ban Dân nguyện trình và thống nhất kết luận một số nội dung tiếp tục nâng cao chất lượng của công tác dân nguyện với các cơ quan bên trong cũng như với các cơ quan bên ngoài, nhất là vấn đề tăng cường công tác phối hợp.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua dự thảo giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; cho ý kiến vào kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật; cho ý kiến vào báo cáo về công tác dân nguyện.
Phát biểu tại phiên họp về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các báo cáo kết quả giám sát kỳ trước, cũng như tại Báo cáo về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2021.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trên cơ sở nhận xét, đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan đã có biện pháp cụ thể chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban chủ động thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Ban Dân nguyện cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao nhiệm vụ cho các cơ quan đúng chức năng, thẩm quyền.
Đối với Kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng và thống nhất tối đa xem xét, trình Quốc hội xem xét, quyết định 5 nội dung lớn đã thống nhất giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ chuẩn bị rất kỹ lưỡng theo tinh thần cấp thiết nhưng phải bảo đảm chất lượng những nội dung trình Quốc hội, tạo được sự thống nhất cao.
Đề nghị Tổng thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu chuẩn bị các phương án tổ chức Kỳ họp bất thường và Kỳ họp thường kỳ của Quốc hội vào tháng 5/2022 bảo đảm hiệu quả, linh hoạt, phù hợp tình hình thực tiễn, thích ứng cao với các diễn biến của tình hình.
(Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ)
Ý kiến ()