Để mừng thọ luôn là nét đẹp văn hóa ngày xuân
– Các cụ cao niên thường có câu: “Tứ thời xuân tại thủ, ngũ phúc thọ vi tiên” : Trong bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông, thì mùa xuân là đẹp nhất. Trong ngũ phúc: phú, quý, thọ, khang, ninh thì tuổi thọ đứng trên cả.
Ngày xuân có nhiều hoạt động vui tươi, trong đó, tổ chức mừng thọ các cụ cao niên đang trở thành nét đẹp, khơi dậy truyền thống “Kính lão, đắc thọ” của dân tộc ta. Đầu xuân, chúng ta đến làng, xã nào cũng gặp những lễ mừng thọ, bên cạnh những địa phương, gia đình tổ chức lễ mừng thọ trang trọng, tiết kiệm cũng còn những gia đình, địa phương tổ chức lễ mừng thọ rườm rà, tốn kém, đua đòi, thương mại hóa. Điều 21, Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định: việc chúc thọ người cao tuổi, là cơ sở pháp lý, là nguồn động viên rất lớn đối với người cao tuổi, từ đó để tổ chức lễ chúc thọ, mừng thọ ngày một tốt hơn.
Yêu cầu đặt ra cho lễ mừng thọ là: “Cố gắng tới mức cao nhất, thỏa mãn nhu cầu tâm lý của các cụ và gia đình. Quà mừng thọ nên có giá trị sử dụng thiết thực, tránh hình thức, tổ chức tiết kiệm, bảo đảm vui tươi, trang trọng”.
Ảnh minh hoạ
Về mặt tâm lý, hầu hết người già sống với gia đình thường không có kinh tế riêng, vốn riêng. Đồng lương hưu ít ỏi không đủ hoặc chỉ tạm đủ sinh hoạt hằng ngày. Đối với các cụ không có lương hưu, mọi sinh hoạt, chi tiêu nhất nhất phải dựa vào sự chu cấp của gia đình, con cháu. Trong hoàn cảnh như vậy, nhiều khi có những nhu cầu rất nhỏ như muốn đi thăm bạn bè, quê hương hay muốn mua cho cháu nội, cháu ngoại chút quà, các cụ cũng phải đành bấm bụng chịu, bởi ngại hỏi xin tiền con cháu. Đối với các cụ, đây là việc vạn bất đắc dĩ. Trong khi đó, quà mừng thọ của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội lại cứ theo nhau nào cờ, nào trướng, bát đĩa, ấm chén … Những cụ tham gia sinh hoạt ở nhiều tổ chức đến năm mừng thọ được tặng mấy bức trướng, mấy lá cờ, ấm chén, đĩa treo tường, đĩa bày mặt tủ … chẳng còn biết treo vào đâu, bày vào đâu mà dùng thì đến bao giờ mới hết. Qua tìm hiểu ý kiến mấy cụ được mừng thọ, thượng thọ, đại thọ, được mừng khăn áo, các cụ chân thành tâm sự: “Thực ra khăn áo chỉ dùng trong buổi lễ để quay video, chụp ảnh, xong rồi lại cất vào hòm chờ đến khi trăm tuổi con cháu lấy ra mặc vào để về với tổ tiên, đâu có phải những thứ đem ra dùng hằng ngày”. Vì vậy, chi hội người cao tuổi cơ sở nên bàn với gia đình để khéo léo, tế nhị nắm bắt xem các cụ đang cần cái gì, ao ước cái gì … Thực tế cho thấy, nên hỏi qua gia đình, con cháu nếu không tiện trực tiếp hỏi các cụ. Việc nắm bắt sở thích của các cụ cũng không khó và mơ ước của các cụ thường rất khiêm tốn. Phấn đấu sau lễ mừng thọ, mỗi cụ có một sổ tiết kiệm với số tiền nho nhỏ là thiết thực.
Về hình thức, qua thực tế cho thấy vật chất để tổ chức lễ mừng thọ không cần nhiều. Thay vì thuốc lá, bia, rượu, nước ngọt, bánh kẹo (thường chỉ dùng rất ít) thì chỉ nên có chén trà thơm, ly rượu nhỏ để nâng cốc chúc thọ. Khi ra về, mỗi cụ có thể được biếu một gói kẹo, gói bánh để làm quà chia cho các cháu.
Quy mô, tùy theo điều kiện tổ chức lễ mừng thọ ở thôn hoặc khu dân cư, tổ dân phố là phù hợp để tránh cho các cụ phải đi lại xa. Số lượng người dự vừa phải, tạo điều kiện cho công tác tổ chức thuận lợi, chu đáo.
Tuổi thọ ngày càng cao, việc tổ chức chúc thọ, mừng thọ ngày đầu xuân trở thành ngày hội của mọi người, mô hình xã hội kết hợp với gia đình cùng tổ chức mừng thọ đầu xuân, vừa tiết kiệm, vừa nhắc nhở, động viên lòng hiếu thảo, nghĩa vụ của các thế hệ con cháu đối với ông bà, cha mẹ; tiếp tục phát huy một nét đẹp truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước, tạo cho người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc.
Ý kiến ()