Để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển bền vững
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Lê Xuân Sang, Phó Trưởng Ban nghiên cứu Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một điểm sáng trong nền kinh tế thời gian này là xu hướng tăng ở khu vực dịch vụ và tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh trong ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh góp phần vào tăng trưởng chung.
– Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, TS Lê Xuân Sang, Phó Trưởng Ban nghiên cứu Chính sách vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, một điểm sáng trong nền kinh tế thời gian này là xu hướng tăng ở khu vực dịch vụ và tiếp tục mở rộng với tốc độ nhanh trong ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh góp phần vào tăng trưởng chung. TS Lê Xuân Sang cho rằng, trong bối cảnh bị tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam đã thực hiện các gói kích thích kinh tế với các phạm vi và mức độ khác nhau, do đó cũng xuất hiện tình trạng lạm phát cao trong các năm 2008, 2011. Sau đó, Chính phủ đã phải sử dụng các giải pháp mạnh tay, quyết tâm kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô. Cũng theo TS Lê Xuân Sang, từ cuối năm 2012 và 2 quý đầu 2013, kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những tín hiệu tích cực. Lãi suất huy động bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cũng tăng mạnh, thể hiện lòng tin của nhà đầu từ nước ngoài đối với thị trường kinh doanh ở Việt Nam không giảm. Đánh giá về triển vọng trong tương lai, TS Lê Xuân Sang cho rằng: Nhìn chung nền kinh tế thế giới vẫn còn tiếp tục phải đối mặt với thách thức kèm theo những bất định và rủi ro lớn. Các dự báo về tình hình kinh tế thế giới được đưa ra vào thời điểm cuối năm 2012 và quý I/2013 đều được điều chỉnh hạ xuống đối với tăng trưởng kinh tế và các chỉ số kinh tế khác. Vì thế, các cộng đồng quốc tế đánh giá, trong năm 2013, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 5,5%, tương đương với mức tăng trưởng mà Quốc hội đã thông qua. Lạm phát dự báo cao hơn nhiều so với mức mục tiêu là 6 – 6,5% (không tính đến thời tiết và khả năng điều chỉnh giá). Các rủi ro khác cũng được dự báo là được kiềm chế hoặc cải thiện. Về cơ bản, Việt Nam đang đi đúng hướng, thương hiệu Việt đang dần chiếm vị thế, đồng thời hàng sản xuất trong nước đã bắt đầu tăng vị thế ở cả thành thị và nông thôn. Đề cập tới những giải pháp trước mắt và dài hạn cần thực hiện trong thời gian tới, TS Lê Xuân Sang cho biết: Ngay trong quý II/2013, Nhà nước đẩy mạnh tiến độ giải ngân, nguồn vốn đã được phân bổ, tăng cường phát hành trái phiếu đối với các dự án hạ tầng trọng điểm, các dự án mang tính lan tỏa cao; xây dựng và thực hiện khung pháp luật, chính sách tái cơ cấu đầu tư công, hệ thống chi tiêu cụ thể cho việc lựa chọn, giám sát và đánh giá dự án đầu tư công. Về dài hạn, Nhà nước tái cấu trúc hệ thống tài chính theo hướng cân đối hơn thông qua lành mạnh hóa thị trường tín dụng và nâng cao vai trò thị trường chứng khoán trong huy động vốn dài hạn cho doanh nghiệp; đổi mới mô hình và cách thức giám sát thị trường tài chính, tăng cường hiệu lực giám sát thông qua việc thu hẹp các chuẩn mực trong nước với quốc tế. Áp dụng rộng rãi chuẩn mực quốc tế và bảo đảm tính trung thực, hiệu lực, chế tài thực thi cao trong áp dụng các chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, báo cáo tài chính, hệ thống thống kê, định giá tài sản doanh nghiệp; chú trọng nâng cao vai trò, hiệu lực và bảo vệ các nhà đầu tư, cổ đông, cá nhân trên thị trường chứng khoán. Cơ quan chức năng hoàn thiện các thể chế, thông lệ tốt trong hỗ trợ phát triển công nghệ, tăng liên kết doanh nghiệp, nâng cao cạnh tranh; cải cách quy trình, phương thức tham gia hoạch định chính sách, nâng cao cạnh tranh. |
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()