Để du lịch Việt Nam thật sự cất cánh
Du khách tham quan Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình).
Nối tiếp thành công của Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam lần thứ nhất diễn ra cuối năm 2018, Diễn đàn lần thứ hai sẽ chính thức được tổ chức ngày 9-12 tại Hà Nội. Đây là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công – tư cấp quốc gia, khu vực của ngành du lịch nhằm thảo luận những vấn đề, giải pháp, chương trình hành động cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững cho du lịch Việt Nam. Đây cũng là nơi các nhà đầu tư nắm bắt toàn diện các cơ chế, chính sách, chiến lược, tiềm năng quốc gia về du lịch để đánh giá và tìm giải pháp cải thiện các vấn đề cấp bách về đầu tư, quảng bá, thu hút khách du lịch từ các thị trường trọng điểm.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, các vấn đề chính mà Diễn đàn cần tập trung thảo luận để hiến kế cho các bộ, ngành, Chính phủ là: quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về chính sách xuất, nhập cảnh dành cho du khách quốc tế đến Việt Nam; mở rộng kết nối hàng không; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, các mục tiêu cụ thể của Diễn đàn được Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch Trần Trọng Kiên chỉ ra là: Hướng tới cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia, nâng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam lên 10 – 15 bậc tới năm 2021; tăng tỷ lệ đóng góp GDP trực tiếp của du lịch từ 8,39% GDP năm 2018 lên trên 10% GDP năm 2021; đặc biệt là hiện thực hóa sáng kiến xây dựng thị trường hàng không chung hay còn gọi là “Bầu trời mở ASEAN” vào năm 2020 – năm Việt Nam đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN, trước mắt là ưu tiên các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Công.
Để thực hiện những mục tiêu này, Diễn đàn sẽ diễn ra với bốn phiên chuyên đề và một phiên toàn thể. Các phiên chuyên đề được tổ chức đồng thời, mỗi phiên có quy mô 150 đến 200 đại biểu, thảo luận về các vấn đề nóng của du lịch Việt Nam. Trong đó, phiên “Tổ chức lại hoạt động quảng bá du lịch quốc gia để truyền cảm hứng cho du khách tới Việt Nam” sẽ tập trung bàn về những ưu tiên của Chính phủ đối với lĩnh vực du lịch; vấn đề xây dựng chiến dịch truyền thông và cải thiện các thông điệp về du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông khu vực, quốc tế, nhất là tại các thị trường mục tiêu; nâng cao hiệu quả của tiếp thị và xây dựng thương hiệu để thu hút thị trường khách du lịch mục tiêu; cơ chế để vận hành hiệu quả các văn phòng quảng bá du lịch Việt Nam tại nước ngoài…
Phiên “Cải thiện trải nghiệm du khách trong chuẩn bị hành trình và lập kế hoạch tới Việt Nam” bàn về giải pháp thiết kế bản đồ hành trình trải nghiệm của du khách; số hóa để đẩy mạnh du lịch thông minh; cải thiện trải nghiệm của du khách trong các khâu: xin thị thực – đặt vé – đặt khách sạn – đặt tua – xây dựng hành trình; ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch…
Trong khi đó, phiên “Cải thiện trải nghiệm tại điểm đến cho khách du lịch tại Việt Nam” hướng đến những trao đổi cụ thể về giải pháp nâng cao dịch vụ và tiện ích sân bay cho du khách; cải thiện hạ tầng du lịch; tăng chất lượng trải nghiệm ở các điểm đến du lịch…
Phiên “Bầu trời mở ASEAN – Kết nối thị trường hàng không chung Tiểu vùng Mê Công và khu vực Đông – Nam Á” tập trung thảo luận những vấn đề then chốt cần thực hiện để hoàn thành kết nối khu vực; đồng bộ và minh bạch hóa quy trình, thủ tục xin phép bay giữa các nước thành viên ASEAN; lộ trình hiện thực hóa sáng kiến “Bầu trởi mở ASEAN” tới 2020…
Trọng tâm của Diễn đàn là phiên toàn thể có quy mô khoảng 2.000 đại biểu tham dự. Cùng với nội dung trao đổi, thảo luận về những giải pháp phát triển du lịch, tại phiên này cũng diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực hàng không dân dụng và hợp tác đầu tư hạ tầng du lịch. Diễn đàn dự kiến có sự góp mặt của lãnh đạo Chính phủ, đại diện lãnh đạo các bộ liên quan, các tỉnh, thành phố, hãng hàng không quốc gia và các doanh nghiệp hàng không trong khối ASEAN; đại diện Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO; các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư trong nước và quốc tế…
Ý kiến ()