Ðể giáo viên gắn bó với nghề
Giờ học môn tin học của sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường cao đẳng nghề Việt – Xô (Vĩnh Phúc). |
Ngày biết mình được tuyển dụng vào Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, thầy giáo trẻ Nguyễn Mạnh Hà ở huyện Tam Đảo không biết nên vui hay buồn. Được trở thành giáo viên chính là ước mơ, tâm nguyện của thầy giáo Hà, hơn nữa lại được dạy ở một trong những ngôi trường điểm về giáo dục là điều mơ ước của không biết bao nhiêu giáo viên. Song, nhìn vào quãng đường xa hàng chục cây số, với đồng lương ít ỏi, chưa đủ để trang trải cho việc đi lại chứ chưa nói tới cuộc sống và những chi phí sinh hoạt khác, thầy Hà cũng có không ít tâm tư. Hiểu được khó khăn, cũng như để giữ người thầy giỏi, Ban Giám hiệu nhà trường cùng với tổ chức công đoàn đã giúp đỡ, tạo điều kiện sửa sang lại căn phòng tập thể cũ để những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn được sinh hoạt ngay tại trường. Ngoài khoản lương, chế độ theo quy định, các thầy giáo, cô giáo còn được nhà trường hỗ trợ khoảng một triệu đồng/năm… Buổi lên lớp đầu tiên cũng là ngày thầy giáo trẻ Nguyễn Mạnh Hà được dọn về nơi ở mới. Một giải nhất, hai giải nhì quốc gia và một Huy chương đồng quốc tế môn Sinh học, cùng nhiều giải thưởng khác, đó là sự đóng góp cũng là câu trả lời để đền đáp lại những sự giúp đỡ của nhà trường đối với thầy. Ngôi trường mới, chỗ ở ổn định đã giúp thầy Hà tiếp tục đứng lớp, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình.
“Bọn em ở đây vui lắm!”, ba cô giáo trẻ vừa nấu cơm vừa trò chuyện với chúng tôi. Trong căn phòng nhỏ được nhà trường cho mượn, hằng ngày sau khi lên lớp Lê Thị Oanh, Trần Thị Thu Trà, Trần Thị Nguyên còn là những “nông dân” chính hiệu, trực tiếp nuôi lợn, trồng rau vừa là nguồn cung cấp thức ăn bảo đảm vệ sinh, vừa để tăng thu nhập. Đây là hình thức mà Trường Mầm non Hoa Hồng ở Vĩnh Yên tạo ra nhằm giúp những giáo viên của trường cải thiện, tăng thêm thu nhập. Ngoài hình thức đó, nhà trường còn xây dựng quỹ hỗ trợ từ 400 đến 500 nghìn đồng/tháng cho những giáo viên ngoài biên chế. Số tiền đó tuy chưa nhiều, nhưng đã kịp thời động viên để phần nào đó giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, khích lệ các thầy giáo, cô giáo yên tâm gắn bó với nhà trường.
Những năm qua, Vĩnh Phúc có nhiều chế độ, chính sách ưu đãi đối với những người có trình độ cao và những người đến nhận công tác ở vùng miền núi khó khăn. Ngoài những ưu tiên theo quy định, trong giai đoạn 2007-2010, mỗi năm, tỉnh dành ra 30 tỷ đồng để trả lương theo trình độ đào tạo và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho 100% số giáo viên các trường mầm non. Tỉnh cũng là địa phương đầu tiên thực hiện chuyển đổi 158 trường mầm non bán công sang công lập vào năm 2010, giúp gần 2.700 giáo viên được hưởng chế độ đứng lớp, ưu đãi theo quy định, cũng như hỗ trợ học phí cho các cháu mẫu giáo ở các trường mầm non nông thôn.
Hiện ở đơn vị, nhà trường nào cũng có những hoạt động mạnh mẽ trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động mang tính xã hội rộng lớn. Cuộc vận động xây dựng nhà công vụ cho giáo viên miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có hiệu quả cao. Tám nhà công vụ ở hai huyện miền núi Lập Thạch và Tam Đảo được xây dựng do Công đoàn giáo dục phát động. Cùng với đó, đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, được Vĩnh Phúc đầu tư hằng năm hơn 30 tỷ đồng để xây dựng. Hiện nay, toàn ngành giáo dục đã có 125 nhà công vụ với 852 phòng đưa vào sử dụng ở các huyện miền núi. Những hoạt động, phong trào như thế đã và đang tạo những điều kiện tốt nhất cho mỗi giáo viên gắn bó với nghề.
Ý kiến ()