Ðể kinh tế tư nhân thật sự là động lực quan trọng
Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang ở trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ và ghi nhiều dấu ấn đặc biệt. Tính đến thời điểm năm 2019, khu vực tư nhân đóng góp tới 42% GDP, 30% thu ngân sách, thu hút 85% lực lượng lao động và chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Các doanh nghiệp (DN) tư nhân đã tham gia đầu tư có hiệu quả vào các dự án hạ tầng kinh tế quan trọng và lĩnh vực kinh doanh trước đây được khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo như xây dựng sân bay, bến cảng, hầm đường bộ, đường cao tốc, kinh doanh vận tải hàng không,…
Nhưng có một nghịch lý là rất ít DN tư nhân Việt Nam tích tụ trở thành DN quy mô lớn, hầu hết vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Có những DN tư nhân phải mất cả chục năm mới phát triển lên quy mô vừa nhưng khi có tên tuổi lại quyết định bán hoặc sáp nhập vào DN khác. Lực lượng hộ kinh doanh cá thể lớn gấp nhiều lần so với khu vực kinh doanh chính thức nhưng không tích cực hưởng ứng khi được vận động chuyển lên DN.
Gần đây, mỗi năm có trung bình hơn 100 nghìn DN thành lập mới, bổ sung hàng triệu tỷ đồng đầu tư vào nền kinh tế nhưng số DN phải rút khỏi thị trường vẫn rất cao, có thời điểm cứ mười DN được thành lập mới thì có từ sáu đến tám DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục phá sản hoặc chính thức rời khỏi thị trường. Câu hỏi đặt ra là môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã thật sự hấp dẫn và an toàn để khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng của người dân, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, của dân tộc hơn là chỉ có mục đích tìm kiếm cơ hội kinh doanh để mưu sinh hay chưa. Và làm thế nào để “phá băng” được nguồn lực còn rất lớn trong dân, ước tính lên đến hàng tỷ USD cất trữ trong các ngân hàng thương mại để tìm kiếm sự an toàn, thay vì chảy vào các kênh đầu tư, sản xuất, kinh doanh?
Từ thực tế nêu trên, Ðảng và Chính phủ đã xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Ðây là một thay đổi rất lớn trong nhận thức và cần được cụ thể hóa vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.
Theo đó, phải tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển thông qua việc tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng các tiêu chí hội nhập và có tính chất ổn định, cụ thể và minh bạch. Về phía các DN tư nhân cũng phải đặt mục tiêu cải thiện năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm và năng lực cạnh tranh lên hàng đầu thông qua quá trình học hỏi và sáng tạo về công nghệ, áp dụng quản trị tiên tiến và đẩy mạnh khả năng liên kết, hội nhập.
Có như vậy, khu vực kinh tế tư nhân mới phát triển xứng đáng với tiềm lực hiện có, trở thành động lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ý kiến ()