Ðể nghề chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân ở một số xã vùng nuôi bò sữa tập trung của Hà Nội, Lâm Ðồng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu. Ðây là hệ quả tất yếu của việc thiếu liên kết bền chặt giữa người chăn nuôi với các nhà máy chế biến sữa, nhất là khi đàn bò sữa đang tăng trưởng "nóng" tại các địa phương. Ðể nghề chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, cần triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ và lâu dài.
Thấp thỏm lo “ế” sữa
Câu chuyện bò sữa tại Lâm Ðồng “nóng” lên từ giữa năm 2014. Trong khi sản lượng sữa tươi nguyên liệu tại Lâm Ðồng ngày càng nhiều, các công ty thu mua sữa lại không có nhu cầu ký thêm các hợp đồng mới với nhà nông, khiến lượng sữa dôi dư ngày càng lớn, nhiều nông dân phải bán đổ, bán tháo với giá bèo bọt.
Khi Công ty CP sữa Ðà Lạt (Dalat Milk) đưa ra hạn mức thu mua không vượt quá 16 kg sữa tươi/con bò/ngày, hàng chục nông dân thôn Cầu Sắt, xã Tu Tra, huyện Ðơn Dương đã tập trung tại điểm thu mua sữa của công ty vào sáng 10-1 vừa qua để phản đối. Một số người không giữ được bình tĩnh đã đổ một phần sữa “thừa” ngoài hạn mức (trong số hàng trăm lít sữa “thừa” – PV), để phản đối “chính sách” thu mua của công ty. Theo họ, mỗi con bò sữa tại Ðơn Dương cho bình quân hơn 20kg sữa/ngày, công ty chỉ mua 16 kg, vậy 4 kg sữa ngoài định mức họ không biết bán cho ai và xử lý thế nào. Chị Bùi Thị Hiệp (xã Tu Tra, Ðơn Dương) cho biết, gia đình chị rất lo lắng bởi không ký được hợp đồng tiêu thụ sữa với công ty. Mỗi ngày, bình quân bốn con bò sữa của gia đình chị cho hơn 90 lít sữa, mọi người phải đi bán dạo khắp nơi, giá chưa bằng một nửa giá thu mua của công ty, nhưng vẫn không thể bán hết, đành ngậm ngùi chịu lỗ khoảng 500 nghìn đồng mỗi ngày. Hiện trên địa bàn huyện Ðơn Dương huyện còn hơn 80 hộ nông dân chưa ký được hợp đồng với các công ty thu mua sữa cho nên đều có chung cảnh ngộ như thế.
Lý giải về nguyên nhân tăng “nóng” của đàn bò sữa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng Lê Văn Minh cho rằng: “Do thị trường tiêu thụ sữa tươi khá ổn định liên tục trong thời gian dài và giá sữa tăng đều qua các năm, người chăn nuôi có lãi, cho nên kích thích sự nhân đàn, tăng đàn mạnh. Mặt khác, việc ứng dụng thành công công nghệ tinh phân giới tính cũng làm cho tỷ lệ tăng đàn tự nhiên ở mức cao”. Ông Minh cũng thừa nhận, do việc tăng đàn quá nhanh, vỡ kế hoạch, làm cho nguồn cung cấp sữa tươi vượt quá nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp.
Tại Hà Nội, từ cuối tháng 10-2014 đến nay, việc tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu ở xã Phù Ðổng (huyện Gia Lâm) cũng gặp không ít khó khăn, khi Công ty CP sữa Quốc tế (IDP)- đơn vị thu mua tới 50% sản lượng sữa tại đây, khống chế sản lượng thu mua ở các trạm thu gom. Ngoài việc giảm lượng thu mua, từ ngày 15-10-2014 Công ty IDP cắt giảm và hạ thấp hàng loạt khoản hỗ trợ thu mua sữa đối với hộ dân cung cấp sữa cho công ty tại các huyện Gia Lâm, Ðông Anh, Thanh Trì, khiến giá sữa trung bình chỉ đạt 12.200 đồng/kg (giảm khoảng 1.000 đồng/kg) so với giá thu mua của các công ty khác.
