Để khu kinh tế thực sự là một đột phá tiềm năng tăng trưởng
Thực tế cho thấy, việc thành lập các khu kinh tế được coi như một đột phá tiềm năng tăng trưởng. Nhìn chung, khu kinh tế có thể có nhiều hình thức khác nhau, nhiều chức năng khác nhau, nhiều tên gọi khác nhau như khu kinh tế mở, khu công nghiệp, khu chế xuất,… và đã góp phần cho sự phát triển năng động một vùng hay cả nước.
Ở Việt Nam, đã hình thành nhiều khu kinh tế với nhiều tên gọi khác nhau như khu công nghiệp, khu chế xuất,… và đã có những thành công như khu kinh tế mở Chu Lai, khu chế xuất Tân Thuận, khu kinh tế Vũng Áng, khu kinh tế Nhơn Hội, khu kinh tế Nghi Sơn… (khu kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế đầu tiên của cả nước được thành lập vào năm 2003). Lũy kế đến hết tháng 12/2013, các khu công nghiệp trên cả nước đã thu hút được 4.770 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đã đăng ký hơn 70,3 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện đạt 36,2 tỷ USD, bằng 52% vốn đầu tư đã đăng ký; và 5.210 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 464.500 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 250.000 tỷ đồng, bằng 53% tổng vốn đăng ký. Các khu kinh tế ven biển trên cả nước đã thu hút được 165 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 37,3 tỷ USD, vốn thực hiện bằng 20% tổng vốn đầu tư đã đăng ký; thu hút đầu tư trong nước đạt 510.000 tỷ đồng. Tổng số lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế khoảng 2,1 triệu người.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ở Việt Nam, các khu này đều đang trong thời kỳ xây dựng ban đầu với những thể chế hạn hẹp của các khu kinh tế cửa khẩu, chứ chưa phải là các khu kinh tế tự do, đặc khu kinh tế với nghĩa đầy đủ của nó. Kinh nghiệm phát triển khu kinh tế tự do trên thế giới cho thấy, các nước đều có sự thành công hay thất bại. Những lý do cho sự thành công gồm có khả năng tận dụng lợi thế của tích tụ kinh tế, tính kinh tế của qui mô và của phạm vi, và có khả năng thu được lợi ích từ chuyên môn hóa. Do vậy, nếu Việt Nam muốn thành lập các khu kinh tế tự do mới thì cần học hỏi từ kinh nghiệm trước đây với các khu này và các bài học thành công và thất bại. Nhìn chung, những lý do cho sự thành công gồm có khả năng tận dụng lợi thế của các cụm kinh tế, giảm bớt chi phí sản xuất nhờ quy mô kinh tế, và thu được lợi ích từ chuyên môn hóa.
Tuy nhiên, đi cùng với mỗi câu chuyện thành công lại có một câu chuyện khác về sự thất bại, nên cần hết sức thận trọng khi quy hoạch các khu kinh tế tự do nếu muốn chúng trở thành một động lực tăng trưởng mới và là cơ sở để đổi mới thể chế cho Việt Nam. Có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ các thất bại cũng như thành công. Giống như rất nhiều kinh nghiệm quốc tế chứng minh, các khu kinh tế tự do có thể thất bại do một hoặc một số nguyên nhân như: Kết cấu hạ tầng bên ngoài khu kinh tế tự do thường không đầy đủ, khiến cho các khu này, kể cả khi phát triển thành công, vẫn là những vùng “trơ trọi” và chỉ có ít tác động lan tỏa đến những nơi còn lại trong khu vực hoặc quốc gia. Không có mạng lưới các nhà cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các khu kinh tế tự do đã thành lập. Các điểm yếu thể chế và quy định bao gồm không có khả năng cung cấp thủ tục một cửa cho các nhà đầu tư nằm trong khu kinh tế tự do, lại làm giảm sự hấp dẫn của các kinh tế tự do đối với nhà đầu tư. Xét đến số lượng và nhiều loại hình khu kinh tế tự do đang chào đón các nhà đầu tư với rất nhiều ưu đãi trong một khu vực, nên điểm yếu nói trên cũng có thể khiến các nhà đầu tư lựa chọn địa điểm khác để hoạt động.
Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được thành công với các khu kinh tế, Việt Nam cần tập trung vào điều kiện chung mang tính thuận lợi, vì những tình huống đặc biệt như ở trên có thể sẽ không lặp lại.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()