Để Luật cư trú đi sát với đời sống
Sau năm năm triển khai thực hiện Luật Cư trú đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung là nội dung được Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành tại phiên họp Quốc hội ngày 23-5.
– Sau năm năm triển khai thực hiện Luật Cư trú đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc, sơ hở, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung là nội dung được Ủy ban pháp luật của Quốc hội tán thành tại phiên họp Quốc hội ngày 23-5.
Tuy nhiên, có một số ý kiến còn băn khoăn về phạm vi sửa đổi, bổ sung, vì cho rằng các nội dung sửa đổi, bổ sung này chưa thực sự bao quát toàn diện các vấn đề trong công tác quản lý cư trú, chưa tương xứng với yêu cầu, mục đích, quan điểm như đã được nêu trong tờ trình của Chính phủ.
Dự thảo Luật dự kiến bổ sung hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm quy định nghiêm cấm hành vi “giả tạo điều kiện để được đăng ký thường trú; cho đăng ký thường trú nhưng thực tế người được cấp đăng ký không sinh sống tại chỗ ở đó; đồng ý cho người khác đăng ký vào chỗ ở của mình để trục lợi.”
Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung nghiêm cấm hai hành vi như trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng nội dung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm này còn chưa rõ ràng, chưa làm rõ nội dung của việc giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể các vấn đề nêu trên ngay trong Luật cư trú hoặc trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật.
Theo dự thảo Luật thì ngoài quy định phải có chỗ ở hợp pháp thì công dân còn phải đáp ứng điều kiện về thời gian tạm trú là một năm (giữ thời hạn như quy định hiện hành) nếu đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc là hai năm. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành. Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành.
Khoản 3 Điều 1 của dự thảo Luật đã sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật cư trú, theo đó “Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú”. So với Luật cư trú hiện hành, dự thảo Luật đã rút ngắn thời hạn đăng ký từ 24 tháng xuống 12 tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn chưa rõ căn cứ nào để xác định thời hạn nêu trên. Hơn nữa, quy định này còn mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Luật trong trường hợp công dân chuyển chỗ ở từ nơi khác vào chỗ ở hợp pháp tại nội thành thuộc các thành phố trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú ít nhất là hai năm thì mới làm thủ tục đăng ký thường trú. Có ý kiến đề nghị cần đánh giá một cách toàn diện việc rút ngắn thời hạn như vậy đã thực sự giải quyết được vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành hay chưa?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật thì Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có “thời hạn tối đa là 24 tháng (khoản 4 Điều 30 Luật cư trú hiện hành quy định rõ sổ tạm trú không xác định thời hạn) và trước khi hết hạn tạm trú 30 ngày thì công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn.” Có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này, yêu cầu quản lý nhân khẩu thông qua Sổ tạm trú là rất khó thực hiện. Do đó, Ủy ban pháp luật đề nghị không sửa đổi nội dung này mà giữ như quy định hiện hành để tránh việc tăng thêm thủ tục hành chính đối với người dân trong việc đăng ký tạm trú.
Theo kế hoạch, QH sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật này ngày 24-5 và tại hội trường ngày 8-6.
Theo Nhandan
Ý kiến ()