Ðể hàng Việt đứng vững ở thị trường châu Mỹ
Theo đánh giá của Bộ Công thương, những năm gần đây, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với châu Mỹ liên tục không ngừng phát triển. Cùng với đó, hàng hóa của Việt Nam cũng bước đầu đã thâm nhập tốt vào thị trường này và được người dân sở tại đón nhận. Dù dư địa thị trường còn rất lớn, nhưng để tận dụng hiệu quả những cơ hội trước mắt, doanh nghiệp Việt cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường.
Tăng trưởng cao nhất
Thời gian qua, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng đã và đang được thiết lập để tạo nền tảng tích cực cho phát triển hợp tác kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ như Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ ký năm 2000; FTA với Chi-lê ký năm 2011; Hiệp định thương mại với Cu-ba ký năm 2018; Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ký năm 2018 và có hiệu lực năm 2019, trong đó có Ca-na-đa, Pê-ru và Mê-hi-cô là những quốc gia lần đầu có quan hệ tự do thương mại với Việt Nam. Hiện nay, FTA với Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) cũng đang được trao đổi về khả năng đàm phán. Chính vì thế, những năm gần đây, châu Mỹ liên tục là khu vực đạt mức tăng trưởng kim ngạch thương mại cao nhất trong các đối tác của Việt Nam. Thứ trưởng Công thương Ðỗ Thắng Hải cho biết, giá trị thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước châu Mỹ trong vòng 10 năm qua đã tăng 3,5 lần, từ 28 tỷ USD vào năm 2011 lên 96,8 tỷ USD vào năm 2019; trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Mỹ đạt 73,6 tỷ USD và nhập khẩu từ châu Mỹ đạt hơn 23,2 tỷ USD. Bước sang năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19, nhưng trong tám tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai bên vẫn đạt 69,3 tỷ USD, tăng 11,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,9% so cùng kỳ năm 2019.
Ðặc biệt, trong năm đầu tiên thực hiện CPTPP, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu thâm nhập được vào một số thị trường mới trong khối, nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, như xuất khẩu hàng dệt may sang Ca-na-đa năm 2019 tăng 21,9% so năm 2018; sang Mê-hi-cô tăng 19,4%; sang Pê-ru tăng 24%. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ca-na-đa Ðỗ Thị Thu Hương thông tin, doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Ca-na-đa do Chính phủ nước này những năm gần đây theo đuổi chính sách đa dạng hóa thương mại. Không chỉ thương chiến Mỹ – Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược thị trường của một số doanh nghiệp Ca-na-đa, dịch Covid – 19 cũng làm lộ mặt trái của chuỗi cung ứng, khiến doanh nghiệp nước này phải xem xét lại và có nhu cầu thiết lập chuỗi cung ứng mới. Trong khi đó, giữa Việt Nam và Ca-na-đa là nền kinh tế mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp, nhất là với nông sản, thực phẩm, năng lượng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội để gia nhập danh sách các nhà cung ứng đáng tin cậy tại đây. TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) nhận định, trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam giảm sút ở nhiều thị trường, riêng xuất khẩu vào thị trường các nước châu Mỹ vẫn là điểm sáng. Ðây là yếu tố quan trọng để khẳng định triển vọng sắp tới của các thị trường này.
Doanh nghiệp cần nỗ lực
Dù châu Mỹ là thị trường rất tiềm năng, nhưng con đường thâm nhập vào thị trường này của doanh nghiệp Việt cũng có không ít trở ngại. Theo các chuyên gia, trước hết phải kể đến khoảng cách xa xôi về địa lý, giao thông bởi hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam tới nhiều quốc gia châu Mỹ. Bên cạnh đó, ngôn ngữ cũng là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế cho thấy, việc tìm hiểu về phong tục, tập quán, kinh nghiệm kinh doanh, mặt hàng là hết sức quan trọng và cũng có thể nói là sống còn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Thứ trưởng Ðỗ Thắng Hải, hiện thị trường châu Mỹ rất ưa chuộng các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, trái cây,… của Việt Nam. Song doanh nghiệp của chúng ta lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện tại thị trường này như kiểm dịch, chất lượng an toàn thực phẩm, phong tục tập quán,… Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được quy định về nhập khẩu hàng hóa, quy định về chất lượng an toàn thực phẩm và nhiều quy tắc đặc thù của thị trường châu Mỹ. Vì vậy, thời gian tới, các doanh nghiệp cần tập trung tìm hiểu kỹ lưỡng để đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Nói riêng về thị trường Hoa Kỳ, là thị trường hiện chiếm khoảng 90% kim ngạch xuất khẩu hàng Việt sang châu Mỹ, Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ Bùi Huy Sơn cho biết, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng từ quý III, chi tiêu tại thị trường này đã tăng dần, là tín hiệu rất quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Có thể nói, một thị trường nhập khẩu hơn 2.000 tỷ USD hàng hóa/năm, lại đang có những dịch chuyển mạnh mẽ về chuỗi cung ứng hàng hóa, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, tạo dư địa khai thác lớn cho các doanh nghiệp Việt tham gia mạnh hơn vào chuỗi cung ứng mới. Nhưng để đón bắt sự chuyển dịch mới của chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn chất lượng và hiệu quả chứ không chỉ đơn giản chăm chăm “săn tìm” cơ hội thị trường để bán hàng trong một thời gian ngắn. Cụ thể, doanh nghiệp cần nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của thị trường trong tình hình mới, luôn theo sát diễn biến thị trường và chính sách để kịp thời ứng phó. Cùng với đó, tập trung hoàn thiện sản phẩm cũng như thúc đẩy xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu qua kênh phân phối trực tiếp hoặc trực tuyến. Mặt khác, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia hợp tác đầu tư, kinh doanh với các đối tác Hoa Kỳ cũng như nhiều nước khác để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Và nếu doanh nghiệp đã có được năng lực cạnh tranh cao, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sẽ luôn mở ra những cơ hội mới không chỉ gắn với Hoa Kỳ mà còn có nhiều thị trường và nhà cung cấp khác, nhất là thị trường các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ rất tiềm năng.
Ý kiến ()