Ðể ngăn chặn thoái hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên
Nghị quyết hội nghị T.Ư 4 về xây dựng Đảng chỉ rõ: một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.Hiện thực đã cảnh báoTrong nửa sau của thế kỷ 20, trên thế giới có hơn mười Đảng Cộng sản cầm quyền, tạo dựng một hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) hùng mạnh. Chính nhờ sự tồn tại với tiềm lực hùng mạnh của hệ thống XHCN, nhiều dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới...
Hiện thực đã cảnh báo
Trong nửa sau của thế kỷ 20, trên thế giới có hơn mười Đảng Cộng sản cầm quyền, tạo dựng một hệ thống xã hội chủ nghĩa (XHCN) hùng mạnh. Chính nhờ sự tồn tại với tiềm lực hùng mạnh của hệ thống XHCN, nhiều dân tộc bị nô dịch, áp bức đã vùng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân cũ, làm thất bại chủ nghĩa thực dân mới của chủ nghĩa đế quốc. Có thể nói, sự hình thành của phong trào không liên kết và sự tồn tại của thế giới thứ ba (các nước đang phát triển) là thành quả của cuộc đấu tranh giai cấp, giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới, là thành tựu to lớn của các Đảng Cộng sản cầm quyền trong thế kỷ 20. Chính những người cộng sản, trước hết là các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước hệ thống XHCN đã ghi tạc một mốc son chói lọi vào tiến trình phát triển văn minh của nhân loại.
Nhưng nhiều Đảng Cộng sản cầm quyền lại để mất quyền lãnh đạo, làm cho hệ thống XHCN tan rã. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý rằng: Trong một thời gian ngắn (1989 – 1991), các Đảng Cộng sản mất quyền lãnh đạo, hệ thống XHCN ở Liên Xô, Đông Âu sụp đổ, tan rã mà không thông qua một cuộc chiến tranh nào với chủ nghĩa tư bản (CNTB). Thực chất ở đây là tự tan rã, tự sụp đổ do các Đảng Cộng sản đã thoái hóa đến mức để mất quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tất nhiên hoạt động chống phá của các thế lực chống cộng quốc tế cũng là một nguyên nhân, nhưng xét đến cùng thì nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp làm cho hệ thống XHCN tan rã, sụp đổ là các Đảng Cộng sản cầm quyền đã thoái hóa và tự đánh mất quyền lãnh đạo của mình.
Nghiên cứu quá trình thoái hóa của một số Đảng Cộng sản cầm quyền, kể cả những đảng cầm quyền rồi mất quyền và những đảng hiện nay còn cầm quyền, thấy rõ mấy nguyên nhân chủ yếu:
Một là, về mặt tổ chức, trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, trong thời gian cầm quyền, chưa một Đảng Cộng sản nào xây dựng được cơ chế hữu hiệu để bảo đảm dân chủ thật sự trong sinh hoạt đảng. Do đó, hầu hết các đảng, ở mức độ khác nhau đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong suốt quá trình hoạt động. Theo chúng tôi, đây là điểm khởi thủy, nguồn gốc của mọi biểu hiện khác về sự thoái hóa của Đảng (quan liêu, tha hóa về tư tưởng chính trị, thoái hóa về đạo đức, lối sống chia rẽ mất đoàn kết…). Ở đâu và khi nào trong sinh hoạt đảng thể hiện dân chủ, thì Đảng có sức sống mãnh liệt. Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích Nga dưới thời lãnh đạo của Lê-nin là một thí dụ điển hình.
Do thiếu dân chủ trong sinh hoạt Đảng nên cơ quan lãnh đạo của đảng thiếu thông tin nhiều mặt về mọi vấn đề, đặc biệt là những vấn đề hệ trọng quan hệ đến sinh tồn của đảng. Thiếu dân chủ cho nên trong sinh hoạt đảng thường là độc thoại một chiều từ những người lãnh đạo cao nhất, thiếu hẳn thông tin phản hồi từ dưới lên. Thiếu dân chủ, nên những đảng viên ưu tú, nhạy bén, sắc sảo, thông minh không có chỗ để thể hiện ý tưởng của mình. Trong một tổ chức như vậy, bộ tham mưu cao nhất không có đủ thông tin nhiều chiều, toàn diện, do đó những quyết định về đường lối, sách lược thường không phù hợp với thực tiễn, thậm chí trái ngược với quy luật, ngược với hiện thực khách quan. Đó là một trong những nguyên nhân căn bản dẫn đến tình trạng nghị quyết, chỉ thị rất nhiều nhưng việc đưa vào cuộc sống không được bao nhiêu. Theo ngôn ngữ y học, thuốc rất nhiều nhưng không có loại đặc trị, nên bệnh tình sẽ ngày càng trầm trọng. Cũng do thiếu dân chủ trong sinh hoạt đảng mà một số đảng cầm quyền đã mắc sai lầm trong việc đánh giá cán bộ, đào tạo cán bộ, tuyển chọn và bố trí, sử dụng cán bộ vào vị trí chủ chốt trong Đảng, trong Nhà nước. Thiếu dân chủ là bà đỡ của thói nịnh bợ, luồn lọt, là điều kiện tốt cho chủ nghĩa thực dụng, cơ hội vị kỷ phát sinh tồn tại trong Đảng, nhất là ở các cơ quan lãnh đạo. Ai cũng biết cán bộ quyết định tất cả, và thực tiễn cũng xác nhận điều đó. Nhưng rồi các Đảng Cộng sản cầm quyền đều phạm sai lầm trong công tác sử dụng, bố trí cán bộ.
