Ðể nâng cao chất lượng giáo dục
Nhìn lại những năm trước đây, khi ngành giáo dục gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học còn thiếu, bộ sách giáo khoa thời đó kém xa bộ sách giáo khoa hiện nay, nhưng ngành giáo dục đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Trường đại học Tổng hợp được xếp hạng thứ 27 trong tốp 500 trường đại học của thế giới.
Hiện nay, nước ta có vài trăm trường đại học, nhưng không có trường nào lọt vào tốp hàng đầu thế giới. Chất lượng giáo dục hiện nay vào loại thấp không phải lỗi do sách giáo khoa. Những vấn đề nổi cộm của ngành giáo dục vẫn là bệnh thành tích, thi cử không nghiêm túc. Bên cạnh đó là tình trạng dạy thêm tràn lan và bị thương mại hóa. Nhiều giáo viên ngoài việc dạy ở trường còn có lớp dạy thêm ở nhà, thu nhập từ lớp dạy thêm lớn gấp nhiều lần lương giáo viên.
Nhiều người dân đặt câu hỏi: Tại sao kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt rất cao, nhiều trường đỗ 100%, không có trường nào đỗ dưới 70%, thế mà kết quả thi đại học lại đạt rất thấp? Dư luận xã hội rất lo ngại việc tổ chức thi đại học theo phương án ba chung (chung đợt, chung đề và chung kết quả thi). Phương án ba chung này đã bộc lộ những khiếm khuyết: Gây nhiều tốn kém đối với phụ huynh và lãng phí đối với Nhà nước; việc xử lý nguyện vọng hai, nguyện vọng ba “rối như canh hẹ”; nghịch lý nữa là nhiều thí sinh đạt điểm cao không đỗ đại học, thí sinh đạt điểm thấp hơn lại đỗ.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới tư duy lãnh đạo, đổi mới cơ chế quản lý; tăng cường chấn chỉnh việc dạy và học, dẹp “nạn” dạy thêm với động cơ không trong sáng; chấm dứt tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp; bài trừ bệnh thành tích, tổ chức thi cử nghiêm túc và cấp văn bằng, chứng chỉ đúng với kiến thức của người học. Ngành giáo dục đào tạo sớm có những biện pháp cụ thể có tính chất đột phá và đủ mạnh mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.
Ý kiến ()