Đề nghị Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề
Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề.
Nghị quyết quan trọng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp
Góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025 theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đây là nghị quyết quan trọng của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp nên cần xem xét bổ sung và giao một số nhiệm vụ cụ thể cho VCCI để phát huy vai trò là tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Theo đó, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung các nội dung liên quan tới VCCI như: Tích cực tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật. Tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan Nhà nước có liên quan.
Đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, các liên kết kinh tế vùng và địa phương.
Ngoài ra, với các nhiệm vụ liên quan tới kích cầu, mở rộng thị trường trong nước, quốc tế thì việc triển khai cần có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI cùng các hiệp hội.
Trong một số trường hợp nhất định, sự tham gia của Nhà nước là không thích hợp với thông lệ và quy tắc quốc tế (như liên quan tới ứng phó với các biện pháp phòng vệ…).
Bổ sung nhiệm vụ cho VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp
Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, theo hướng: Chủ động triển khai, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu dùng nội địa ở tầm quốc gia, khu vực, ngành hàng.
Tổ chức, hỗ trợ để doanh nghiệp tham gia vào chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các chương trình bình ổn giá, giảm giá, kích cầu tiêu dùng theo từng ngành hàng, từng thời điểm…;
Tích cực tham gia vào các cơ chế song phương và đa phương quan trọng trong khu vực và trên thế giới, các bộ, ban ngành, tổ chức xúc tiến Trung ương và địa phương để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư thiết thực, đoàn khảo sát thị trường, các dự án, chương trình xúc tiến hiệu quả, thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm và cơ hội hợp tác góp phần nâng cao năng lực hội nhập của Việt Nam với thế giới và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có nhiệm vụ tham gia phân tích, đánh giá nhu cầu, xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ về thông tin, đào tạo năng lực, tư vấn… cho doanh nghiệp trong quá trình sử dụng các cam kết ưu đãi trong các hiệp định thương mại tự do, tận dụng các lợi thế từ các hiệp định này để có được nguồn cung nhập khẩu giá tốt, thu hút các đơn hàng quốc tế quay trở lại Việt Nam để cạnh tranh với các đối thủ ở thị trường nước ngoài.
Đồng thời, thông tin, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đối phó hiệu quả với các rào cản thương mại quốc tế phát sinh, đặc biệt là các vụ kiện phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại trá hình ở các thị trường xuất khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, các thị trường tiềm năng mới/đang khai phá, có xu hướng bảo hộ cao./.
Ý kiến ()