Để kỹ năng lao động Việt Nam cất cánh
Nâng tầm kỹ năng giúp người lao động có kỹ năng làm việc, giảm số lượng lao động giản đơn trong nền kinh tế. Điều này giúp họ khẳng định giá trị bản thân, có quyền đòi hỏi việc trả lương tương xứng, được quốc tế công nhận và thuận lợi khi đi làm việc ở nước ngoài.
Tạo chuyển biến tích cực trong xã hội
Lao động có kỹ năng, hay lao động có tay nghề, là những người lao động được đào tạo, huấn luyện, hoặc tự tích lũy kỹ năng trong thực tiễn để thực hiện có kết quả các công việc mà lao động giản đơn không làm được.
Nâng tầm kỹ năng cho người lao động chính là làm cho ngày càng có nhiều lao động có kỹ năng làm việc, giảm số lượng lao động giản đơn trong nền kinh tế; nâng cao hơn về trình độ kỹ năng, tay nghề cho người lao động.
Nâng tầm kỹ năng cho lao động còn là việc tạo ra cơ sở để doanh nghiệp tuyển dụng, bố trí đúng vị trí việc làm. Điều này giúp họ khẳng định và có quyền đòi hỏi việc trả tiền công lao động tương xứng với trình độ kỹ năng, tay nghề của họ; được quốc tế công nhận và thuận lợi trong việc di chuyển ra nước ngoài làm việc.
Từ xa xưa, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm rằng, tay nghề còn quý hơn của cải, bởi “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”.
Kinh nghiệm ở Hàn Quốc cho thấy, ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, Chính phủ nước này đã phát động xây dựng “quốc gia lành nghề”. Hàn Quốc luôn dẫn đầu trong rất nhiều các kỳ Olympic kỹ năng thế giới; trở thành một hình mẫu xuất sắc trong phát triển kỹ năng cho người lao động, đã góp phần làm lên sự phát triển kỳ diệu của nền kinh tế nước này.
Hơn 10 năm qua, Đảng ta luôn xác định, phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là một trong ba khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế.
Nhìn vào bức tranh tổng thế về phát triển kỹ năng, tay nghề cho lao động Việt Nam trong 10 năm trở lại đây, chúng ta đã có những điểm sáng với những thành tựu mở đường. Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách quan trọng cho đào tạo nhân lực, phát triển kỹ năng thông qua giáo dục nghề nghiệp.
Trong xã hội, đã có chuyển biến tích cực về nhận thức việc học nghề, tạo việc làm bền vững. Số người vào học nghề tăng lên. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã đào tạo, cung cấp cho thị trường lao động một bộ phận nhân lực có chứng chỉ, bằng cấp có kỹ năng làm việc khá tốt, nhất là nhân lực trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực kỹ thuật, công nghiệp.
Một bộ phận các cở sở giáo dục nghề nghiệp đã tiếp nhận các chương trình và công nghệ đào tạo chất lượng cao của các nước tiên tiến như Australia, Đức, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản… và đã có nhiều kinh nghiệm đào tạo, huấn luyện cho các thí sinh đi thi tay nghề ASEAN và thế giới. Việt Nam cũng đã triển khai một đề án đào tạo cho lao đông nông thôn mang lại nhiều kết quả khả quan
Tuy nhiên, số lao động trong nền kinh tế có kỹ năng, tay nghề được cấp chứng chỉ, bằng cấp còn thấp. Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động đã có bằng cấp từ sơ cấp trở lên mới đạt 24,6%. Vẫn còn khoảng hơn 75% trong tổng số 54 triệu lao động chưa được đào tạo kỹ năng, chưa có chứng chỉ, bằng cấp và theo đó bộ phận lao động này sẽ phải làm việc ở khu vực công việc giản đơn, năng suất thấp. Số doanh nghiệp thâm dụng lao động chưa đào tạo kỹ năng, hoặc kỹ năng thấp còn nhiều. Trong cơ cấu đào tạo, trình độ cao đẳng, trung cấp còn thấp. Kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ của lao động Việt Nam còn thấp so với lao động trong khu vực và thế giới, đây là rào cản trong tiếp cận thị trường lao động 4.0.
Thị trường lao động trong mô hình tăng trưởng mới ở nước ta đến năm 2025 gồm 66 triệu người. Trong đó, 75% làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, sẽ là thị trường lao động hiện đại với nhiều ngành nghề mới đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng mới.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trong 10 đến 15 năm tới, do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, của tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, sẽ có một phần ba công việc hiện tại sẽ thay đổi và cần khoảng 1,5 triệu nhân lực công nghệ số. Số lao động trong nông nghiệp sẽ giảm xuống và lao động có bằng cấp, chứng chỉ đến năm 2030 phải đạt khoảng 40%.
