Để hạ nhiệt giá dầu, Nhật Bản tiếp tục xả kho dự trữ quốc gia
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Kishida Fumio thông báo Nhật Bản sẽ “xả”15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia, mức cao kỷ lục, trong chiến dịch của IEA.
Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ngày 22/4 thông báo nước này sẽ tiến hành đấu giá 4,8 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia vào ngày 10/5 tới, một phần trong nỗ lực do Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) điều phối để hạ nhiệt giá dầu.
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Kishida Fumio thông báo Nhật Bản sẽ “xả”15 triệu thùng dầu từ kho dự trữ quốc gia, mức cao kỷ lục, trong chiến dịch của IEA.
Sáu triệu thùng dầu sẽ đến từ các kho dự trữ tư nhân và 9 triệu thùng từ kho dự trữ quốc gia.
Tính đến cuối tháng Một, kho dự trữ của Nhật Bản có khoảng 470 triệu thùng dầu, tương đương 236 ngày tiêu dùng trong nước, với dầu được trữ trong các kho dự trữ quốc gia, bồn chứa của các nhà lọc dầu tư nhân ở địa phương và theo cơ chế dự trữ dầu chung với các nước sản xuất.
Thông báo của Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản cho biết bước đầu sẽ có 1 triệu thùng được xả từ kho dự trữ ở Kiire, 1,8 triệu thùng từ kho Shirashima, và 2 triệu thùng từ kho Kamigoto. Tất cả đều ở miền Nam Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch xả nốt 4,2 triệu thùng dầu trong kho dự trữ quốc gia sớm nhất có thể và sẽ không mua lại trong vòng 6 tháng như đã nhất trí với các nước thành viên IEA.
Quyết định mua lại sẽ chỉ được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố như quan điểm của IEA, diễn biến khủng hoảng Ukraine và giá dầu thế giới.
Hồi đầu tháng Tư, các nước IEA đã nhất trí xả 60 triệu thùng dầu từ kho dự trữ trong động thái phối hợp với nỗ lực xả kho 180 triệu thùng được Mỹ thông báo hồi cuối tháng Ba nhằm hạ nhiệt giá dầu thế giới sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Cũng liên quan đến ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Ukraine, Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản Hagiuda Koichi cùng ngày nhận định, nếu Tokyo rút khỏi các dự án năng lượng Sakhalin ở Nga và bán cổ phần cho Nga hoặc một nước thứ ba, động thái này sẽ làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và mang lại lợi ích cho Nga.
Bình luận trên được đưa ra một ngày sau khi tờ Telegraph đưa tin tập đoàn Shell đang đàm phán với một số công ty Trung Quốc về việc bán cổ phần tại dự án khí đốt hóa lỏng Sakhalin-2 tại Nga do các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moskva.
Hồi tuần trước, ông Hagiuda cũng khẳng định Tokyo có ý định tiếp tục giữ cổ phần tại 2 dự án khí đốt Sakhalin-1 và Sakhalin-2 ở Nga./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()