Đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân
Làm sao để giảm áp lực nợ công, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn thất thoát lãng phí ngân sách trong quy hoạch; xóa khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng gia tăng giữa các vùng miền … là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận tại hội trường về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, sáng 2/11.
Sáng 2/11, tiếp tục chương trình kỳ họp 2, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận ở hội trường về: Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Tái cơ cấu vẫn chưa về với địa phương?
Thảo luận tại Hội trường, đa số ý kiến đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ “hành động, kiến tạo, vì dân”, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên), bên cạnh những kết quả nổi bật, báo cáo Chính phủ cũng nêu năng lực, phẩm chất của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, kỷ luật kỷ cương bộ máy hành chính còn chưa nghiêm. “Hầu như báo cáo năm nào trình bày trước Quốc hội cũng nêu hạn chế này, nhưng tại sao lại để tình trạng này tồn tại dai dẳng như vậy?. Chính phủ cần chỉ đạo kiểm tra, thanh tra để xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục”, ĐB Nguyễn Thái Học trăn trở. ĐB Nguyễn Thái Học đặt câu hỏi: “ĐBQH và người dân cần có câu trả lời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chấn chỉnh được thực trạng này hay không và khi nào sẽ khắc phục được yếu kém này?”.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên).
Cũng theo ĐB Nguyễn Thái Học, báo cáo Chính phủ cũng nêu một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, nợ đọng xây dựng lớn, quản lý tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí. Trong tình hình ngân sách khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, khuyết điểm nêu trên làm người dân bức xúc và bất bình. “Chúng ta có Luật đầu tư công, Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, nhưng vì sao còn tồn tại thực trạng này, trách nhiệm của những người có trách nhiệm ra sao, đề nghị Chính phủ công khai địa chỉ vi phạm, không nêu chung chung và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân”, ĐB thẳng thắn nói.
Phân tích báo cáo Chính phủ nêu số lượng của doanh nghiệp được cổ phần hóa lớn, nhưng tỷ lệ vốn bán ra đạt thấp, ĐB Nguyễn Thái Học cho rằng đây là biểu hiện cụ thể của việc có tiêu cực thất thoát tài sản của nhà nước trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
Cho biết người dân rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng Chính phủ khẳng định “Chính phủ tiết kiệm từng đồng thuế của dân”, ĐB Nguyễn Thái Học đặt vấn đề: Vậy thì rất nhiều tỷ đồng thất thoát trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ phải xem xét như thế nào? “Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thanh tra làm rõ xử lý sai phạm, để thu hồi tiền của nhân dân bị thất thoát”.
Không khoan nhượng trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm
Đánh giá cao kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ, song ĐB Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng tái cơ cấu thời gian qua vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, còn nhiều hạn chế, yếu kém như báo cáo Chính phủ đã nêu.
Theo ĐB Phùng Văn Hùng, có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do chưa tạo ra nhận thức đầy đủ từ Trung ương về địa phương về tái cơ cấu nền kinh tế, điều này thể hiện ở việc nhiều bộ, ngành có xây dựng Đề án tái cơ cấu nhưng còn mang nặng tính hình thức, triển khai rất chậm nhất là ở địa phương. Qua đi giám sát ở địa phương, cảm nhận 5 năm rồi nhưng “tái cơ cấu vẫn chưa về với địa phương”.
“Tôi đề nghị Chính phủ cần sát sao hơn trong công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về tái cơ cấu kinh tế để các cấp, các ngành và xã hội có chung một nhận thức đúng về tái cơ cấu coi tái cơ cấu nền kinh tế là trách nhiệm của chính mình”, ĐB Hùng nói.
Mặt khác, tái cơ cấu chưa thu hút được sự tham gia của xã hội, nhất là kinh tế khu vực ngoài Nhà nước, đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của tái cơ cấu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần phân tích rõ cơ sở đưa ra việc phải huy động nguồn lực trên 10,5 triệu tỷ đồng trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tính khả thi đến đâu?
ĐB Phùng Văn Hùng cho hay: Để thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu, cử tri mong Đảng, Quốc hội, Chính phủ quyết liệt hơn nữa, không khoan nhượng hơn nữa trong cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm và lợi ích cục bộ, những vật cản đang cản trở công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế.
Đề cập đến quy hoạch phát triển vùng, ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng: Nhà nước phải là chủ thể thực hiện quy hoạch tổng thể trên toàn quốc, không nên mỗi địa phương, mỗi tỉnh tự quy hoạch như vậy sẽ dẫn việc “trăm hoa đua nở”, đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ, thiếu tính liên thông, liên kết, không hiệu quả, gây thất thoát lãng phí ngân sách nhà nước và phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện.
Cần ưu tiên nguồn lực cho khu vực đồng bào dân tộc, vùng khó khăn
Một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu là ưu tiên nguồn lực đời sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc, vùng khó khăn…
Khẳng định sự quan tâm đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta, đã được thực hiện liên tục trong nhiều năm và mang lại kết quả thiết thực, đảm bảo mức cơ bản về an sinh xã hội tại những vùng khó khăn, song ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận không ít chính sách thực hiện thiếu hiệu quả, không đến nơi đến chốn, không đủ nguồn lực thực hiện nên xảy ra tình trạng nhà nước nợ chính sách với đồng bào. “Đề nghị Quốc hội xem xét để có chính sách phù hợp, không để khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, khoảng cách phát triển giữa các khu vực ngày càng giãn ra, những vấn đề xã hội, an ninh trật tự… ngày càng phức tạp, ngáng trở mục tiêu phát triển bền vững”, ĐB Cao Thị Xuân nói.
Đại biểu Cao Thị Xuân cũng “tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung vào các kế hoạch đầu tư, tái cơ cấu kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội các mục riêng về khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, phải dành nguồn lực đầu tư xứng đáng để giải quyết căn bản những tồn tại về giáo dục, văn hóa, thể chất, năng lực sản xuất cho đồng bào dân tộc.
Chỉ ra đời sống của người dân còn khó khăn, nhất là vùng thiên tai , bão lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường, thậm chí nhiều hộ dân không có cơm để ăn, gia đình có áo mặc ấm, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị Chính phủ cần quan tâm ưu tiên, cứu đói, giảm nghèo trước mắt, quan tâm đầu tư trang thiết bị cho ngành ty tế; giao thông khu vực miền núi…/.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()