Phát huy đồng bộ ba trụ cột
Để phát triển cả số lượng và chất lượng người lao động có kỹ năng, tay nghề đáp ứng với nhu cầu nhân lực với mô hình tăng trưởng mới và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, phải phát huy đồng bộ ba trụ cột: Nhà nước, nhà trường – doanh nghiệp và người lao động.
Trước hết, Nhà nước và nhà trường phải dẫn dắt, mở đường cho công cuộc nâng tầm kỹ năng lao động. Phải thực thi đầy đủ, hiệu quả luật pháp, chính sách về đào tạo, phát triển kỹ năng tay nghề cho người lao động. Phát triển số lượng lao động có kỹ năng bằng việc sớm có quy định ngành, nghề phải sử dụng lao động có chứng chỉ kỹ năng. Tiếp tục đổi mới thu hút nhiều người vào học nghề; thu hút người lao động tham gia đào tạo kỹ năng, tay nghề qua chương trình đào tạo lại; triển khai cho được chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Tạo điều kiện thật thuận lợi, linh hoạt cho người lao động có thể được đào tạo, kèm cắp, cập nhật kỹ năng ở tất cả các khu vực của nền kinh tế. Đẩy mạnh việc đánh giá, công nhận kỹ năng tay nghề cho người lao động và triển khai áp dụng trong thực tế. Mở ra các điều kiện để các nước công nhận được trình độ kỹ năng tay nghề chất lượng cao của lao động Viêt Nam. Có chính sách đãi ngộ, tuyển dụng bình đẳng những người học nghề; tôn vinh lao động có tay nghề xuất sắc có nhiều đóng góp cho xã hội.
Cùng với đó, quy hoạch, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả công và tư với các cấp trình độ đáp ứng với nhu cầu đào tạo nhân lực dễ tiếp cận, linh hoạt. Tổ chức một mạng lưới các trường cao đẳng đào tạo chất lượng cao đặt dưới chỉ đạo, điều tiết, định hướng của cơ quan nhà nước. Nhà trường tiếp tục đổi mới từ việc phát triển chương trình tiếp cận quốc tế; đội ngũ nhà giáo giỏi kỹ năng và thiết bị đào tạo tiên tiến bắt kịp với công nghệ mới, thực tế của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở tất cảc cấp trình độ.
Ngoài ra, tập trung nhân rộng, đào tạo ra các nghề theo các chương trình quốc tế đã được chuyển giao, tiếp nhận và các nghề đạt giải thi tay nghề ASEAN, thế giới; có cơ chế để được quốc tế công nhận các nghề đào tạo chất lượng cao. Nhà trường cũng phải chăm lo đào tạo kỹ năng số, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi cho người học. Thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng. Nghiên cứu, thực hiện mô hình đào tạo kết hợp nhà trường và doanh nghiệp.
Nâng tầm kỹ năng, tay nghề cho người lao động phải được các doanh nghiệp tự giác đồng tình hưởng ứng. Doanh nghiệp phải coi nhân lực chất lượng cao là vốn nguồn lực tạo lên sự khác biệt và năng lực cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.
Ở Đức, nước thành công trong “đào tạo nghề kép”, việc doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề đã trở thành văn hóa về trách nhiệm đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp mình và cho xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thiết lập mối quan hệ và đồng hành với cở sở giáo dục nghề nghiệp để tham gia vào quá trình đào tạo và tiếp nhận tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề tốt nhất, phù hợp cho doanh nghiệp mình.
Tại doanh nghiệp, cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kỹ năng cho người lao động của mình; đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội trong việc tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập hoặc đào tạo tại doanh nghiệp.
Nâng tầm kỹ năng, tay nghề cũng phải chính từ người lao động trong việc lựa chọn con đường lập nghiệp của mình. Khi đã định hướng theo con đường kỹ năng, tay nghề, người lao động phải giỏi nghề, yêu quý, gắn bó, tự hào về tay nghề của mình. Họ cũng cần phải thường xuyên cập nhật, tự nâng cao trình độ tay nghề của mình; nhạy bén đón bắt những kỹ năng mới; thích ứng với sự thay đổi công nghệ. Lao động cần chủ động tham gia các kỳ đánh giá kỹ năng nghề có được “Hộ chiếu kỹ năng” để tham gia vào thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ Nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp và người lao động, chắc chắn, kỹ năng của lao động Việt Nam sẽ “cất cánh”, góp phần quan trọng thực hiện hiện khát vọng mạnh mẽ xây dựng nước Việt Nam hùng cường.
Ý kiến ()