Để hồng Vành khuyên mãi ngọt, giòn
Ông Hoàng Văn Áy, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ thu hoạch vụ hồng Vành khuyên năm 2016 |
Quy trình trồng hồng Vành khuyên Văn Lãng bao gồm chọn giống, khai thác vật liệu giống, kỹ thuật gieo ươm, trồng và chăm sóc. Trong các khâu này, trồng và chăm sóc đóng vai trò quan trọng nhất bởi nó quyết định năng suất, chất lượng quả hồng.
Ông Đinh Long Xuyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Văn Lãng cho biết: Quả hồng Vành khuyên đạt chất lượng thì về cảm quan phải có mẫu mã đẹp, quả đồng đều. Về chỉ số phân tích, quả cần có độ Brix lớn hơn 22%, vitamin C lớn hơn 19%, tinh bột lớn hơn 7%, đường lớn hơn 19,5%, axit hơn hơn 1,4%. Trồng hồng đúng kỹ thuật, thời vụ và chăm sóc tốt sẽ có được chất lượng quả theo yêu cầu.
Qua nghiên cứu của ngành chức năng và kinh nghiệm người trồng hồng Vành khuyên ở Văn Lãng thì thời vụ trồng tốt nhất là tháng 11 và 12 âm lịch hằng năm. Thời điểm này thường khô hạn kéo dài, vì thế để cây có tỷ lệ sống cao, sau trồng cần giữ ẩm liên tục đến khi có mưa xuân. Muốn cây sau khi trồng được giữ ẩm lâu nên tưới đẫm nước cho cây và dùng lá cây phủ vào gốc sau khi trồng. Đây là cây lâu năm nên đảm bảo mật độ trồng hợp lý nhất là 400 cây/ha (5x5m/cây) hoặc 330 cây/ha (5x6m/cây), 270 cây/ha (6x6m/cây). Để hạn chế mối xâm hại, trước khi trồng cần dọn sạch thực bì trên mặt đất. Sau thời kỳ “ngủ đông”, cây hồng cần rất nhiều dinh dưỡng, do đó, hằng năm cần bón phân để cây đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt và sai quả. Phân bón cho cây gồm NPK, phân chuồng hoai mục, nước giải… 3 năm đầu, cây cần được bón phân thường xuyên. Từ năm thứ 4 trở đi, bón 2 lần/năm vào thời điểm bón thúc chồi trước khi cây ra mầm vụ xuân và bón sau thu hoạch (tháng 9-10 âm lịch). Hồng Vành khuyên thường bị rệp sáp, sâu ăn lá và bệnh thán thư, rụng quả. Để phòng trừ, hiện nay đã có một số loại thuốc bán trên thị trường được người dân sử dụng.
Ông Hoàng Văn Hiển, thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ chia sẻ: Khi thu hoạch, hái đúng độ chín thì quả sẽ ngọt, giòn hơn. Nên hái quả vào buổi sáng hoặc chiều mát để quả tươi, ngon không bị héo. Khi hái xuống loại quả này thường chát, chưa thể ăn ngay. Muốn quả hết chát và ngọt, ăn được cần ngâm hồng ngập trong nước sạch (không được ngâm bằng nước mưa) 3 ngày 3 đêm. Cứ 1,5 ngày phải thay nước 1 lần.
Hồng vành khuyên là loại cây bản địa ở Văn Lãng. Hiện nay, tổng diện tích hồng Vành khuyên toàn huyện trên 650 ha. Cây được trồng tại 20 xã, thị trấn trong toàn huyện, trong đó nhiều nhất ở xã Tân Mỹ và các xã lân cận. Năm 2016, huyện Văn Lãng thu gần 1.500 tấn hồng Vành khuyên, đem lại giá trị gần 20 tỷ đồng cho người trồng hồng. Ngày 21/9/2016, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định cấp bằng bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh “Văn Lãng” cho sản phẩm quả hồng Vành khuyên. Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Lãng cho biết thêm: Để hồng Vành khuyên luôn đảm bảo chất lượng, giữ vững thương hiệu của mình, thời gian tới, phòng và các ngành liên quan tăng cường tư vấn cho bà con nông dân trồng hồng đúng quy trình kỹ thuật; không nên vì lợi nhuận mà trồng ồ ạt, không tính đến các yếu tố lâu dài gây ảnh hưởng đến chất lượng quả hồng.
Ý kiến ()