Đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019
Ngày 17-11, tại Hà Nội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 14 để thẩm tra đề nghị điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. |
Tham dự phiên họp, có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH; Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp. Tại phiên họp, Bộ Tư pháp nêu rõ, trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, xuất phát từ yêu cầu triển khai các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, 5, 6, 7, 8 của BCH T.Ư Đảng khóa XII và yêu cầu của thực tiễn, có ba dự án Luật cần thiết phải được bổ sung vào Chương trình: Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Văn phòng QH đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội với ba nhóm chính sách và trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; Kiểm toán Nhà nước đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào Chương trình năm 2019 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thông qua tại kỳ họp thứ tám với tổng số 10 nội dung được đề xuất; TAND tối cao đề nghị bổ sung Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, thông qua tại kỳ họp thứ tám với năm chính sách được đề xuất. Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đánh giá hồ sơ đề nghị bổ sung ba dự án Luật của Chính phủ vào Chương trình năm 2019 có đầy đủ các tài liệu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội về cơ bản có đầy đủ tài liệu, nhưng cả ba dự án đều còn thiếu ý kiến Chính phủ. Đồng thời, tán thành sự cần thiết ban hành các Luật theo Tờ trình của Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước… Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, để góp phần bảo đảm điều kiện thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các bộ, ngành, cơ quan hữu quan cần chú ý rà soát, sớm sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan. |
Ý kiến ()