Ðể ngành mía đường ổn định và phát triển bền vững
Năm 2012, Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang (Ninh Thuận) phấn đấu đạt 13.400 tấn đường RS, tăng 4.100 tấn so năm 2011, doanh thu đạt 243 tỷ đồng, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Trong ảnh: Đóng gói đường tại nhà máy. Ảnh: VĂN MIÊN Hiện nay, dư lượng tồn kho tại các nhà máy đường (NMĐ) còn hơn 108 nghìn tấn, cộng với 70 nghìn tấn đường nhập khẩu theo cam kết WTO, cùng với đường nhập lậu đang tràn vào thị trường với số lượng lớn chưa thể kiểm soát được, khiến giá đường trong nước giảm và chưa có dấu hiệu nhích lên... Ngành mía đường nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.Những khó khăn lớnTheo Hiệp hội mía đường Việt Nam (HHMĐVN), khó khăn lớn của ngành mía đường Việt Nam hiện nay là vấn đề nguyên liệu mía. Công tác mía giống, kỹ thuật canh tác, công tác thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cho nên năng suất mía bình quân cả nước vụ 2011-2012 đạt thấp. Với giá mía thấp như hiện nay là 900 nghìn đồng/tấn loại mía 10 CCS...
Năm 2012, Công ty cổ phần Mía đường Phan Rang (Ninh Thuận) phấn đấu đạt 13.400 tấn đường RS, tăng 4.100 tấn so năm 2011, doanh thu đạt 243 tỷ đồng, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Trong ảnh: Đóng gói đường tại nhà máy. Ảnh: VĂN MIÊN |
Những khó khăn lớn
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (HHMĐVN), khó khăn lớn của ngành mía đường Việt Nam hiện nay là vấn đề nguyên liệu mía. Công tác mía giống, kỹ thuật canh tác, công tác thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cho nên năng suất mía bình quân cả nước vụ 2011-2012 đạt thấp. Với giá mía thấp như hiện nay là 900 nghìn đồng/tấn loại mía 10 CCS (10 chữ đường), và với giá bán đường trắng giảm xuống dưới 15.500 đồng/kg thì nhiều nhà máy đã và đang thua lỗ. Một yếu tố nữa ảnh hưởng không nhỏ là trong năm 2011 và đầu năm 2012, lãi suất ngân hàng cao khiến đường tiêu thụ chậm, lượng hàng tồn kho tại các nhà máy nhiều. Trong khi đó, việc hỗ trợ lãi suất để dự trữ đường chưa được giải quyết. Nhà nước cũng chưa có các văn bản có tính pháp lý cao để điều chỉnh các hoạt động trong ngành sản xuất mía đường. Chúng ta vẫn chưa áp dụng đấu thầu cô-ta nhập khẩu đường, cơ chế xin cho về nhập khẩu tạo tâm lý mong ngóng được cho của một số doanh nghiệp sử dụng đường cho chế biến nên không mặn mà trong việc mua đường của các cơ sở sản xuất trong nước, mặc dù đường còn tồn kho nhiều. Bên cạnh đó, đường nhập lậu và gian lận thương mại của việc tạm nhập, tái xuất làm cho giá đường trong nước giảm. Đường nhập lậu chưa được ngăn chặn có hiệu quả đã tác động lớn đến việc điều hành cung cầu và gây khó khăn cho đường sản xuất trong nước.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tổng Thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam Nguyễn Hải cho biết, mặc dù hiệp hội đã tích cực nghiên cứu các giải pháp, phối hợp các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu đường, gian lận thương mại thông qua việc tạm nhập, tái xuất mặt hàng đường, nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả. Hằng năm, lượng đường nhập lậu khoảng từ 30 đến 40 nghìn tấn và giá thấp hơn giá đường trong nước từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg (bằng số tiền trốn thuế nhập khẩu và VAT). Mặt khác, không thể so sánh giá đường tiêu thụ trong nước với giá đường giao dịch trên thị trường thế giới để kết luận đường sản xuất trong nước có giá cao hơn thế giới…