Ðại diện Công ty IDP lý giải, mặc dù công ty đã tăng sản lượng thu mua lên 30% so với mùa hè, song một số trạm thu gom, do khó tiêu thụ đã dồn về công ty, gây khó cho việc điều hành sản xuất cũng như dự phòng nguồn lực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Công ty IDP chỉ mới ký hợp đồng với các trạm thu gom sữa, lấy mẫu phân tích tại bồn tổng của trạm và thanh toán tiền sữa cho các trạm thu gom mà không ký hợp đồng chặt chẽ với từng hộ chăn nuôi. Ðiều đó dẫn tới tình trạng khi giá sữa đắt, nông dân vi phạm hợp đồng bán sữa ra ngoài để kiếm lợi nhuận cao.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên có lỗi của người chăn nuôi, do chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của công ty chế biến sữa. Hơn nữa, phần lớn lượng sữa vượt mức thu mua của doanh nghiệp lại đến từ các hộ nuôi bò sữa tự phát, không ký kết hợp đồng thu mua với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia chăn nuôi, giá sữa bột nguyên kem hiện nay trên thế giới giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2013, cho nên một số doanh nghiệp trong nước đã nhập sữa bột về để chế biến thành sữa nước hoàn nguyên, vô hình trung góp phần gây nên tình trạng dư cung.
Cần giải pháp căn cơ, bền vững
Ðể tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi bò sữa, chính quyền các cấp, ban, ngành chức năng của TP Hà Nội và tỉnh Lâm Ðồng đã vào cuộc quyết liệt, cùng với các công ty giải quyết những khúc mắc cũng như bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Cục Chăn nuôi đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương nhanh chóng tìm giải pháp tháo gỡ.
Tính đến thời điểm này, những vướng mắc của bà con nông dân có hợp đồng cung cấp sữa tươi với Dalat Milk đã cơ bản được giải quyết, còn Công ty CP sữa Quốc tế cũng cam kết thu mua hết lượng sữa sản xuất của các hộ nông dân. Ðồng thời, họ cho biết, giá thu mua của các công ty chế biến sữa trong nước (từ 13 nghìn đến 14 nghìn đồng/kg) đang rất cao so với các nước khác trên thế giới (chỉ từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg). Với giá sữa tươi như vậy sữa sản phẩm trong nước rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Vì vậy, người nông dân, cũng như các nhà chuyên môn cần thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng, đồng thời giảm giá thành sản xuất, các doanh nghiệp mới có thể cạnh tranh được.
Ðể ngành chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, cần có những giải pháp căn cơ, bền vững từ việc quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu sữa tươi, tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Theo tính toán, với sức tiêu thụ và tốc độ tăng trưởng đàn bò sữa như hiện nay tại Lâm Ðồng, sau hai năm, nguy cơ “thừa” hàng chục tấn sữa tươi mỗi ngày là có thể xảy ra. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Yên cho rằng, các công ty sản xuất, chế biến sữa nên tập trung nghiên cứu ngay các giải pháp kỹ thuật, đầu tư cải tiến công nghệ, nâng công suất chế biến, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm và mở rộng mạng lưới phân phối… Ðịa phương cũng cần nghiên cứu thêm một số thị trường, đối tác phù hợp với ngành nghề để giải quyết “đầu ra” sản phẩm sữa tươi cho bà con; hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo chuỗi liên kết bền vững…
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Tống Xuân Chinh khẳng định, Cục sẽ yêu cầu các đơn vị thu mua phải có cam kết rõ ràng để chính quyền đứng ra liên kết chặt chẽ hơn với người chăn nuôi. Về phía nông dân, cần tuân thủ đúng các điều khoản của hợp đồng thỏa thuận. Với các hộ chăn nuôi bò sữa, cần liên kết sản xuất thành các tổ, đội, nhóm, hợp tác xã để ký hợp đồng ổn định với công ty thu mua, để giám sát thực hiện hợp đồng, đồng thời có điều kiện tự đầu tư các dây chuyền chế biến nhỏ làm pho-mát hoặc có dây chuyền đun sôi sữa (ở 80 oC) để bán tại chỗ.
Về lâu dài, cần đầu tư dây chuyền chuyển sữa tươi thành sữa bột và phải làm rõ tính minh bạch giữa sữa tươi và sữa nước hoàn nguyên (trong khâu quản lý thị trường) để người tiêu dùng khi bỏ tiền ra phải được uống sữa tươi thật, chứ không phải sữa tươi bị pha chế từ 40 đến 50% sữa hoàn nguyên. Trên hết, cần cho phép thành lập Ủy ban quốc gia về sữa, Ủy ban này sẽ điều hành chung, áp đặt cô-ta cho các doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột để sản xuất sữa nước hoàn nguyên trên cơ chế nhập bao nhiêu phải hỗ trợ sản xuất sữa tươi nguyên liệu tương ứng trong nước bấy nhiêu, đồng thời đẩy mạnh Chương trình sữa học đường quốc gia.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()