Ðể hoạt động đầu tư ra nước ngoài đi đúng hướng
Năm 1989, Việt Nam bắt đầu tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) với dự án đầu tư tại Nhật Bản có số vốn đăng ký hơn 563 nghìn USD. Từ đó đến nay, hoạt động ĐTRNN của Việt Nam tăng nhanh cả về số lượng dự án cũng như tổng vốn đầu tư đăng ký, vốn thực hiện.Tuy nhiên, với đặc thù quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu trực tiếp, giá trị nhập siêu còn cao, cán cân thanh toán quốc tế chưa được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ còn mỏng... cho nên hoạt động ĐTRNN vẫn tiếp tục cần được kiểm soát để có thể điều tiết dòng tiền ra vào hợp lý, bảo đảm cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.Vươn ra thị trường thế giớiTập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) vừa thắng thầu giấy phép viễn thông tại Pê-ru. Với giấy phép này, Viettel dự kiến sẽ đầu tư số tiền lên tới 400 triệu USD trong vòng 10 năm để xây dựng hạ tầng mạng lưới và tổ chức kinh doanh viễn thông tại Pê-ru. Như vậy, cùng với Cam-pu-chia,...
Tuy nhiên, với đặc thù quy mô nền kinh tế còn nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu trực tiếp, giá trị nhập siêu còn cao, cán cân thanh toán quốc tế chưa được bảo đảm, dự trữ ngoại tệ còn mỏng… cho nên hoạt động ĐTRNN vẫn tiếp tục cần được kiểm soát để có thể điều tiết dòng tiền ra vào hợp lý, bảo đảm cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.
Vươn ra thị trường thế giới
Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) vừa thắng thầu giấy phép viễn thông tại Pê-ru. Với giấy phép này, Viettel dự kiến sẽ đầu tư số tiền lên tới 400 triệu USD trong vòng 10 năm để xây dựng hạ tầng mạng lưới và tổ chức kinh doanh viễn thông tại Pê-ru. Như vậy, cùng với Cam-pu-chia, Lào, Ha-i-ti và Mô-dăm-bích, Pê-ru trở thành thị trường nước ngoài thứ năm của Viettel với bốn dự án ĐTRNN đang triển khai (ba dự án tại Cam-pu-chia, một dự án tại Lào có tổng vốn đầu tư 190,64 triệu USD) và hai dự án đầu tư mới được cấp phép tại Ha-i-ti và Mô-dăm-bích. Năm 2010, doanh thu viễn thông từ thị trường Cam-pu-chia và Lào của Viettel là hơn 220 triệu USD, trong đó Cam-pu-chia đạt 161 triệu USD, tăng 2,8 lần so với năm 2009 và Lào gần 61 triệu USD, tăng 4,5 lần. Những thành công bước đầu tại các thị trường nước ngoài đã thôi thúc Tập đoàn này không ngừng nỗ lực, thăm dò, tìm kiếm những địa bàn đầu tư mới và ĐTRNN đã trở thành chiến lược quan trọng của Viettel.
