Đề mở, chấm có mở không?
Sau hai đợt thi Đại học – Cao đẳng năm nay, nhiều thí sinh tỏ ra hào hứng với các đề thi được coi là “mở” và gắn liền với thực tế cuộc sống. Nhưng các em cũng băn khoăn về khả năng bị điểm thấp vì “lệch đáp án”. “Đề thi mở nhưng chấm có mở không?” – Đó là lo lắng lớn nhất thí sinh vẫn canh cánh sau khi đã trút gánh nặng trải qua hai kỳ thi.
Gây hào hứng…
“Đề văn cả khối C và khối D năm nay không đơn thuần là lý thuyết nữa mà đã đưa đề tài thực tế vào trong giáo dục”, một thí sinh nhận định. Quan điểm của em được nhiều thí sinh, học sinh và cả các giáo viên ủng hộ.
Các khái niệm “kẻ cơ hội”, “người chân chính”, hiện tượng “ngưỡng mộ thần tượng”, “mê muội thần tượng”, thậm chí những từ ngữ trào lưu như “thảm hoạ” đã được đưa vào đề văn và tạo ra những làn sóng trao đổi mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn mạng và cả ngoài đời. Ngay cả với những ý kiến phản ứng thái quá với đề thi, cũng phần nào cho thấy đề năm nay thực sự sâu sát với cuộc sống.
Tiếp đó, đề thi môn Địa lý hỏi về các địa danh biển đảo của Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa cũng gây chú ý cho nhiều thí sinh và những người quan tâm. Nhiều em phấn khởi vì đã ôn luyện kỹ chủ đề biển đảo sau khi những tin tức thời sự liên quan đến Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa được báo chí đề cập liên tục trong thời gian qua.
Phó Cục trưởng Cục kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nghĩa- Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 cho biết quan điểm chung khi ra đề của Bộ áp dụng cho tất cả các môn thi là đề thi phải bám sát chương trình PTTH, có tính phân loại rõ. Đề thi sẽ gồm 2 phần, phần dành cho các thí sinh trung bình hoặc trung bình khá có thể làm được 4, 5 điểm, phần phân loại đến 8,9 điểm, đạt điểm 10 thì yêu cầu khó hơn. Riêng môn Văn, Bộ xác định ra đề theo hướng mở và gắn với các vấn đề xã hội để tránh học vẹt, học tủ.
Nhìn chung, cách ra đề năm nay được dư luận đánh giá là có sự cải cách theo chiều hướng hiện đại và tích cực nếu không muốn nói là…đột phá.
…và băn khoăn
Sau những giây phút hào hứng với đề thi, nhiều sĩ tử tỏ ra băn khoăn, bởi với cách ra đề “mở” như trên liệu có khả năng bị chệch đáp án hay không. Thí sinh Ngọc Lan (thi tại Hội đồng thi Đại học Luật) cho rằng, môn Văn mà có đáp án và barem điểm đã khó chấm, với phần thi mở làm sao có thể xây dựng barem điểm chính xác được mới là quan trọng.
Trước những băn khoăn trên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT Bùi Anh Tuấn đã khẳng định trong buổi họp báo Kết thúc kỳ thi ĐH – CĐ 2012 hôm 10-7: “Đề thi mở thì đáp án chấm cũng mở.”
Ông Trần Văn Nghĩa cho biết thêm về quan điểm chấm để các thí sinh có thể yên tâm: “Nếu có ý nào thí sinh trình bày khác đáp án mà đúng thì vẫn được cho điểm. Khuyến khích viết bài sáng tạo, chấp nhận cách tổ chức viết bài không giống đáp án, ngoài đáp án nhưng phải có căn cứ xác đáng thì vẫn được tính điểm. Tức là anh nói thế nào cũng được miễn là có căn cứ xác đáng thì vẫn được lấy điểm.”
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 phát biểu tại buổi Họp báo Kết thúc kỳ thi nhận định: “Kỳ thi đã thành công về nhiều mặt: Công tác ra đề thi, tổ chức thi, vận động các bộ ban ngành địa phương, đơn vị đoàn thể. Đến lúc này Bộ đã có thể kết luận 2 đợt thi diễn ra suôn sẻ an toàn, có chất lượng.” |
Ý kiến ()