Để không bị đào thải trong cuộc đua việc làm
Có cơ hội tìm kiếm việc làm, được chia sẻ kinh nghiệm; biết mình cần có thái độ và chiến lược học tập ra sao trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) để không bị đào thải trong cuộc đua việc làm… là những điều sinh viên tìm thấy tại “Tuần nghề nghiệp và việc làm-NEU Career Week 2023” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức từ ngày 13 đến 26-3.
AI sẽ thay thế ai?
Đây vừa là câu hỏi, vừa là sự băn khoăn của không ít sinh viên chuẩn bị tham gia vào thị trường lao động. Hiện nay, AI đã và đang tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn tới đời sống con người và môi trường doanh nghiệp. Nó có thể tối ưu hóa lao động nhưng cũng có thể lấy đi việc làm của hàng triệu người, vậy người lao động trong tương lai cần phải chuẩn bị những gì?
Với xu hướng chuyển đổi số của xã hội và thị trường lao động, Tuần nghề nghiệp và việc làm đã mang tới nhiều chia sẻ, kinh nghiệm hữu ích cho gần 10.000 sinh viên các khối ngành kinh tế, quản lý, quản trị thuộc các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Các em đã có cơ hội tiếp xúc với gần 40 doanh nghiệp lớn tại sự kiện, từ đó hình thành định hướng cho các lựa chọn nghề nghiệp sau này.
Sinh viên và nhà tuyển dụng gặp nhau tại Tuần nghề nghiệp và việc làm 2023. |
Là một người đứng đầu doanh nghiệp lớn, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cho rằng, công nghệ đã thay đổi hoàn toàn luật chơi, sinh viên buộc phải tư duy lại vai trò của nhà trường với bản thân để tự mình tìm cách đáp ứng. “Những người làm tuyển dụng luôn kiểm tra năng lực mà hiện các trường đại học ít quan tâm, đó là năng lực tự học suốt đời của ứng viên. Ngày nay, kiến thức được cập nhật liên tục, thậm chí mới hơn rất nhiều những bài giảng của các thầy hiện nay. Công nghệ vài tháng thay đổi một lần, nếu sinh viên chỉ dùng những kiến thức học ở trường sẽ nhanh chóng thất nghiệp từ khi chưa ra trường. Điều quan trọng nhất lúc này là nhà trường dạy sinh viên năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển chứ không phải chỉ truyền đạt kiến thức”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.
Dù làm ở lĩnh vực nào, sinh viên cũng cần tích lũy những kỹ năng số để làm chủ công nghệ. Bà Nguyễn Huyền My, CEO Tập đoàn Intech nhấn mạnh: “Đây là công cụ rất hữu hiệu giải quyết những bài toán của ngành kinh tế như lên kế hoạch, chiến lược. Sinh viên ngày nay cần am hiểu nền kinh tế trải nghiệm, thấu cảm khách hàng và quản trị cảm xúc. Cùng với đó là rèn luyện một cơ thể khỏe mạnh, tích lũy nguồn năng lượng dồi dào để có một tinh thần sảng khoái, sẵn sàng nhận và hoàn thành công việc trong thời gian ngắn. Các em cần biết tiếng Anh như một ngôn ngữ để làm việc, vui chơi và giải trí; trang bị thêm những khóa học về phát triển sản phẩm, tích lũy trải nghiệm thực tế bằng cách tham gia các cuộc thi, dự án… Nếu không mở rộng cơ hội nghề nghiệp thì chắc chắn bạn sẽ bị bỏ lại phía sau”.
Tìm được câu trả lời cho những phân vân của bản thân, cũng như trau dồi thêm những thông tin hữu ích, Phạm Tuấn Đạt, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành kế toán, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho hay: “Qua những hoạt động tương tác với doanh nghiệp, em biết mình cần phải trang bị kiến thức và kỹ năng gì trong thời kỳ công nghệ số lên ngôi như hiện nay. Điều đó rất hữu ích cho sinh viên để không bị đào thải trong cuộc đua việc làm”. Dù mới là sinh viên năm thứ nhất, chuyên ngành kinh tế quốc tế, em Trần Nguyệt Hằng cũng tìm thấy những lời giải đáp cho mình ở sự kiện. Nguyệt Hằng nói: “Nắm bắt yêu cầu thực tế của vị trí việc làm mình muốn ứng tuyển giúp em có kế hoạch học tập đúng mục tiêu. Sự kết nối với doanh nghiệp cũng giúp em tìm được nơi thực tập trong thời gian tới”.
3 bên đều có lợi ích
Làm thế nào để thành công khi vừa ra trường cũng là câu chuyện thực tế của bản thân ông Hoàng Hữu Thắng, Tổng giám đốc, Chủ tịch Tập đoàn Intech cách đây 20 năm. Ông Hoàng Hữu Thắng cho rằng, việc tổ chức những tuần việc làm mang lại giá trị cho cả 3 bên tham gia là nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp. Sinh viên sẽ có bước đi đúng ngay từ những bước chân đầu tiên. Không chỉ các em mà doanh nghiệp cũng có cơ hội sàng lọc, tiết kiệm được thời gian khi tìm nguồn nhân lực phù hợp với vị trí việc làm.
Chia sẻ về những giá trị của sự kết nối 3 bên, Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và việc làm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho biết, đây là một hoạt động thường niên đã diễn ra gần 20 năm nay nhằm kết nối nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp, tăng cường gắn kết quá trình đào tạo với nhu cầu của xã hội. Hằng năm, các doanh nghiệp tuyển dụng khoảng 1.000 vị trí. Trong Tuần nghề nghiệp và việc làm có nhiều hoạt động như ngày hội tuyển dụng, hội thảo, tọa đàm, các buổi tư vấn-tuyển dụng riêng của doanh nghiệp… Tất cả hướng tới mục tiêu để sinh viên tiếp cận được với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Qua đó các em có thể tự đánh giá năng lực để định hướng, trang bị những kỹ năng cần thiết, tự tin đáp ứng những đòi hỏi của thị trường việc làm.
“Chúng tôi ghi nhận ý kiến phản hồi của nhà tuyển dụng như doanh nghiệp mong muốn gì ở người lao động, đề xuất bổ sung những môn học phù hợp, một số kỹ năng chuyên sâu cần trang bị. Họ cũng muốn có thêm phiên chợ việc làm trực tuyến hằng tháng, mở rộng thêm đối tượng với sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai vì nhiều vị trí lao động cần thực tập sinh. Qua đó, doanh nghiệp có thể phát hiện và bồi dưỡng nguồn nhân lực từ sớm”, ông Nguyễn Phương Linh cho hay.
Nhận định việc sinh viên tiếp xúc với doanh nghiệp là một hoạt động rất ý nghĩa, PGS, TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng đây là dịp để nhà trường đánh giá lại chương trình đào tạo có phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp, từ đó kịp thời điều chỉnh lại các nội dung đào tạo, bảo đảm sinh viên ra trường đều có việc làm, đúng nghề yêu thích. Thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số và sự thay đổi của thị trường lao động, nhà trường đã xây dựng nhiều chương trình đào tạo mới như quản trị điều hành thông minh, Digital Marketing, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng… Việc chuyển đổi số đang nhân rộng và đi vào các chương trình đào tạo của trường.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/de-khong-bi-dao-thai-trong-cuoc-dua-viec-lam-722628
Ý kiến ()