Để lễ hội Háng Pỉnh trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của Lạng Sơn
– Năm 2023 là năm đầu tiên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới công tác tổ chức lễ hội Háng Pỉnh, với mục tiêu trọng tâm là xây dựng, phát triển lễ hội trở thành sản phẩm du lịch mang thương hiệu của Xứ Lạng. Đây là hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đồng bào dân tộc Nùng Phàn Slình Hua Lài hát Sli trong ngày hội Háng Pỉnh
Lễ hội dân gian luôn là điểm nhấn quan trọng, là mảng màu đặc sắc thể hiện tập trung và đa dạng những nét tinh hoa văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là một sinh hoạt tổng hợp bao gồm các yếu tố: tinh thần, vật chất, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá nghệ thuật… Tại Lạng Sơn, mỗi năm có hàng trăm lễ hội dân gian khác nhau, dù khác nhau về tính chất nhưng đều thể hiện phong tục tập quán, đời sống văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc. Tiêu biểu trong đó, độc đáo và đặc sắc nhất là lễ hội Háng Pỉnh – lễ hội thể hiện bản sắc Tày, Nùng và gắn kết cộng đồng.
Lễ hội dân gian đậm đà bản sắc
Theo tiếng dân tộc Tày, Nùng “Háng” có nghĩa là chợ, “ Pỉnh” là bánh nướng, đây là phiên chợ mua sắm bánh nướng nhân dịp Tết Trung thu của dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn. Theo truyền thống cứ vào ngày 12/8 âm lịch hằng năm, đồng bào các dân tộc Nùng, Tày trong và ngoài tỉnh lại nô nức kéo về khu vực chợ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ) và tượng đài đồng chí Hoàng Văn Thụ (phường Chi Lăng) để trẩy hội “Háng Pỉnh”. Đến với hội, đồng bào cùng nhau mua sắm, thưởng thức bánh nướng và hát sli, lượn giao duyên.
Đến với Lạng Sơn những ngày Rằm tháng Tám, đến với Lễ hội Háng Pỉnh của người Tày, Nùng, những câu Sli, Lượn gợi thương, gợi nhớ cùng với những hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng khó quên ở nơi địa đầu của Tổ quốc |
Ông Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa tỉnh cho biết: Nét đặc sắc trong lễ hội Háng Pỉnh là người Tày, Nùng không chỉ mua bánh nướng, bánh dẻo cúng rằm, tỏ lòng hiếu lễ với tổ tiên mà còn hát giao duyên. Từ hội Háng Pỉnh mà nhiều người nên duyên vợ chồng. Nhiều đôi trai gái không nên duyên được thì giờ họ gặp nhau là bạn, là lão tồng, kết bạn với nhau, giúp nhau suốt đời, họ hát lại những bài hát ngày xưa; khi nhà có hoạn nạn, ngày mùa không gặt kịp họ gọi nhau đến giúp không công dù có ở xa cỡ nào… Cái đó mới là cái hay, mới là tính cố kết của dân tộc Tày, Nùng.
Cũng trong thời gian diễn ra lễ hội, bà con thường đem một số sản phẩm may thêu trang phục truyền thống đem ra bán. Đến với Lạng Sơn vào ngày này, dễ dàng bắt gặp hình ảnh bà con nô nức trẩy hội trong màu áo xanh của trang phục truyền thống, cùng nhau mua sắm, thưởng thức bánh nướng và hát những câu Sli, Lượn.
Chị Lộc Thị Phương, thôn Co Riềng, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Năm nào đến dịp trung thu là tôi lại đi hội Háng Pỉnh. Hội đông vui lắm, đến đây để được ăn bánh nướng, hát dân ca, nhộn nhịp từ sáng cho tới tối muộn. Đây là dịp để tôi được diện những bộ áo chàm của người Tày vốn thường ngày phải cất trong tủ, được gặp lại bạn cũ, được hát sli, lượn và để trau dồi thêm vốn kiến thức cho việc truyền dạy các làn điệu dân ca của tôi.
Người dân tham gia hát giao lưu tại Lễ hội Háng Pỉnh
Góp phần kích cầu du lịch
Nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị đặc sắc của lễ hội Háng Pỉnh gắn với việc phát triển du lịch, năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Bảo tàng tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ hội truyền thống Háng Pỉnh, trong đó trọng tâm là việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kết quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lễ hội, bảo đảm tính nguyên gốc, qua đó hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng Xứ Lạng.
Ông Nông Đức Kiên, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản văn hóa đối với cộng đồng cũng như nghiên cứu, gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau những giá trị văn hóa tốt đẹp, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, khai thác, xây dựng sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này với các hoạt động chính như: khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ hội; tái hiện lại các gian hàng tại chợ phiên Kỳ Lừa xưa; mời nghệ nhân trình diễn mô hình, quy trình làm bánh nướng truyền thống; mời du khách trải nghiệm làm bánh, thưởng thức sản phẩm và món ẩm thực đặc sắc của Xứ Lạng; trình chiếu phim khoa học về lễ hội; tổ chức không gian hát giao lưu dân ca và chơi các trò chơi truyền thống như: Lảy Cỏ, múa Sư Tử…
Theo đó, hiện nay, Bảo tàng tỉnh đã điều tra, khảo sát, lập trên 200 phiếu kiểm kê về công tác bảo tồn, phát huy lễ hội Háng Pỉnh trên địa bàn một số huyện, thành phố; đồng thời hoàn tất công tác thực hiện bộ phim khoa học về lễ hội Háng Pỉnh…
Đến nay, quá trình chuẩn bị cho lễ hội đang gấp rút hoàn thiện. Ông Nguyễn Gia Quyền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng cho biết: Hiện chúng tôi đã hoàn tất công tác chuẩn bị 10 gian hàng lợp mái lá theo phong cách truyền thống của phiên chợ Kỳ Lừa xưa. Bên cạnh đó, để thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến người dân, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã trang trí gần 30 pano, khẩu hiệu phía trong và ngoài khuôn viên bảo tàng về lễ hội Háng Pỉnh.
Đến với Lạng Sơn những ngày Rằm tháng Tám, đến với Lễ hội Háng Pỉnh của người Tày, Nùng, những câu Sli, Lượn gợi thương, gợi nhớ cùng với những hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống sẽ mang đến cho du khách những ấn tượng khó quên ở nơi địa đầu của Tổ quốc.
Ý kiến ()