Hai là, sự thoái hóa của đảng cầm quyền trước hết và chủ yếu là do các đảng viên chưa đủ độ chín muồi về mặt chính trị, chưa thật sự giác ngộ về giai cấp, về lý tưởng cộng sản. Khi kết nạp mọi đảng viên đều tuyên thệ về sự giác ngộ lý tưởng cộng sản của mình, hứa hẹn một lòng một dạ phấn đấu vì lợi ích của giai cấp, của những người lao động, nguyện trung thành với lý tưởng cộng sản… Nhưng khi đã vào Đảng rồi thì họ thiếu rèn luyện và trong hoạt động thực tiễn, họ dần dần xa rời những lời tuyên thệ, hứa hẹn của mình. Đó là quá trình tha hóa của đảng viên, và kéo theo sự tha hóa của Đảng. Tất nhiên, không phải mọi đảng viên đều diễn ra quá trình tha hóa đó. Có thể nói, phần lớn đảng viên giữ được, làm đúng được lời tuyên thệ của mình trong suốt cuộc đời hoạt động. Nhưng ở mọi thời kỳ, ở tất cả các Đảng Cộng sản cầm quyền luôn tồn tại một số ít, thậm chí rất ít những đảng viên tha hóa nói trên. Nếu những đảng viên này nắm giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt trong Đảng thì tạo ra nguy cơ rất lớn đối với sự thoái hóa của Đảng. Từ đây, đặt ra một vấn đề quan hệ đến sự tồn vong của Đảng là phải hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong việc lựa chọn, sử dụng, bố trí đảng viên vào các vị trí then chốt trong Đảng.
Làm gì để chống thoái hóa, biến chất ?
Ở Việt Nam, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ rất sớm các căn bệnh khi Đảng cầm quyền như quan liêu, lạm quyền, tham ô, cậy thế, hủ hóa và Người đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, và đã tiến hành các cuộc vận động lớn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để đấu tranh chống lại tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, yếu kém cả về phẩm chất và năng lực; thiếu tính chiến đấu và tinh thần bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giảm sút lòng tin, phai nhạt lý tưởng, một số ít có biểu hiện bất mãn, mất lòng tin, nói và làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Mặc dù vậy, căn bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng, vẫn còn tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp”. Công tác chỉnh đốn Đảng chưa đạt yêu cầu cho nên Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI) chỉ rõ: Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước.
Nghị quyết Đại hội XI (1-2011) còn chỉ ra nguy cơ “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên là điều kiện cho tự diễn biến, tự chuyển hóa. Có thể nói quan liêu, tham nhũng, lãng phí và sự tha hóa về tư tưởng, chính trị, về đạo đức, lối sống về thực chất là quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xét đến cùng thì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang trực tiếp đe dọa đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, vì “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, là mảnh đất thuận lợi cho “diễn biến hòa bình”, là điều kiện thuận lợi mà các thế lực thù địch tận dụng để triển khai chiến lược diễn biến hòa bình làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam mất vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Nếu trong nội bộ không diễn ra quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực chống cộng quốc tế sẽ hoàn toàn thất bại. Do đó trong quá trình chỉnh đốn Đảng, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, cần phải gắn liền cuộc đấu tranh chống suy thoái với tự diễn biến.
Để phòng ngừa, ngăn chặn được “tự diễn biến”, chống thoái hóa biến chất, đề nghị thực hiện một số việc trong sinh hoạt, hoạt động của Đảng.
Một là, phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng, bảo đảm dân chủ thật sự trong sinh hoạt Đảng ở mọi cấp từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đến các đảng bộ, chi bộ cơ sở. Chúng ta vẫn nói tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng. Nhưng chỉ trong bầu không khí dân chủ mới có tự phê bình và phê bình đúng với ý nghĩa của nó. Nếu thiếu dân chủ trong sinh hoạt đảng, thì bản thân tự phê bình và phê bình cũng sẽ bị tha hóa, thậm chí trở nên hình thức, nhạt nhẽo, khô cứng.
Hai là, đảng cầm quyền phải tạo được cơ chế loại bỏ những kẻ cơ hội, nịnh bợ, đồng thời phát hiện và trọng dụng những người tài năng, trung thành và trong sáng về đạo đức, lối sống. Nếu không làm được việc này thì sớm muộn Đảng sẽ trượt vào thoái hóa biến chất và mất quyền lãnh đạo.
Ba là, đảng cầm quyền phải xây dựng được cơ chế giám sát quyền lực trong Đảng và trong cơ quan nhà nước. Quyền lực không được giám sát chặt chẽ, thì sớm muộn cũng tha hóa. Điều đó không có ngoại lệ. Giám sát quyền lực, trước hết ở cấp cao, quan hệ trực tiếp đến sự thoái hóa của Đảng, đến sinh mệnh chính trị và sự tồn vong của đảng cầm quyền.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên tự giác thực hiện nghiêm túc những việc về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu ra trong nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng, Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 (khóa XI). Xin nhắc lại tinh thần của Đại hội VI của Đảng nói về tự rèn luyện của người cán bộ, đảng viên mà hiện thời vẫn còn ý nghĩa thời sự: Trong tư tưởng cũng như trong hành động, phải triệt để chống tham nhũng, chống đặc quyền, đặc lợi. Với lương tâm của người cộng sản, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nghiêm khắc xem xét mình đã sống lành mạnh, sống bằng lao động của mình hay chưa?… Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu hơn trong lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Không ai có quyền tự ban cho mình những đặc quyền, đặc lợi.
Theo Nhandan
Ý kiến ()