Để kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển
– Hệ thống cửa khẩu của Lạng Sơn được ví như “Cảng nổi” trên đất liền. Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) liên tục tăng trong những năm gần đây đã tạo cho Lạng Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng, là cơ hội lớn để Lạng Sơn thúc đẩy kinh tế cửa khẩu phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế.
Từ năm 2020, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trong phạm vi toàn cầu và lây lan rộng trên cả nước, Lạng Sơn vẫn thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa chống dịch, vừa thực hiện an toàn, hiệu quả thông quan hàng hóa. Nhờ đó năm 2021, kim ngạch XNK qua địa bàn tỉnh đạt hơn 4,38 tỷ USD, tăng 55,8% so cùng kỳ năm 2020, cao nhất từ trước đến nay. Để đạt được kết quả trên, phải khẳng định công tác phòng chống dịch đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh chỉ đạo quyết liệt, coi trọng hàng đầu việc xây dựng khu vực cửa khẩu là “vùng xanh”, xây dựng khu trung chuyển, tập kết hàng hóa, phương tiện làm “vùng đệm” an toàn về phòng chống dịch, phục vụ hiệu quả cho hoạt động XNK.
Bãi xe hàng tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị
Thực tế trong hoạt động XNK sang Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh đã phát sinh các ca dương tính với Sars-CoV-2 từ số chủ hàng, lái xe chuyên trách tại khu vực cửa khẩu. Với chính sách “Zero COVID”, lực lượng chức năng Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát người, hàng hóa và phương tiện XNK tại khu vực cửa khẩu. Đây là nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng ùn tắc, cao điểm lên đến 4.500 phương tiện, trên 5.000 lái xe đường dài lưu trú tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn.
Tình trạng ùn tắc phương tiện XNK, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn của lái xe, chủ hàng tại các bãi xe, khu cách ly làm nảy sinh một số vụ việc như trộm cắp, đánh nhau và tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự tại khu vực cửa khẩu. Năm 2021, Công an Lạng Sơn chủ động lập án đấu tranh và khởi tố đối tượng Đinh Văn Thìn cùng đồng phạm về tội “đưa và nhận hối lộ” cán bộ làm nhiệm vụ để đưa phương tiện xuất khẩu vượt tuyến trái quy định, thuộc Khu trung chuyển hàng hoá là “vùng đệm” Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị; khởi tố, điều tra 2 nhân viên Trung tâm Quản lý cửa khẩu (thuộc Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn) về tội “làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức” nhằm hợp thức hóa hồ sơ tuyển lái xe chuyên trách vào hoạt động trong khu vực cửa khẩu; khởi tố, điều tra 2 đối tượng là lái xe đường dài về tội giết người xảy ra tại Khu phi thuế quan là “vùng đệm” Cửa khẩu Tân Thanh. Hiện các đối tượng trên đã bị truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật.
Trên tuyến biên giới, Trung Quốc tạm dừng thông quan các cửa khẩu phụ, lối mở tiếp giáp Lạng Sơn; duy trì thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu Ga Quốc tế Bằng Tường và Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị Quan, Cửa khẩu Ái Điểm và Pò Chài; mới đây (từ đầu tháng 9/2022) mở trở lại Cửa khẩu Lũng Vài. Trong đó cửa khẩu Pò Chài và Hữu Nghị Quan phải áp dụng phương án giao nhận hàng hóa mới theo hình thức “đổi đầu kéo” để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Do đó lưu lượng hàng hóa XNK qua Lạng Sơn giảm mạnh. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong 8 tháng đầu năm 2022, số phương tiện chở hàng hoá thông quan qua các cửa khẩu đường bộ tỉnh Lạng Sơn giảm 61% so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự nỗ lực của lực lượng chức năng, hiện đã không còn tình trạng ùn ứ phương tiện tại khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, để xuất khẩu một xe hàng sang Trung Quốc, các chủ hàng phải chấp thuận chi phí giá dịch vụ từ bến bãi đến thuê đầu kéo, kiểm dịch, bốc vác, vệ sinh, lưu xe qua đêm… tại các bến xe, bãi hàng Trung Quốc. Cùng đó, chủ hàng, lái xe Việt Nam không thể trực tiếp xuất cảnh theo xe hàng sang Trung Quốc để quản lý, giao dịch với chủ hàng Trung Quốc như trước đây; khi nảy sinh tranh chấp, bất đồng trong giao dịch thì số phương tiện, hàng hóa trên phải lưu, thậm chí bị giữ tại Trung Quốc, gây thiệt hại kinh tế cho chủ hàng, chủ phương tiện của Việt Nam và khó khăn trong giải quyết của cơ quan chức năng.
Ngoài lý do khách quan trên có nhiều nguyên nhân khác cần được nhìn nhận đối với vấn đề nảy sinh trong hoạt động XNK hàng hóa thời gian qua, đó là: thứ nhất, công tác phối hợp giữa các địa phương trong cảnh báo doanh nghiệp, chủ hàng biết, có kế hoạch điều tiết phương tiện từ sớm, từ xa vẫn chưa được thường xuyên, nhịp nhàng, nhất là vào vụ mùa nông sản và cuối năm âm lịch.
Thứ hai là sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc và tình trạng tự phát khi tìm đầu ra cho nông sản; việc thực hiện giao dịch hàng hóa với đối tác nhưng không tuân thủ nguyên tắc thương mại quốc tế, không có hoặc có hợp đồng nhưng thiếu chặt chẽ, rõ ràng, thậm chí chỉ thỏa thuận qua điện thoại, trung gian… gây nhiều hệ lụy, khi nảy sinh tranh chấp không thể giải quyết. Cùng với đó, công tác tuyên truyền pháp luật, quản lý nhà nước đối với thương nhân, người khai hải quan, làm dịch vụ XNK còn hạn chế, bất cập, dễ nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh XNK.
Để tận dụng điều kiện địa lý và phát huy hợp tác thương mại biên giới, cửa khẩu giữa Lạng Sơn với Quảng Tây, tạo cơ hội thúc đẩy hoạt động XNK và thu hút doanh nghiệp XNK, logistic và hình thành chuỗi liên kết, cung ứng đa quốc gia, đưa Lạng Sơn thực sự trở thành “Cảng nổi” đầu tàu phát triển kinh tế cửa khẩu, thiết nghĩ cần chú trọng thực hiện một số giải pháp như: tăng cường chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo khu vực cửa khẩu là “vùng xanh”, xây dựng “vùng đệm” an toàn.
Cùng đó, các ngành chức năng tham mưu đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền cơ chế, chính sách ngoại thương với Trung Quốc; tăng cường đối ngoại, trao đổi thông tin với tỉnh Quảng Tây để kịp thời nắm bắt, điều chỉnh chính sách XNK và thông tin, cảnh báo doanh nghiệp điều tiết hàng hóa; kiến nghị bổ sung, sửa đổi Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan và các văn bản quy định về điều kiện, tiêu chuẩn là Thương nhân, Người khai hải quan; tăng cường phát hiện, ngăn chặn sớm các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, duy trì ổn định an ninh trật tự khu vực cửa khẩu.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện Nền tảng Cửa khẩu số và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; đầu tư, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng cửa khẩu đồng bộ, hiện đại hóa các khâu quản lý, vận hành.
Về phần mình, các doanh nghiệp, thương nhân phải tuân thủ nguyên tắc thương mại quốc tế, ký kết hợp đồng giao dịch, vận tải hàng hóa đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước Quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là cơ sở pháp lý căn bản để lực lượng chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Ý kiến ()