Đường xuất sang Trung Quốc gặp khó khăn do phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra và cấm biên đến hết tháng 10-2012. Đường tạm nhập, tái xuất tiếp tục quay lại sang bao bán trong nước. Theo quy luật tự nhiên, đường thừa dẫn đến giá đường giảm khiến cho các nhà máy hoạt động cầm chừng và thiệt thòi chính sẽ đè nặng lên vai những người nông dân trồng mía. Hiện nông dân trồng mía đang gặp khó khăn về trình độ, năng lực sản xuất, vốn, tiếp cận thị trường, tiêu thụ; nhà phân phối thì sơ khai, hỗn loạn thiếu chuyên nghiệp. Các hộ trồng mía tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với giá mía chỉ còn 900 đồng/kg, giảm từ 100 đến 150 đồng so với trước. Ngành mía đường hiện chưa điều hành theo luật như một số quốc gia trên thế giới, các giải pháp xử lý mang tính đối phó tình huống chỉ giải quyết khó khăn tạm thời, không đủ tính đồng bộ cho nên thường xảy ra các vấn đề phát sinh mới.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trước thực trạng nói trên, theo Tổng Công ty mía đường I, người nông dân trồng mía, thương lái và các nhà máy cần liên kết chặt chẽ để sản xuất. Đồng thời, phải bám sát thông tin thị trường; thực hiện quyết liệt các chính sách tiết giảm để hướng tới mục tiêu Việt Nam phải là nước xuất khẩu đường. Còn theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Diệp Kỉnh Tần, đối với sản xuất mía nguyên liệu cần chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác vào sản xuất để nâng cao năng suất; khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất mía nguyên liệu; áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch mía; cùng các địa phương tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở và nông dân về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp các địa phương chỉ đạo, xử lý vấn đề tranh mua, tranh bán và giá mua mía. Các nhà máy đường rà soát, thực hiện các biện pháp đồng bộ để giảm tổn thất trong thu hoạch mía… Rà soát năng lực của các nhà máy, đề xuất kế hoạch sản xuất các chủng loại đường với cơ cấu hợp lý, phù hợp thị trường…
Theo định hướng phát triển ngành mía đường đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020, các tỉnh này sẽ mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu rộng khoảng 60 nghìn ha, tập trung tại các tỉnh Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, tăng 8.000 ha so thời điểm hiện tại. Nhằm giảm chi phí sản xuất, các tỉnh ĐBSCL đang quy hoạch lại NMĐ tại các tỉnh Long An, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau, Trà Vinh theo hướng hoàn chỉnh thiết bị để hoạt động hết công suất. 100% diện tích vùng nguyên liệu mía sẽ được trồng giống mới, năng suất cao theo cơ cấu 25% giống chín sớm, 50% giống chín trung bình, 25% giống chín muộn để quá trình cung ứng mía nguyên liệu không dồn dập mà rải đều trong các tháng, các nhà máy đường không bị thiếu nguyên liệu cục bộ. Khuyến khích người trồng mía sử dụng các giống mía có nguồn gốc Việt Nam đã qua trồng khảo nghiệm. Tập trung xây dựng và nâng cấp cơ sở thủy lợi vùng trồng mía; tổ chức lại việc trồng mía từ nhỏ lẻ sang tập trung để có điều kiện thâm canh, tăng năng suất. Áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, triển khai thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất, chăm sóc nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Bên cạnh đó, cần phân bổ vùng nguyên liệu để tránh dư thừa. Đẩy mạnh hợp đồng bao tiêu, phối hợp chặt chẽ giữa nhà máy và nông dân, thống nhất thời điểm xuống giống, thu hoạch…; hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi để nhà máy có đủ vốn đầu tư và trực tiếp thu mua mía của nông dân, tránh sự ép giá của các thương lái.
Ngoài ra, cần có cơ chế dự trữ bình ổn giá đối với mặt hàng đường; cơ chế kiểm tra việc áp dụng quy chuẩn quốc gia nguyên liệu mía; cơ chế quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với đường ăn trên thị trường; chống bán phá giá đối với đường nhập khẩu và tăng cường hoạt động Nhà nước nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật sản xuất mía và đường, cùng các chính sách khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ mới…
Theo Nhandan
Ý kiến ()