Để học sinh không bị bỏ rơi trong giờ học
Nếu dự giờ là lúc giáo viên cố gắng tạo ra một tiết học tròn trĩnh để tránh bị bắt lỗi thì việc sinh hoạt chuyên môn theo cách nghiên cứu bài học lại là cơ hội để đồng nghiệp được học hỏi lẫn nhau.
Hướng đi mới trong kế hoạch nâng cao chất lượng dạy học được bà Đào Như Trang, chuyên gia giáo dục của tổ chức Plan chia sẻ trong buổi hội nghị Xã hội học tập của VVOB- Tổ chức hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ.
Bà Đào Như Trang và cộng sự |
Nhiều diễn giả trong phiên thảo luận về chủ đề giáo viên cho biết, các thầy cô giáo mà họ quản lý rất ngại những tiết dự giờ. Đó gần như là một tiết học mà cả thầy trò đều trình diễn để những khán giả khó tính là các đồng nghiệp đang ngồi phía dưới chăm chú quan sát để bắt lỗi. Việc này đã làm cho tiết học mang tính hình thức và giáo viên cảm thấy mệt mỏi hơn là học được một điều gì đó từ đồng nghiệp.
Vì vậy, phương pháp sinh hoạt chuyên môn mới mà bà Đào Như Trang đưa ra được nhiều khan giả hưởng ứng. Bà Trang hướng dẫn mọi người: “Các bạn hãy quan sát lớp học này. Bắt đầu vào buổi học, các em rất vui vẻ. Sau 10 phút, một số em đã lơ đãng. Sau 20 phút, có em đã ngáp. Sau 30 phút, có em đã trả lời một cách chắc chắn rằng phép tính cộng hai chữ số này có kết quả bằng 10 là đúng. Chỉ trừ một vài em ngồi bàn đầu và gần cô giáo, rất nhiều học sinh khác đã bị bỏ rơi.”
Đây là cách sinh hoạt chuyên môn mà bà Đào Như Trang nói rằng, giáo viên cần có cơ hội học hỏi lẫn nhau trên cơ sở trải nghiệm thực sự thông qua quá trình quan sát- suy ngẫm và chia sẻ thực tế. Ngay từ đầu, muốn cách sinh hoạt chuyên môn này không gây áp lực cho giáo viên thì đồng nghiệp và người quản lý không lấy những tiết dạy mẫu này để làm tiêu chí đánh giá. Đây được coi là tài liệu mẫu quý giá để các giáo viên cùng nghiên cứu và chia sẻ trên tinh thần xây dựng.
Hơn cả như vậy, các giáo viên không chỉ hiểu về hoạt động dạy mà còn nhìn nhận lại hoạt động học, giúp họ phân tích từng học sinh, tránh cái nhìn học sinh chung chung và đừng để các em bị bỏ rơi.
“Làm được những điều này thì giáo viên phải rèn luyện cho mình một khả năng quan sát rất tinh tế. Bên cạnh đó, nhận thức, kỹ năng và văn hóa học hỏi lẫn nhau trong nhà trường sẽ thay đổi rất nhiều” – bà Trang trao đổi – “Thế thì phải mất bao lâu để áp dụng được phương pháp sinh hoạt chuyên môn này?”
Trước khi hướng dẫn về phương pháp này ở những trường có dự án của tổ chức Plan, bà Trang cho hay câu trả lời của các chuyên gia là: “Phải mất khoảng 200 buổi mới chỉ để nhận ra vấn đề!”
Trên thực tế, cộng sự của bà Trang là nhà quản lý của các trường có dự án cho biết, trường của họ đã thực hiện được 2 năm qua nhưng vẫn mới chỉ là bắt đầu. Nhiều thay đổi đã diễn ra trong thái độ, phương pháp sinh hoạt chuyên môn và chất lượng dạy học nhưng để hình thành một văn hóa như vậy trong nhà trường thì cần một thời gian dài.
PGS.TS Trần Trung Ninh, trưởng bộ môn phương pháp giảng dạy Hóa học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, ông đã hướng dẫn một bộ phận sinh viên thực tập sinh hoạt chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học. Họ trở nên hào hứng và tiến bộ hơn về nghiệp vụ sư phạm.
Theo ông Ninh, về mặt phương pháp, thay đổi sinh hoạt chuyên môn bằng cách này là cần thiết và nên làm ngay, nhưng chắc chắn không thể làm vội.
Ý kiến ()