Không chỉ Viettel, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam khác đã ngày càng lớn mạnh, vươn rộng ra thị trường thế giới, từng bước tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, góp phần khẳng định vị thế của DN Việt Nam trên trường quốc tế. Chẳng hạn như Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đến nay đã đầu tư, góp vốn vào 24 dự án dầu khí ở 17 nước trên thế giới và ba dự án khoáng sản tại Lào; Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam hiện có năm dự án đầu tư tại Lào và Cam-pu-chia; Tập đoàn công nghiệp Cao-su Việt Nam có 16 dự án đầu tư tại nước ngoài… Ngoài ra, ĐTRNN của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh cũng có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư nhiều dự án quy mô lớn tại Lào và Cam-pu-chia. Một số DN khác tranh thủ giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu để đầu tư mua lại một số cửa hàng kinh doanh, cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ tại Hoa Kỳ, châu Âu, Ô-xtrây-li-a… Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 1989 – 2010, các DN Việt Nam đã đầu tư hơn 558 dự án tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 8,3 tỷ USD, quy mô bình quân 15,04 triệu USD/dự án. Điểm đến của các DN Việt Nam không chỉ là các thị trường quen thuộc như Lào, Cam-pu-chia, Nga… mà còn mở sang cả những quốc gia vốn là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ô-xtrây-li-a, châu Âu, châu Phi…
Tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động ĐTRNN
Có thể nói, hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam khá sôi động trong mấy năm gần đây. Phần lớn các dự án đầu tư quy mô lớn đang trong giai đoạn đầu của quá trình đầu tư cho nên hiệu quả kinh tế chưa lớn. Các dự án ĐTRNN đều thuộc những lĩnh vực nước ta đang cần như khai thác khoáng sản; thủy điện; trồng cây công nghiệp; viễn thông; hàng không… Các dự án đầu tư của Việt Nam trong những lĩnh vực này đã và đang phát huy hiệu quả tại thị trường các nước. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số dự án đầu tư quy mô lớn chậm được triển khai hoặc thời hạn thực hiện dự án kéo dài hơn so với dự kiến làm ảnh hưởng tiến độ đầu tư cũng như giảm hiệu quả đầu tư. Một số dự án chưa tính toán hết được các yếu tố rủi ro cả về quy mô vốn, thị trường, điều kiện về thủ tục pháp lý, các rào cản về ngôn ngữ, văn hóa… cho nên khi thực hiện gặp khó khăn, một số dự án đi vào hoạt động hiệu quả không cao. Nhìn vào cơ cấu vốn ĐTRNN, có thể thấy, các dự án ĐTRNN quy mô lớn đều mang tính dài hạn, tập trung vào các lĩnh vực có thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả đầu tư chưa lượng hóa cụ thể (khai khoáng, dầu khí, trồng cao-su, điện). Các dự án này chiếm tới 71% vốn đầu tư đã chuyển ra nước ngoài. Chỉ riêng lĩnh vực khai khoáng cũng có số vốn đầu tư lớn nhất với 87 dự án có tổng vốn đầu tư đạt 4,05 tỷ USD, chiếm 15% số dự án và 48% tổng vốn ĐTRNN. Trong khi đó, một số lĩnh vực như nghệ thuật, giải trí, tài chính ngân hàng, bất động sản (không thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại đề án Thúc đẩy đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-2-2009) cũng đã thực hiện ĐTRNN với tỷ lệ tương đối cao. Đặc biệt, gần đây xuất hiện xu hướng đầu tư mang tính chất mua sắm tài sản cố định như nhà, đất, các tài sản khác có giá trị ở nước ngoài để phục vụ cho mục tiêu định cư, học tập hoặc sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Đây là hoạt động chi tiêu mà nước ta chưa khuyến khích nhằm hạn chế dòng tiền chảy ra bên ngoài trong điều kiện Việt Nam đang cần vốn, ngoại tệ phục vụ mục tiêu phát triển.
Trước thực tế này, đòi hỏi hoạt động ĐTRNN cần tiếp tục được quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm cho việc ĐTRNN có trọng tâm, trọng điểm, đúng định hướng và đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi, môi trường pháp lý thông thoáng cho các DN khi tiến hành ĐTRNN bằng cách tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hệ thống pháp luật, chính sách về ĐTRNN thì công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTRNN cũng cần được tăng cường, đặc biệt đối với dòng vốn ĐTRNN có sử dụng vốn nhà nước, ngăn chặn nguy cơ đầu tư dàn trải, không hiệu quả, gây thất thoát vốn Nhà nước. Nghị định 78/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài được ban hành từ năm 2006. Đến nay, điều kiện, hoàn cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi cho nên nghị định này cần nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế, theo hướng tiếp tục đơn giản hóa thủ tục ĐTRNN, mở rộng quy mô dự án thuộc diện đăng ký và quy định cụ thể ngành nghề, lĩnh vực khuyến khích, hạn chế, cấm ĐTRNN…
Theo Nhandan
Ý kiến ()