Để khoa học công nghệ thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội
Phát triển mô hình trồng hoa ly tại thành phố Lạng Sơn – Ảnh: TRÍ DŨNG |
Nhận thức của người dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã từng bước được nâng lên, người nông dân đã chủ động hơn trong việc sử dụng những cây, con giống mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn như ngô lai, lúa lai, đỗ tương, khoai tây, một số giống hoa…. Cùng đó đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp như sử dụng máy cày, máy bơm nước, máy tuốt lúa, máy phun thuốc có động cơ,… vào sản xuất. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được hình thành và nhân rộng như các dụng cụ thu hái sản phẩm, dụng cụ tẽ ngô, thái rau, hệ thống ròng rọc vận chuyển sản phẩm (thu hoạch na),..; phong trào xây dựng hầm khí biogas được nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường, cung cấp chất đốt phục vụ thiết thực trong đời sống nhân dân. Nhờ áp dụng các tiến bộ KHCN, công tác phát triển rừng đang phát huy hiệu quả, đã hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung. Một số mô hình sản xuất tiên tiến đã hình thành và có bước phát triển như: mô hình chăn nuôi lợn sạch, nuôi gà,… Một số sản phẩm đặc sản của tỉnh được xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận như: hồi, na, hồng Bảo Lâm đang được khai thác để đem lại hiệu quả kinh tế.
Trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành một số cơ sở sản xuất công nghiệp trọng điểm có hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại như Nhà máy xi măng Đồng Bành, Nhà máy nhiệt điện Na Dương… Việc đưa tiến bộ KHCN vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, quan tâm thực hiện. Trong thời gia qua, đã có nhiều kỹ thuật mới được nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh như: phương pháp chụp mạch qua da bằng kỹ thuật seldinger trên màn hình X quang tăng sáng truyền hình, góp phần tích cực trong điều trị u, bướu; triển khai thành công kỹ thuật đóng đinh nội tuỷ; kỹ thuật nẹp vít qua cuống để điều trị gãy xương cột sống lưng – thắt lưng; kỹ thuật điều trị thoát vị bẹn bằng phẫu thuật nội soi ổ bụng đặt lưới,…
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội đã cung cấp được cơ sở khoa học tạo tiền đề ban hành nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách. Đã tập trung nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đóng góp căn cứ khoa học, góp phần lý giải, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Nông dân xã Hợp Thành (Cao Lộc) đưa cây khoai Môn trồng xuống ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao – Ảnh: BT |
Để đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phục vụ tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, KHCN Lạng Sơn cần bám sát Quy hoạch phát triển Kinh tế – xã hội của tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế – xã hội và tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau:
Một là, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động số 91-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Hai là, tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 651/QĐ-UBND ngày 16/5/2013.
Ba là, tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ chủ lực của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012-2020”
Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đáp ứng có hiệu quả nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương. Xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng KHCN phát triển kinh tế tổng hợp đạt hiệu quả cao.
Năm là, tăng cường tuyên truyền vận động các doanh nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng thương hiệu, tạo dựng uy tín cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế.
Sáu là, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác trao đổi KHCN với các Viện, Trường, cơ quan KHCN các tỉnh, các nước trong khu vực; tìm kiếm công nghệ tiến bộ phù hợp, tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ thuận lợi đúng với quy định pháp luật nhằm tạo ra những cơ sở nòng cốt sản xuất theo trình độ công nghệ cao cho các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh. Hợp tác chặt chẽ với các tổ chức KHCN của tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
Bảy là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về KHCN trên mọi lĩnh vực. Kịp thời cụ thể hóa việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý về KH&CN tại địa phương.
Ý kiến ()