Ðể gia đình thật sự là tổ ấm
Gia đình là nơi mỗi thành viên tìm được sự bình yên, cảm giác an toàn khi được sống trong tổ ấm. Thế nhưng thực tế, không phải cuộc hôn nhân nào cũng "thuận buồm, xuôi gió". Ðối với nhiều phụ nữ, tổ ấm trở thành nơi chất chứa những nỗi buồn, sự sợ hãi và đau đớn, tủi nhục khi bị chính người chồng bạo hành về tinh thần, thể xác.
Chịu nhịn là chết đấy!
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam được sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Phát triển Mục tiêu thiên niên kỷ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Nghiên cứu này là một phần hoạt động của Chương trình chung giữa Chính phủ Việt Nam và Liên hợp quốc về bình đẳng giới, cho thấy có tới 32% phụ nữ từng kết hôn phải chịu bạo lực về thể xác trong đời. Trong số này, có tới 60% chị em bị thương tích hai lần trở lên. Phụ nữ ở khu vực nông thôn, phụ nữ có trình độ học vấn thấp sẽ bị bạo lực cao hơn và mức độ nghiêm trọng của những hành vi bạo lực cũng cao hơn. Có 5% phụ nữ mang thai bị bạo lực gia đình.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, bạo lực tinh thần và bạo lực kinh tế cũng không kém phần quan trọng so với bạo lực thể xác, tỷ lệ khá cao, chiếm 54%. Tỷ lệ bạo lực về kinh tế chiếm 9%. Chị T.K.L ở Hà Nội tâm sự: “Trong quá trình ăn uống, ông ấy bắt chị ghi rõ sổ chi tiêu mà ông ấy đưa, nhưng cũng không tin vào sổ. Có lần chi, ghi 500 tiền hành, thì ông ấy bảo sao không sang hàng xóm xin mà lại phải đi mua”.
Báo cáo “Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình với phụ nữ ở Việt Nam” cho thấy: Phụ nữ phải đối mặt những nguy cơ bị bạo lực do chồng, hoặc các thành viên trong gia đình hoặc một nhóm người nào đó gây ra. Có khoảng 9% phụ nữ bị bạo lực mà không từ người chồng mà do các thành viên trong gia đình gây ra. Một phụ nữ bị bạo hành ở Bến Tre cho biết: “Chồng em đánh em vô đầu và bụng rất tàn nhẫn. Em viết giấy đưa ra xã, thế là ổng làm ầm ĩ lên với em, bê nguyên cây dừa đánh. Ba em thấy vậy mới bảo em về nhà ngoại lánh nạn nhưng em đâu có dám. Rồi mẹ chồng, chị dâu cùng nhau đánh em. Ðến lúc đó, ba em xuống nhà đón em về”.
Những phụ nữ bị bạo lực thường có sức khỏe yếu, có xu hướng mắc phải những vấn đề đi lại, mất trí nhớ và trầm cảm. Phụ nữ mang thai bị bạo hành có thể bị xảy thai, thai chết lưu hoặc sinh ra những đứa trẻ yếu ớt, di chứng về thần kinh. Chị N.T.K, một nạn nhân của bạo lực gia đình ở Hà Nội sau một thời gian dài nhẫn nhịn, chịu đựng những trận đòn roi của chồng đã phải thốt lên: “Nếu bị bạo lực thì nên lên tiếng và nhờ sự giúp đỡ của tập thể hoặc tư vấn. Tùy trường hợp chứ không phải ai cũng giống ai, nhưng mà không nên chịu nhịn, bởi vì chịu nhịn là chết đấy”.
Phá vỡ sự im lặng
Việt Nam đã chứng tỏ cam kết của mình về vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ thông qua phê chuẩn một số hiệp định quốc tế cơ bản về quyền con người: quyền dân sự và chính trị (ICCPR); kinh tế, văn hóa, xã hội (ICESCR), phân biệt chủng tộc (CERD); bình đẳng giới (CEDAW) và công ước quốc tế về quyền trẻ em. Những thỏa thuận quốc tế này là tiền đề cho việc xây dựng các khung pháp lý và chính sách quốc gia nhằm giải quyết vấn đề giới trên cơ sở giới tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, Cương lĩnh Bắc Kinh năm 1995, Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển tại Cai-rô năm 1994. Năm 2006, Luật Bình đẳng giới được thông qua, tiếp đến năm 2007 là Luật Phòng chống bạo lực gia đình.
Cho đến nay, mức độ bạo lực gia đình mà phụ nữ Việt Nam đang phải gánh chịu vẫn chưa được biết tới một cách đầy đủ. Câu hỏi đặt ra: Vì sao chúng ta có tất cả những khung pháp lý để giải quyết tình trạng bạo lực trong gia đình, nhưng vấn đề này vẫn tồn tại? Hầu hết những người phụ nữ được hỏi đều cho rằng, do xấu hổ, kỳ thị nên giữ thái độ im lặng, nhiều người còn bao biện, chuyện chồng đánh là một hình thức “dạy” vợ, là chuyện “bình thường”, đã là vợ thì phải làm quen, chịu đựng vì hạnh phúc của gia đình. Một nạn nhân bạo hành gia đình ở Hà Nội cho biết: “Bố mẹ chị là người đầu tiên khuyên chị nên chịu đựng. Mẹ chị bảo: “Ðồng nát thì về cầu Lôm, con gái nỏ mồm về ở với cha”. Một chị ở Bến Tre lại cho biết, “Khi bị chồng đánh chịu không nổi, tôi ra nhờ ấp can thiệp, nhưng trưởng ấp không chịu, ổng bảo, chuyện gia đình mày, mày về làm gì thì làm”.
Nghiên cứu cũng chỉ ra, có tới 87% số phụ nữ chưa bao giờ tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ chính thống hoặc từ những người có thẩm quyền. Chỉ khi tình trạng bạo lực đã tới mức nghiêm trọng thì mới tìm tới những cơ quan có trách nhiệm tại địa phương như hội phụ nữ, công an, tổ dân phố. Có tới 60% số phụ nữ từng bị bạo lực gia đình cho biết, họ đã được nghe về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, nhưng không nắm vững chi tiết, ngay cả các cấp chính quyền địa phương, những người tham gia trực tiếp giải quyết tình trạng bạo lực gia đình cũng không nắm rõ được Luật này.
Theo các chuyên gia về bạo lực gia đình, để ngăn chặn tình trạng này, trước mắt phải đẩy mạnh phòng ngừa, việc xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức của người dân và huy động sự tham gia của cộng đồng, các đoàn thể chính trị xã hội, như: cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên, nông dân. Trong các chiến dịch truyền thông, không chỉ các đối tượng phụ nữ bị bạo hành được tham gia, nâng cao nhận thức, phá vỡ im lặng mà còn phải hướng tới đối tượng nam giới và bé trai.
Nhằm giải quyết các vấn đề về bạo hành kinh tế, cần nâng quyền, trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo kỹ năng sống, nhóm tự lực, đào tạo việc làm, hỗ trợ về tài chính và pháp lý giúp họ tự tin quyết định và kiểm soát các quyết định của chính bản thân. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực của hệ thống tư pháp, công an nhằm thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan bạo lực dựa trên cơ sở bình đẳng giới. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự kỳ thị, tâm lý xấu hổ, thì rào cản lớn nhất của phụ nữ bị bạo hành là khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tư pháp cũng như quy trình tiếp cận, thái độ của những người tiếp đón, lắng nghe trong hệ thống tư pháp. Một điều quan trọng nữa, phải tiến hành khảo sát quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ một cách định kỳ, ít nhất năm năm một lần.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()