Để ngành công nghiệp bứt phá
Sản xuất bảng mạch điện tử tại Công ty Meiko (Khu Công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai, Hà Nội).
Trong những năm qua, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP chưa đạt được thay đổi lớn. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp dù có xu hướng tăng, song vẫn ở mức rất thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa. Nếu không có những giải pháp đột phá trong phát triển công nghiệp, Việt Nam rất khó có thể đạt được những mục tiêu đã đề ra.
Còn nhiều hạn chế
Bình quân giai đoạn 2006 – 2015, công nghiệp chiếm 23,45% trong GDP của cả nước, là ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, công nghiệp cũng trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Sau mười năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Có thể thấy, đóng góp của công nghiệp trong nền kinh tế ngày càng lớn với xu hướng tăng liên tục của giá trị sản xuất công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 -2015 đã lên tới 15,1%, cao hơn nhiều mức bình quân giai đoạn 2006 – 2010 là 11,3%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu so sánh với một số nước trong cùng thời kỳ, mức tăng trưởng này vẫn quá thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa. Cụ thể, kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa thành công như Nhật Bản và Hàn Quốc, ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp, cả hai quốc gia đều có tốc độ tăng trưởng hơn 30%, tức là cao gấp hai lần Việt Nam. Nguyên nhân là do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của nước ta vẫn tập trung ở các ngành công nghệ thấp và những khâu gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp, trong khi việc phát triển công nghiệp dựa vào chiều rộng đã tới hạn và khó có sự đột phá hơn nữa. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp chủ đạo phục vụ xuất khẩu dù có tăng trưởng, nhưng chủ yếu lại dựa vào nhân công giá rẻ và nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp còn sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình thế giới từ hai đến ba thế hệ. Cụ thể, có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ thập niên 70 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% được tân trang lại.
Một vấn đề khác đáng lưu ý là các doanh nghiệp công nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thật sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới công nghệ, với tỷ lệ đầu tư dưới 0,5% doanh thu, so với Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%. Điều này dẫn đến hiệu quả hoạt động của phần lớn doanh nghiệp công nghiệp rất thấp, quy mô doanh nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ. Do vậy, nếu Việt Nam không cải tiến công nghệ và dịch chuyển nhanh sang các ngành công nghệ cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, ngành công nghiệp khó có cơ hội để cải thiện, nguy cơ tụt hậu là rõ rệt.
Định hướng đột phá về chính sách
Để “xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết 23-NQ/TW về “Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 23). Mục tiêu của Nghị quyết là đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm ba nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp; trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nghị quyết cũng đề ra nhiều nhiệm vụ cụ thể: Đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt hơn 40%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân hằng năm đạt 8,5%;…
Có thể nói, sau gần 25 năm, đây là nghị quyết chuyên đề có tính tổng thể về phát triển công nghiệp được ban hành. Theo Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, Nghị quyết đã nêu rõ định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, bao gồm: Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp;… Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, một trong những nhiệm vụ cần làm ngay là rà soát kỹ các chính sách về phát triển công nghiệp theo danh mục cụ thể, từ đó xây dựng định hướng, nội dung theo lộ trình, ưu tiên các lĩnh vực như: công nghiệp cơ khí, than, điện, hóa chất từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và có dự báo cụ thể. Việc xác định các ngành công nghiệp ưu tiên phải có tính linh hoạt cần thiết, định kỳ đánh giá hiệu quả hoạt động theo các tiêu chí để có điều chỉnh phù hợp với Nghị quyết.
Thực tế, bối cảnh công nghiệp hóa đang có những thay đổi mạnh mẽ. Tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các nước đang tiến hành công nghiệp hóa. Cùng với đó, sự chuyển dịch công nghiệp về cả vốn và công nghệ sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Do vậy việc triển khai có hiệu quả những định hướng chính sách đột phá được nêu trong Nghị quyết 23 chắc chắn sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn các cơ hội, vượt qua được thách thức, tạo tiền đề sớm hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()