Để góp phần giảm tai nạn thương tích ở trẻ em
LSO-Trong nhiều năm qua, các ban, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em. Tuy nhiên, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ trên địa bàn đã gặp không ít khó khăn thử thách.
LSO-Trong nhiều năm qua, các ban, ngành chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn thương tích ở trẻ em. Tuy nhiên, việc phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ trên địa bàn đã gặp không ít khó khăn thử thách. Nếu có sự quan tâm chú ý hơn của người thân trong gia đình, hoặc khi các em vui chơi có người lớn giám sát thì sẽ hạn chế được tối đa những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với trẻ.
Trẻ em ở xã Thạch Đạn, Cao Lộc – Ảnh: THANH SƠN |
Thực tế cho thấy, tai nạn thương tích vẫn đang xảy ra trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là đối với trẻ em. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tỷ lệ tai nạn thương tích ở trẻ em trên địa bàn tỉnh tương đối cao, chiếm 10% tai nạn thương tích chung của tỉnh. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh có 157 trường hợp trẻ dưới 15 tuổi bị tai nạn thương tích, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Nhiều nhất là trẻ bị ngã 94 trường hợp, 50 trẻ bị tai nạn giao thông, 31 trẻ bị tai nạn do lao động, 14 trẻ tai nạn do bỏng và 27 trẻ bị tai nạn do các thương tích khác.
Sở dĩ tình trạng tai nạn thương tích ở trẻ em có số mắc tương đối cao là do trẻ em hiếu động, luôn vận động vui chơi, muốn tìm hiểu mọi thứ xung quanh mình. Bên cạnh đó, trẻ không được người lớn chăm sóc cẩn thận nên dễ bị các tai nạn thương tích. Bác sỹ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các dạng thương tích của trẻ phổ biến theo từng lứa tuổi. Ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường mắc các tai nạn thương tích như ngã, bỏng do nước sôi hoặc các thức ăn và một số thương tích do chơi các đồ chơi không đảm bảo an toàn. Đối với trẻ ở lứa tuổi học đường, do đùa nghịch bất cẩn trẻ dễ bị các tai nạn thương tích như: ngã, bỏng và tai nạn giao thông. Các trẻ lớn là những đối tượng tự chơi với bạn bè, nhiều khi rủ nhau đi tắm sông, tắm suối mà không có người lớn đi theo giám sát nên thường mắc các tai nạn thương tích do tai nạn giao thông, đuối nước…”
Tai nạn thương tích là những sự việc bất ngờ xảy ra làm tổn thương đến cơ thể, gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Tai nạn thương tích đã và đang trở thành một vấn đề của cả cộng đồng, đe dọa đến sự phát triển của trẻ nhỏ. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, năm 2012, có hơn 1,2 triệu trường hợp mắc tai nạn thương tích tại 57 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Tỷ suất mắc tai nạn thương tích chung trong năm 2012 là 1594 trường hợp trên 100 nghìn dân, tăng 44,9 trường hợp trên 100 nghìn dân so với năm 2011. Trong đó tỷ suất mắc tai nạn thương tích ở lứa tuổi từ 15 đến 19 tuổi là 2054 trường hợp trên 100 nghìn dân. Lứa tuổi từ 5 đến 14 tuổi là 928,4 trường hợp trên 100 nghìn dân. Đối tượng mắc tai nạn thương tích là học sinh sinh viên chiếm 16,8% tổng số mắc trong cả nước. Trong đó tỷ lệ tai nạn thương tích do tai nạn giao thông đứng hàng đầu – chiếm 40,2%
Trẻ em là tương lai của đất nước. Để hạn chế tai nạn thương tích ở trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi những tai nạn đáng tiếc là trách nhiệm của cả cộng đồng. Trách nhiệm đó phải được bắt nguồn từ việc nâng cao ý thức cũng như sự quan tâm của mỗi gia đình, mỗi người dân trong việc bảo vệ con em trước những nguy cơ tai nạn. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường xây dựng các điểm vui chơi an toàn, lành mạnh. Đồng thời trang bị cho trẻ những kiến thức để phòng, tránh khi gặp sự cố bất ngờ. Có như vậy mới góp phần tạo cho trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn và lành mạnh, hạn chế tối đa số lượng tai nạn thương tích cũng như những ảnh hưởng của tai nạn thương tích đối với sự phát triển toàn diện ở trẻ em.
ĐỖ TUẤN
Ý kiến ()