Để hoa đào trở thành thương hiệu của xứ Lạng
LSO-Từ lâu, xứ Lạng vẫn được giới văn nghệ sĩ coi là xứ sở của hoa đào và hoa đào đã đi vào nhiều áng văn, thơ nổi tiếng. Khi tết đến xuân về, mỗi cơ quan, đơn vị và gia đình đều chỉ quan tâm đến việc chọn một cành đào hay một cây đào đang nở hoa để trang trí trong nhà thêm phần rực rỡ mà chưa quan tâm xem cần làm thế nào để hoa đào trở thành thương hiệu của xứ Lạng?
Khách tham quan Hội hoa đào Xứ Lạng năm 2017 |
Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 31/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong đó có việc thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, tăng trưởng kinh tế bền vững, thông qua việc hình thành một số vùng không gian văn hoá để tiến tới xây dựng thương hiệu các vùng không gian văn hoá tiêu biểu của tỉnh đang là vấn đề cần được các cấp, ngành quan tâm vào cuộc. Một trong những nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tỉnh ta coi phát triển giá trị hoa đào nhằm tạo điểm nhấn trong hoạt động đón xuân thu hút khách thập phương.
Cây đào được nhân dân trồng phân bố ở hầu hết các huyện và thành phố trong tỉnh, tuy nhiên tập trung trồng nhiều ở một số địa bàn như: Hoàng Đồng, Quảng Lạc, Mai Pha (thành phố Lạng Sơn); Hợp Thành, Gia Cát, Song Giáp (huyện Cao Lộc); Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình)… Hiện nay, diện tích trồng cây đào chưa được nhân rộng bởi quả đào đem lại hiệu quả kinh tế chưa cao, chỉ có quả đào Mẫu Sơn đã có thương hiệu và có giá trị kinh tế. Nắm bắt tâm lý và sở thích của người dân muốn có cành đào đẹp để trang trí ngày tết, một số hộ dân đã hình thành tư duy phát triển vườn đào để bán trong dịp tết. Hiện số lượng vườn trồng cây đào để bán cây và cành phục vụ trang trí trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; cây đào được phát triển mang tính tự phát và manh mún; trồng chủ yếu ở bờ vườn, khu đất trống, bãi ven đồi hay trước cửa nhà. Những hộ gia đình kinh doanh cây đào thực sự và có nguồn thu nhập cao trên địa bàn tỉnh cũng chưa hình thành rõ nét.
Chủ trương của tỉnh nhân rộng diện tích cây đào nhằm tạo ra thương hiệu của vùng hoa đào. Mỗi khi xuân về, dọc các tuyến đường, các địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ở đâu cũng thấy hoa đào rực rỡ. Với chủ trương đó, đầu năm 2017, tỉnh đã tổ chức Hội hoa đào với quy mô lớn, thông qua sự kiện này nhằm động viên, tôn vinh các hộ gia đình trồng đào; đồng thời phát động phong trào trồng đào ở khắp các địa bàn. Mỗi cơ quan, đơn vị và hộ gia đình cần tìm những khoảng đất trống để trồng đào. Cùng với đó, ngành văn hóa đã tổ chức hội thảo “Bảo tồn, phát huy các giá trị hoa đào Lạng Sơn”. Hội thảo đã thông qua kế hoạch triển khai xây dựng đề án bảo tồn, phát triển những giá trị văn hoá hoa đào và tổ chức lễ hội hoa đào xứ Lạng giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo. Nhằm thực hiện đề án, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 184/KH-UBND về tổ chức “Lễ hội hoa đào xứ Lạng xuân Mậu Tuất lần thứ nhất, năm 2018”. Chủ đề của lễ hội năm nay là tạo ra một không gian “Rực rỡ hoa đào xứ Lạng”, từ ngày 10/2 đến 15/3/2018. Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2018, hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia, tỉnh sẽ tổ chức lễ hội hoa đào, đây sẽ là điểm nhấn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, hưởng thụ các hoạt động văn hoá tinh thần, kết hợp du lịch và trải nghiệm các hoạt động đón xuân trên địa bàn tỉnh.
Việc phát triển cây đào từng bước tạo lập thương hiệu là một định hướng mang tính lâu dài cần được các ngành, các địa phương và hộ gia đình hưởng ứng tích cực. Tại hội thảo “Bảo tồn, phát huy các giá trị hoa đào Lạng Sơn lần thứ nhất” tổ chức ngày 27/4/2017, đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm như: cần đánh giá, làm rõ giá trị, ý nghĩa của cây hoa đào đối với đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân các dân tộc Lạng Sơn. Thông tin các kết quả nghiên cứu khoa học bảo tồn gen giống cây đào trong những năm qua; định hướng quy hoạch và phát triển đào trở thành thương hiệu; xây dựng đề án bảo tồn, phát triển giá trị văn hoá hoa đào; công tác nghiên cứu khoa học bảo tồn các loại giống hoa đào…
Trên cơ sở định hướng của tỉnh, giải pháp nào để khuyến khích các hộ gia đình tự giác phát triển vùng cây đào là những vấn đề cần được suy ngẫm. Theo quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu tại hội thảo đã chỉ ra: Nhà nước cần xây dựng khu quy hoạch trồng đào và hình thành các vườn ươm cây giống phục vụ phong trào trồng đào; nghiên cứu bảo tồn giống gen cây đào có sức phát triển tốt; các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình trồng đào tập trung…
PHAN CẦU
Ý kiến ()